Mẫu Bảo hiểm y tế mới
Thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những giấy tờ cần thiết đối với người dân khi đi khám, chữa bệnh. Để tiện lợi cho việc sử dụng và tra cứu thông tin thẻ của người dân thì mới đây, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã ban hành quyết định[1] về việc cấp thẻ BHYT mới thay thế mẫu cũ. Tuy nhiên, những thay đổi của thẻ mới là gì, ai phải đổi thẻ,… thì chắc hẳn nhiều người dân vẫn chưa nắm rõ.
Sau đây, Luật Nghiệp Thành sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về nội dung trên.
Thẻ BHYT mới sẽ được sử dụng chính thức từ ngày 1.4.2021.
Những thay đổi của thẻ BHYT mới so với thẻ cũ
– Thẻ được thiết kế nhỏ gọn hơn
Thẻ BHYT mới được thiết kế chiều dài 85,6mm và rộng 53,98mm trong khi mẫu thẻ BHYT cũ là 98 mm và 66 mm.[2] Thẻ nhỏ gọn giúp người dân dễ dàng mang theo trong túi ví,…
– Chất lượng thẻ tốt hơn.
Chất liệu là giấy trắng định lượng 180g/m2 nhằm đảm bảo độ bền, độ bóng cho thẻ còn mẫu thẻ cũ dùng giấy trắng định lượng 150g/m2.[3] Hơn nữa, thẻ sau khi in xong sẽ được ép plastic[4] tránh bị nhàu nát, mờ chữ và làm thẻ cứng cáp hơn vì mẫu cũ chỉ là giấy nên rất dễ bị rách, hư hỏng.
– Mã số thẻ ngắn gọn
Mẫu thẻ BHYT mới chỉ còn in 10 ký tự[5] ít hơn mẫu cũ là 15 kí tự rất thuận tiện cho người dân hay cán bộ y tế khi tra cứu.
– Thêm thông tin nơi cấp, đổi thẻ BHYT[6]
Mẫu thẻ mới được bổ sung thêm nơi, cấp đổi thẻ BHYT gồm có tên huyện và tỉnh nơi cơ quan BHXH in cấp, đổi thẻ BHYT cho người tham gia. Như vậy, người dân có thể dựa vào thông tin trên thẻ để biết được nơi để cấp, đổi lại thẻ mới khi bị mất thẻ, rách thẻ,..
– Hướng dẫn kiểm tra chi phí khám chữa bệnh[7]
Mặt sau thẻ mới bổ sung thêm nhiều chỉ dẫn về việc sử dụng mã số BHXH, việc tra cứu thông tin thẻ, hay số liên hệ để giải đáp thắc mắc. Do đó, người dùng sẽ tự biết cách tra cứu thông tin về thẻ và quyền lợi được hưởng, biết cách liên hệ với cơ quan BHXH,…
Như vậy, thẻ BHYT mới có nhiều cải tiến giúp cho việc quản lí, sử dụng, bảo quản thẻ được tốt hơn và giảm được chi phí cấp, đổi thẻ mới trong trường hợp bị hư hỏng.
Có phải tất cả mọi người đều phải đổi thẻ BHYT mới không?
Theo hướng dẫn của quyết định[8], những người đang sử dụng thẻ BHYT mẫu cũ còn thời hạn sử dụng thì tiếp tục được dùng thẻ BHYT cũ để đi khám chữa bệnh BHYT. Vậy có nghĩa rằng, nếu như mới tham gia BHYT lần đầu hay những trường hợp thẻ BHYT không còn giá trị sử dụng[9] sẽ phải cấp thẻ BHYT theo mẫu mới như là bị mất thẻ, bị rách, hỏng hoặc thay đổi thông tin thẻ.
Bên cạnh đó, nếu BHXH các tỉnh, thành phố nếu chưa sử dụng hết phôi thẻ cũ cho đến khi Quyết định này có hiệu lực thì vẫn tiếp tục cấp mẫu thẻ BHYT cũ cho người tham gia.[10]
Có thể thấy, đổi thẻ BHYT mới là không bắt buộc đối với tất cả mọi người.
Tiếp tục sử dụng thẻ BHYT cũ có ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia không?
Như đã đề cập, người dùng vẫn được sử dụng thẻ cũ còn thời hạn để khám, chữa bệnh. Hơn nữa các thông tin về mã số thẻ cũ, địa chỉ, thời gian được miễn cùng chi trả trong phạm vi quyền lợi BHYT khi khám, chữa bệnh đúng tuyến của người tham gia vẫn được cập nhật trên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT và Cổng thông tin BHXH Việt Nam.[11] Do đó, dù người dân có đổi thẻ BHYT mới hay dùng thẻ cũ thì những thông tin về quyền lợi BHYT của người dân cũng đã được lưu trên hệ thống để phục vụ cho việc thực hiện khám chữa bệnh BHYT. Như vậy, người tham gia dùng thẻ nào cũng đảm bảo được quyền lợi của mình.
Trên đây là nội dung tư vấn về: “Mẫu Bảo hiểm y tế mới”.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, chia sẻ, góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Khánh Như
Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1] Quyết định số 1666/QĐ-BHXH
[2] Điều 2.1 Quyết định số 1666/QĐ-BHXH và Điều 2.1 Quyết định số 1313/ QĐ-BHXH
[3] Điều 2.2 Quyết định số 1666/QĐ-BHXH và Điều 2.2 Quyết định số 1313/ QĐ-BHXH
[4] Điều 3.3 Quyết định số 1666/QĐ-BHXH
[5] Điều 3.1.1 Quyết định số 1666/QĐ-BHXH
[6] Điều 3.1.10 Quyết định số 1666/QĐ-BHXH
[7] Điều 2.3.2 Quyết định số 1666/QĐ-BHXH
[8] Điều 4.2 Quyết định số 1666/QĐ-BHXH
[9] Điều 19.1 Văn bản hợp nhất Luật Bảo hiểm y tế
[10] Điều 4.1 Quyết định số 1666/QĐ-BHXH
[11] Điều 4.3 Quyết định số 1666/QĐ-BHXH