Một số điểm đáng chú ý về Luật Giáo dục 2019
Từ ngày 01/7/2020, Luật giáo dục sẽ bắt đầu có hiệu lực. Để phù hợp với các quy định hiện hành và cũng nhằm đổi mới để thích ứng với sự phát triển hiện nay. Do vậy, đã có những quy định cụ thể như hành vi bị nghiêm cấm, nâng cao trình độ chuẩn của giáo viên các cấp, còn có những nội dung về giảm học phí cho các sinh viên sư phạm, phổ cập giáo dục, thay đổi về tiền lương, v.v…Chính vì thế, để làm rõ vấn đề trên, Luật Nghiệp Thành sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu.
Thứ nhất, các hành vi bị nghiêm cấm[1]
Cụ thể là các hành vi như:
– Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, người lao động của cơ sở giáo dục và người học.
– Xuyên tạc nội dung giáo dục
– Có hành vi gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh.
– Hút thuốc; uống rượu, bia; gây rối an ninh, trật tự
– Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền
Đây là hiện tượng rất phổ biến hiện nay, ngoài giờ học trên lớp, phụ đạo ở trường. Vẫn còn tồn tại những giáo viên ép buộc học sinh học thêm nhưng điều này thường không diễn ra một cách “lộ liễu”. Mà những giáo viên này sẽ tế nhị đề nghị những học sinh học thêm lớp của mình, khi đã có số lượng học sinh nhất định, giáo viên sẽ “ép điểm” những học sinh không tham gia học. Và tất nhiên, để không bị điểm thấp vì lý do trên, học sinh sẽ phải học thêm giáo viên này. Bên cạnh đó, gia đình còn phải đầu tư tiền học thêm cho con em mình để học những giáo viên mong muốn.
– Lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ giáo dục để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật
Có nhiều trường học hiện nay đang có những khoản thu không đúng quy định[2]. Thực tế, các khoản thu này là tự nguyện nhưng lại có vỏ bọc là tiền “xã hội hóa”, đã yêu cầu học sinh phải nộp khoản tiền trên. Thực tế, khoản tiền xã hội hóa là khoản tiền tài trợ cho các cơ sở giáo dục. Và việc tài trợ luôn phải đảm bảo các nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc.[3]
Thứ hai, nâng trình độ chuẩn của các cấp giáo viên[4]
Cụ thể như sau:
– Giáo viên mầm non có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên
– Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông: bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên
Hoặc phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm nếu môn học không có giáo viên đáp ứng.
– Nhà giáo ở trình độ đại học phải có: bằng thạc sĩ; nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ: phải có bằng tiến sĩ
Có thể thấy quy định đã thay đổi về trình độ chuẩn của các giáo viên cấp mầm non và tiểu học. So với trước đây, giáo viên dạy hai cấp này có bằng trung cấp sư phạm vẫn được phép giảng dạy.[5] Nhưng bắt đầu từ ngày 01/7/2020, giáo viên mầm non phải có tối thiểu bằng cao đẳng sư phạm và giáo viên tiểu học phải có bằng cử nhân (tốt nghiệp đại học) thuộc ngành đào tạo giáo viên thì mới được phép giảng dạy.
Thứ ba, miễn giảm học phí cho sinh viên sư phạm[6]
Ngoài các khoản học bổng khuyến khích học tập hay trợ cấp xã hội, các khoản miễn giảm học phí cho người học. Thì học sinh, sinh viên sư phạm còn được hỗ trợ tiền học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khoá học.
Nhưng sau 02 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu làm trái ngành hoặc công tác trong ngành giáo dục không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn lại khoản phí đã được hỗ trợ.
Thời hạn hoàn trả sẽ bằng thời gian được đào tạo.
Thứ tư, chính sách học phí với học sinh thuộc diện phổ cập[7]
Theo quy định giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc và Nhà nước sẽ thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 05 tuổi và cả phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Phổ cập nghĩa là mọi công dân trong độ tuổi đều phải được học tập và đạt đến trình độ học vấn nhất định.
Việc phổ cập giáo dục có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của một quốc gia, còn nhằm xóa nạn mù chữ và hướng tới mục tiêu tất cả trẻ em đều phải được đến trường. Hơn nữa, trẻ em từ khi sinh ra với sự giáo dục từ bé sẽ giúp các em được phát triển toàn diện, phát huy những năng lực của mình. Ngoài ra, qua giáo dục sẽ giúp các em biết những điều đúng, sai; biết yêu thương, chia sẻ; phát huy năng lực và khám phá những điều mình yêu thích. Quan trọng hơn, việc giáo dục sẽ giúp các em vững vàng và trang bị cho mình những kiến thức cơ bản cho cuộc sống sau này.
