Rác thải nhựa – Nguồn gốc và hiểm họa tiềm tàng

Rác thải nhựa – Nguồn gốc và hiểm họa tiềm tàng

Rác thải nhựa – Nguồn gốc và hiểm họa tiềm tàng

Mỗi năm, thế giới sẽ thải ra môi trường 300 triệu tấn rác thải nhựa, riêng ở Việt Nam là khoảng 1,8 triệu tấn. Không những vậy, theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), số lượng rác thải của thế giới vào năm 2060 dự kiến vượt mức 01 tỷ tấn và đưa ra lời cảnh báo về tình trạng ô nhiễm nhựa trên thế giới đang ngày càng nghiêm trọng. Như vậy, rác thải nhựa có nguồn gốc từ đâu? Tại sao các quốc gia lại lo ngại và luôn tích cực trong việc chủ động tìm kiếm các biện pháp giải quyết vấn đề rác thải nhựa?

Nguồn gốc

Trước khi tìm kiếm ra nguyên liệu nhựa thì con người đa phần sẽ sử dụng các nguyên liệu truyền thống như đất nung, gốm, kim loại, gỗ,… cho đồ vật trong gia đình, hoạt động sản xuất. Nhưng đến năm 1969, nhà khoa học John Hyatt tạo ra celluloid với tính năng dai và dễ uốn, đã đánh dấu sự ra đời của loại nhựa đầu tiên trên thế giới. Sau nhiều năm nghiên cứu thì nhiều loại nhựa ra đời với tính năng dễ sản xuất, dễ sử dụng mà còn tiết kiệm chi phí, nguyên vật. Dần dần nhựa trở thành nguyên liệu phổ biến và thay thế cho các nguyên liệu truyền thống khác. Các sản phẩm được làm từ nhựa như chai nước, muỗng, nĩa, túi nilong, các sản phẩm điện gia dụng; ly mỳ ăn liền, cán cầm dao,….

Chính vì tính phổ biến trong việc sử dụng sản phẩm nhựa nên rác thải nhựa sẽ phát sinh từ các nguồn sau:

– Ở các chợ, tụ điểm buôn bán, nhà hàng, quán ăn, khách sạn, khu vui chơi giải trí;

– Ở trường học, cơ quan, viện nghiên cứu, công viên;

– Ở di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, địa điểm tham quan trên núi, bãi biển;

– Ở công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp;

Document

– Bãi đất trống, khu phức hợp, khu dân cư, nhà ở;

Như vậy, nguồn gốc phát sinh ra rác thải nhựa là ở bất kỳ đâu, chỉ cần nơi đó con người sử dụng sản phẩm được làm từ nhựa thì khả năng rác thải nhựa xuất hiện ở môi trường đó sẽ rất cao.

Hiểm họa tiềm tàng đối với môi trường tự nhiên và con người

Không thể phủ nhận nhựa là một phát minh quan trọng trong nền văn minh hiện đại của con người khi các sản phẩm được làm từ nhựa mang tính tiện lợi nhất định. Nhưng đằng sau sự tiện lợi lại ẩn chứa mối hiểm họa cho loài người, thế giới động vật và hệ sinh thái của môi trường. Bởi lẽ nhựa được cấu thành từ các liên kết Cacbon bền vững rất khó có thể phân hủy. Dù sử dụng nhiệt, áp lực lớn, kéo giãn hay những tác động khác thì chúng cũng khó bị phá vỡ hoàn toàn, chỉ có thể tách rời thành các mảnh nhựa nhỏ hơn. Chính vì đặc tính khó phân hủy nên thời gian phân hủy sinh học của nhựa sẽ lâu hơn, như nhựa PET trong chai nhựa mất 450 -1000 năm; nhựa PP trong nắp chai mất 100-500 năm; túi nhựa mất 10-1000 năm tùy thuộc vào thành phần nhựa tạo ra loại túi mỏng, bình thường hoặc dày; đầu lọc thuốc lá được làm từ một loại polymer biến tính từ sợi cellolose tự nhiên sẽ mất 10-15 năm mới hoàn toàn phân hủy[1];…..

Hiện nay, một số quốc gia vẫn còn sử dụng biện pháp chôn lắp rác thải nhựa xuống đất. Ngoài việc mất hàng trăm năm mới phân hủy hoàn toàn thì rác thải nhựa còn làm thay đổi tính chất vật lý của đất. Đất khi chứa rác thải nhựa sẽ không giữ nước, chất dinh dưỡng, ngăn cản quá trình oxi đi qua đất, gây ra tình trạng xói mòn, ô nhiễm môi trường đất mà còn tác động đến sự sinh trường các loại sinh vật, thực vật và nguồn nước ngầm ở gần khu vực chôn lắp. Vì thế, nếu chôn lắp một lượng lớn rác thải nhựa xuống đất sẽ khiến môi trường đất ở khu vực đó bị phá hủy hoàn toàn và biến thành một mảnh đất “chết”[2]. Đối với biện pháp chôn lắp rác thải chỉ phù hợp đối với các loại rác thải hữu cơ như vỏ rau củ, trái cây, bã cà phê, cỏ, lá cây,… bởi lẽ rác thải hữu cơ khi chôn lắp xuống đất sẽ dễ dàng phân hủy và tạo ra lượng lớn chất dinh dưỡng cho đất.

