Quy định quản lý, vận hành của nhà thầu thu gom xử lý rác

Quy định quản lý, vận hành của nhà thầu thu gom xử lý rác

Những năm vừa qua cùng với sự tăng trưởng rõ rệt của nền kinh tế thì vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải cũng ngày càng được quan tâm. Thực tiễn cho thấy, phần lớn rác thải chưa được phân loại, thu gom cũng như xử lý triệt để, khiến cho môi trường sống, không khí ngày càng bị ô nhiễm và hủy hoại trầm trọng, mùi hôi thối rác thải sinh hoạt (đồ ăn thừa, tã vệ sinh em bé, chuột chết ..v.v) bốc mùi từ các bãi rác, điển hình là bãi rác Đa Phước (TP.HCM), Khánh Sơn (Đà Nẵng), Lương Hóa (Nha Trang) hay Sóc Sơn (Hà Nội). Cùng với các bãi rác ”tự phát khác” do thói quen sinh hoạt và nhận thức kém của một bộ phận người dân tập kết lại. Điều này cho thấy rằng cơ quan quản lý rác thải có tầm quan trọng trong việc làm cách nào xử lý rác thải để bảo vệ môi trường cũng như sức khỏe của cộng đồng. Vậy quy định về quản lý, vận hành của nhà thầu thu gom xử lý rác được pháp luật quy định như thế nào?

Nhà thầu thu gom xử lý rác

  1. Lựa chọn nhà thầu

Về nhà thầu thu gom xử lý rác thải họ là các tổ chức (doanh nghiệp), cá nhân, hợp tác xã, có đăng ký hoạt động hợp pháp, có sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thu gom, phân loại xử lý, chất thải rắn, vệ sinh công cộng [1] và  đặc biệt phải tham gia vào hoạt động đấu thầu để được thực hiện hoạt động dịch vụ thu gom xử lý rác thải[2].

Ví dụ chẳng hạn như ở TP. Hồ Chí Minh có tổng cộng 22 công ty về lĩnh vực dịch vụ công ích tại các quận huyện cộng với Công ty TNHH MTV Môi trường và đô thị TP.HCM, khi các công ty này tham gia vào hoạt động đấu thầu tại từng các địa phương (quận, huyện) thì được gọi là nhà thầu. Thời gian trước đây, thực hiện qua hình thức đặt hàng nên các công ty bên ngoài không tham gia đấu thầu được, ngoại trừ các công ty vừa nêu trên cộng với việc từng địa phương tồn tại song song hai mô hình thu gom xử lý rác thải của đơn vị dịch vụ công ích và dân lập.

Việc quyết định, phương thức cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích (thu gom, xử lý rác thải)[3] thuộc dự toán chi của ngân sách địa phương thì thẩm quyền do UBND cấp Tỉnh/Thành phố quyết định và giao cho các đơn vị trực thuộc Quận/Huyện tổ chức thực hiện.

Để lựa chọn ra được nhà thầu phù hợp, UBND Tỉnh/Thành phố thường tiến hành các công việc như sau:

Bước 1: UBND Tỉnh/Thành phố sẽ tiến hành lựa chọn nhà thầu.

Bước 2: Tổ chức lựa chọn đấu thầu.

Bước 3: Đánh giá hồ sơ dự thầu và thương thảo hợp đồng.

Bước 4: Trình, thẩm định, phê duyệt kết quả và công khai lựa chọn nhà thầu

Document

Bước 5: Hoàn thiện và ký hợp đồng. (Ủy quyền cho UBND Quận/Huyện).

  1. Đơn vị được quyền thu tiền rác

Thay vì phải tự mình dọn rác và xử lý thì hiện nay đã có các đơn vị chuyên trách thực hiện việc thu gom và xử lý rác thải cho cộng đồng. Song tổ chức, cá nhân phải chi trả cho đơn vị này một khoản tiền dịch vụ. Nếu đơn vị thu gom, xử lý rác thải được chính nguồn ngân sách của Nhà nước đầu tư thì nguồn thu từ hoạt động này sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước. Ở đây, đối với đơn vị được Nhà nước giao thực hiện việc thu gom, xử lý rác thì có quyền thay Nhà nước đi thu tiền rác và được để lại một phần hoặc toàn bộ số tiền thu được từ cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp để phục vụ cho việc hoạt động, duy trì của đơn vị, nếu vẫn còn dư thì số tiền này sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định[4].