Những chính sách về học phí đối với diện phổ cập cũng có các quy định như sau:
– Tại các trường công lập, học sinh tiểu học sẽ không phải đóng học phí. Đặc biệt, ở những địa bàn không đủ trường công lập thì học sinh tiểu học trong các trường tư thục sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí.
– Sẽ miễn học phí cho các trẻ em mầm non 05 tuổi tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo .
– Với mục tiêu phổ cập chương trình giáo dục mầm non và trung học cơ sở, do vậy những trường hợp không thuộc hai diện miễn học phí như trên. Thì vẫn sẽ được miễn học phí theo lộ trình do Chính phủ quy định.
Về cơ chế lộ trình và chính sách miễn học phí, trong thời gian tới Chính phủ sẽ có những quy định để thực hiện nội dung trên.
Thứ năm, bổ sung trường tư thục không vì lợi nhuận[8]
Mô hình trường tư thục không vì lợi nhuận là loại hình có tên gọi khá là mới mẻ tại Việt Nam.
Đây là trường mà nhà đầu tư cam kết và thực hiện cam kết hoạt động không vì lợi nhuận. Và được ghi trong quyết định thành lập hoặc quyết định chuyển đổi loại hình trường. Hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn, không hưởng lợi tức, về phần lợi nhuận tích lũy hằng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất nhưng không phân chia. Nhằm để tiếp tục đầu tư và phát triển nhà trường.
Thực tế, tại Việt Nam đã có một số trường đại học theo mô hình này kể từ Nghị quyết 05/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động giáo dục. Để loại hình này hoạt động thì cần thiết phải nhận được nguồn vốn đóng góp từ các quỹ, tài trợ của các doanh nghiệp, xã hội và nhà nước. Nhưng phải chứng minh được chất lượng đào tạo và nghiên cứu của mình.[9]
Khi được hưởng lợi nhuận thì phần lợi nhuận đó sẽ được sử dụng để đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu, giáo dục, cơ sở vật chất, v.v….Do tính chất tập trung vào chất lượng đào tạo là chính, do đó loại mô hình trường học này rất được khuyến khích phát triển.
Thứ sáu, có sự thay đổi về tiền lương của giáo viên
Từ ngày 01/7/2020, tiền lương giáo viên có sự thay đổi như sau:
Tiền lương sẽ dựa vào sự phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp và được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề. Nghĩa là tiền lương của giáo viên sẽ được hưởng theo năng lực thực chất của mỗi người, tương xứng với công sức và kết quả làm việc.
Về phụ cấp đặc thù nghề thì không phải mọi giáo viên đều được hưởng mà chỉ với một số đối tượng nhất định. Đó là các nhà giáo dạy tích hợp, nhà giáo là nghệ nhân ưu tú[10] trở lên hoặc người có trình độ kỹ năng nghề cao dạy thực hành tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.[11]
Trên đây là nội dung tư vấn về “Một số điểm đáng chú ý về Luật Giáo dục 2019”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, rất mong nhận được phản hồi và góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Linh Chi
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận
[1] Điều 22 Luật Giáo dục 2019
[2] Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam, bài viết “Tiền xã hội hóa, tài trợ giáo dục chính là lạm thu mới”
[3] Điều 2.1 Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT
[4] Điều 72 Luật Giáo dục 2019
[5] Điều 77.1.a Luật Giáo dục 2005
[6] Điều 85 Luật Giáo dục 2019
[7] Điều 14, 99 Luật giáo dục 2019
[8] Điều 47.1.c Luật Giáo dục 2019
[9]Báo Tài chính doanh nghiệp “Quản trị đại học tư thục không vì lợi nhuận”
[10] Nhà giáo là nghệ nhân ưu tú là Nhà giáo có danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Danh hiệu nghệ nhân ưu tú là các nghệ nhân được trao danh hiệu trong các lĩnh vực như di sản văn hóa phi vật thể hoặc thủ công mỹ nghệ,v.v…., là những người thợ giỏi, tiêu biểu có thâm niên hoặc có ảnh hưởng rộng rãi trong ngành và xã hội. (mục II.2 Thông tư 01/2007)
[11] Điều 4 Nghị định 113/2015