Nếu rác thải nhựa xả tràn làn trên biển sẽ gây ra hiện tượng “ô nhiễm trắng”. Theo Tổng cục Biển và Hải Đảo Việt Nam có khoảng 267 loài sinh vật biển đang bị vướng hoặc ăn phải các mảnh vi nhựa trên biển. Theo đó, rùa biển thường nhầm tưởng nhầm túi nilon là sứa, hải âu nghĩ mảnh nhựa đỏ là mực, các loại chim, động vật có vú cũng nhầm tưởng rác thải nhựa là thức ăn và nuốt chúng. Không những vậy, theo kết quả nghiên cứu khoa học của UC Davis vào tháng 11/2016 đã có trường hợp chim biển chết do ăn phải chất thải nhựa và ước tính đến năm 2050 sẽ có 99% chim biển ăn nhầm rác thải nhựa. Việc ăn nhầm rác thải nhựa có thể khiến thành ruột của sinh vật bị tổn hại hoặc tắc nghẽn làm giảm khả năng hấp thụ của sinh vật. Trường hợp sinh vật bị vướng vào rác thải nhựa sẽ khiến chúng không thể thoát ra, trong thời gian dài sinh vật biển không tìm kiếm được nguồn thức ăn sẽ bị chết vì đói. Ngoài ra, rác thải nhựa “vi vu” trên biển có thể chặn cửa hút nước, vướng vào lưới đánh cá, cuốn vào chân vịt khiến nhiều tàu thuyền khi ra khỏi bị hư hỏng nhiều thiết bị. Đã có 286 sự cố gây ra từ rác thải nhựa ở Na Uy và Anh khiến nhiều thiết bị trên tàu thuyền bị hư hỏng và phải mất 2,8 triệu USD để phục hồi.[3]

Rác thải nhựa không chỉ ảnh hưởng đế môi trường đất, nguồn nước mà còn gián tiếp khiến sức khỏe của con người bị suy yếu. Bởi lẽ, chất độc hại tiết ra từ rác thải nhựa có thể ngấm vào đất, nguồn nước hay trực tiếp vào thịt mà chúng ta đang sử dụng. Theo báo cáo đăng tải trên website Khoahoc.TV thì có 25% số cá trong siêu thị California (Mỹ) và 28% số cá trong chọ Indonesia có chứa hạt vi nhựa khó phân hủy. Nếu con người đang sử dụng các thực phẩm bị nhiễm độc từ rác thải nhựa sẽ ảnh hưởng đến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch hoặc mắc các bệnh vô sinh, ung thư,… Không những vậy, việc đốt rác thải nhựa cũng đặc biệt nguy hiểm, khi người hít phải sẽ ho, khó thở, chóng mặt. Nếu phơi nhiễm trong thời gian dài sẽ dẫn tới bệnh ung thư. Ngoài ra, việc đốt rác thải nhựa sẽ làm phá hủy tầng ozon của Trái đất.

Tổng kết, nhựa là một nghiên cứu để đời khiến ngành công nghiệp, nông nghiệp cũng như hoạt động thường ngày của con người được cải tiến và trở nên tiện lợi hơn. Tuy nhiên vì một phút tiện lợi mà con người đã tự tay hủy hoại môi trường thiên nhiên và gián tiếp làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân. Việc lạm dụng sản phẩm nhựa ngày nay sẽ khiến con người phải nhường lại tấc đất này cho rác thải nhựa trong tương lai. Vì thế chúng ta cần sử dụng các biện pháp hạn chế rác thải nhựa như: sử dụng sản phẩm làm bằng thủy tinh, tre nứa, cói, bã mía,…; mang theo đồ dùng riêng của bản thân như ly inox, thìa, đũa inox, hộp nhựa chất lượng có thể tái sử dụng nhiều lần và hạn chế sử dụng 01 lần các hộp, ly nhựa trong đồ ăn nhanh, đồ uống mang đi; phân loại rác thải đầu nguồn; mua sản phẩm số lượng lớn và thay thế túi nilon bằng túi vải, túi giấy;… Tuy nhiên các biện pháp trên chưa được sử dụng phổ biến và tình trạng rác thải nhựa xả ra môi trường vẫn rất nghiêm trọng đặc biệt là ở các khu vực tập trung nơi đông người như trung tâm thương mại, khu du lịch, danh lam thắng cảnh,… Bởi thế con người đừng vì sự tiện lợi của bản thân mà “phớt lờ” đi những tác hại nghiêm trọng mà rác thải nhựa sẽ mang đến cho môi trường và con người trong tương lai.

 

Trên đây là nội dung tư vấn về “Rác thải nhựa – Nguồn gốc và hiểm họa tiềm tàn

Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhắn “Chia sẻ” bài viết này

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Quách Gia Hy

Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi

Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận

 

[1] Tham khảo bài viết từ aneco Compostable: Nhựa khó phân hủy? Lý giải tại sao và điểm mặt 10 loại nhựa cứng đầu

[2] Tham khảo bài viết từ Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Phước – Sở Thông tin & Truyền thông: Nguồn gốc và tác hại của rác thải nhựa

[3] Tham khảo bài viết AnPhat Holdings: Rác thải nhựa trên biển – Nỗi ám ảnh của đại dương và sinh vật biển

Document
Categories: Môi Trường

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*