Còn nếu trong trường hợp cơ sở thu gom, xử lý chất thải này tự hoạt động bằng chính nguồn vốn của mình thì chủ đơn vị có quyền trực tiếp quản lý, vận hành cơ sở xử lý chất thải do mình đầu tư hoặc thuê tổ chức, cá nhân khác làm chủ xử lý chất thải rắn sinh hoạt[5]. Như vậy, mọi hoạt động sẽ do đơn vị này thực hiện từ khâu thu gom, vận chuyển, xử lý cho đến khâu thu phí từ các cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp trên địa bàn mà đơn vị này được phép hoạt động. Trong trường hợp này, các đơn vị phải thực hiện thủ tục đăng ký đấu thầu với cơ quan chính quyền địa phương trực tiếp quản lý. Về bản chất, đơn vị tham gia đấu thầu ở đây là một doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt do đó nguồn thu nhập của đơn vị sẽ được xem là nguồn thu nhập hợp pháp cho nên đơn vị này sẽ phải đóng thuế theo đúng quy định pháp luật về thuế. Mức giá dịch vụ đơn vị này áp dụng phải theo mức giá do UBND Tỉnh/TP trực thuộc TW quy định.

  1. Mức thu tiền rác

Mức thu tiền rác là điều mà người dân cũng như tổ chức quan tâm khi mà đơn vị thu tiền rác thu hàng tháng. Giá thu tiền rác đối với chất thải thường theo quy định của một số Tỉnh/Thành phố được hiểu là mức thu tối đa của các khoản chi phí có liên quan (giá thu gom, giá vận chuyển, giá xử lý…) và mức giá này còn phụ thuộc vào quyết định ở từng địa phương (Tỉnh/Thành phố trực thuộc TW).

Thông thường các UBND Tỉnh/Thành phố trực thuộc TW sẽ căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội, đặc điểm của từng địa bàn, khu vực, đối tượng ở địa phương mà đưa ra các mức giá khác nhau. Vài tỉnh/thành phố còn gộp chung thuế giá trị gia tăng với mức thu đã quy định trong Phụ lục ban hành mức thu giá, như ở tỉnh Hưng Yên[6], Hải Dương,…Riêng ở TP.Hồ Chí Minh mức giá đối với chất thải rắn đã tách thuế giá trị gia tăng đầu vào và chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng đầu ra[7].

Lấy ví dụ ở tỉnh Hưng Yên , đối với từng đối tượng trên từng địa bàn thì có 4 đối tượng thu tiền rác[8] với các mức giá dao động khác nhau. Và từ mức giá thu tiền rác đó, mỗi hộ gia đình phải đóng với số tiền tương ứng. Bảng giá dưới đây áp dụng tại Tỉnh Hưng Yên:

TTĐối tượng nộpĐơn vị tínhMức thu (đồng)
1Đối tượng 1: Hộ gia đình, cá nhân (không gắn với sản xuất kinh doanh)
1.1Hộ dân trên địa bàn các phường của thành phố Hưng Yên
Hộ dân ở vị trí mặt tiền các đường phố và các ngõ mà xe thu gom rác vào lấy rác tận nơiđồng/khẩu/tháng10.000
Hộ dân ở trong ngõ hẹp xe thu gom rác không vào đượcđồng/khẩu/tháng7.000
1.2Hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn các xã của thành phố Hưng Yên và các thị trấn thuộc huyệnđồng/khẩu/tháng5.000
1.3Hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn các xã còn lại trên địa bàn các huyệnđồng/khẩu/tháng3.000
1.4Hộ nghèođồng/khẩu/thángMức thu bằng 20% mức thu của từng khu vực tương ứng
1.5Hộ cận nghèođồng/khẩu/thángMức thu bằng 40% mức thu của từng khu vực tương ứng
1.6Đối với người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựađồng/khẩu/thángMiễn thu
2Đối tượng 2: Hộ kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ, xen kẽ trong khu dân cư.
2.1Hộ kinh doanh nhà nghỉ, hàng ăn uống bán cả ngàyđồng/hộ/tháng150.000
2.2Hộ kinh doanh hàng ăn uống bán buổi sáng, buổi tối, hàng tạp phẩm – bách hoá, làm biển hiệu quảng cáođồng/hộ/tháng120.000
2.3Hộ giết mổ gia súc, gia cầmđồng/hộ/tháng110.000
2.4Hộ kinh doanh hoa tươiđồng/hộ/tháng95.000
2.5Hộ kinh doanh sửa chữa ôtô, xe máyđồng/hộ/tháng75.000
2.6Hộ kinh doanh phế liệuđồng/hộ/tháng63.000
2.7Các hộ kinh doanh còn lạiđồng/hộ/tháng45.000
3Đối tượng 3: Cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp.Thực hiện ký hợp đồng trực tiếp với đơn vị dịch vụ môi trường2.000đồng/kg rác thải
4Đối tượng 4: Rác thải từ các khu công cộng.Do ngân sách đảm bảo toàn bộ hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác

Cũng như ở các Tỉnh/Thành phố khác, ở tỉnh Hưng Yên cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo công tác tổ chức thu gom, vận chuyển và định giá dịch vụ đối với đối tượng xã thải trên địa bàn huyện, thành phố thì thẩm quyền thuộc về UBND Tỉnh. Thành phố và UBND từ cấp huyện trở xuống có trách nhiệm phối hợp để tổ chức công tác thu gom, vận chuyển và thu giá dịch vụ[9].

Còn ở TP. Hồ Chí Minh, mặc dù giá thu tiền rác theo xu hướng tiến bộ đảm bảo tính công bằng hơn, nhưng việc triển khai vẫn còn hạn chế. Cụ thể mức giá này ảnh hưởng bởi hai chi phí: giá đối với dịch vụ  thu gom, vận chuyển và giá đối với dịch vụ xử lý rác thải rắn sinh hoạt từ nguồn ngân sách nhà nước được tính theo kg. Giá tối đa đối với dịch vụ  thu gom, vận chuyển rác thải rắn sinh hoạt là 247 đồng/kg và giá tối đa đối với dịch vụ  xử lý chất thải rắn sinh hoạt là 475 đồng/kg. Mức giá này áp dụng từ 2022 trở đi. Mức thu cụ thể bạn có thể xem chi tiết tại bài viết “Giá thu gom rác ở thành phố Hồ Chí Minh”.

Chỉ lấy ví dụ tại 2 địa bàn khác nhau ta đã có thể thấy mức thu cũng như cách thức tính mức thu tiền rác khác nhau. Một nơi tính theo hộ gia đình, địa bàn sinh sống, một nơi tính theo đơn giá đồng/kg. Xử lý rác thải không phải là một vấn đề mới nhưng quy định của pháp luật hiện tại vẫn chưa rõ ràng và cụ thể. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân thông qua đấu thầu thu gom xử lý rác thải sinh hoạt không căn cứ vào quy định mà thu theo mức giá của doanh nghiệp tự tính. Dẫn đến bức xúc của người dân về mức thu tiền rác không hợp lý.

Trên đây là bài viết chia sẻ chi tiết về tổ chức hoạt động, cơ chế thu chi của nhà thầu thu gom xử lý rác thải sinh hoạt.

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Nguồn bài viết: Tổng hợp

 

[1] Mục 4 Danh mục B Nghị định 130/2013/NĐ-CP Nghị định về sản xuất và cung cứng sản phẩm, dịch vụ công ích.

[2] Điều 2 Nghị định 130/2013 Nghị định 130/2013/NĐ-CP Nghị định về sản xuất và cung cứng sản phẩm, dịch vụ công ích.

[3]  Điều 6 Nghị định 130/2013 Nghị định 130/2013/NĐ-CP Nghị định về sản xuất và cung cứng sản phẩm, dịch vụ công ích.

[4] Điều 4.3 NĐ 120/2016

[5] Điều 20.3 NĐ 38/2015

[6] Điều 2  Quyết định 25/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hưng Yên.

[7] Điều 3 Quyết định 38/2018/QĐ-UBND của Thành phố Hồ Chí Minh

[8] Điều 1 và Phụ lục Quyết định 25/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hưng Yên.

[9] Điều 3.5,6 Quyết định 25/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hưng Yên.

 

Document
Categories: Môi Trường

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*