Thời giờ làm việc bình thường
Tình huống: Công ty tôi dự tính cho NLĐ làm việc theo tuần. Cho tôi hỏi công ty tôi cho NLĐ làm việc bao nhiêu giờ trong tuần thì không trái quy định của pháp luật?
Trả lời:
Chào bạn, dựa trên thông tin mà bạn cung cấp, Luật Nghiệp Thành xin được tư vấn như sau:
Theo quy định của pháp luật lao động, thời giờ làm việc bình thường của NLĐ được quy định cụ thể [1]:
Thời giờ làm việc bình thường tối đa 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần.
NSDLĐ có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần .
Thời giờ làm việc không quá 06 giờ trong 01 ngày đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (khai thác hầm lò, sấy, nghiền, trộn, đóng gói vật liệu nổ, bắn mìn lộ thiên….theo danh mục do BLĐ-TBXH chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành).
Do đó, công ty muốn cho NLĐ làm việc theo tuần phải đảm bảo thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ/ngày, đồng thời cũng không quá 48 giờ trong 01 tuần.
Pháp luật quy định thời giờ làm việc tối đa như trên nhằm đảm bảo hiệu quả công việc cho NSDLĐ. Đồng thời, quy định này nhằm bảo vệ NLĐ,tránh tình trạng NSDLĐ bóc lột NLĐ cho NLĐ làm việc quá thời giờ làm việc tối đa trên.
Nếu NSDLĐ cho NLĐ làm việc quá số giờ làm việc bình thường có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm của cá nhân [2]. Trường hợp tổ chức vi phạm thì mức phạt gấp 02 lần mức phạt đối với cá nhân [3].
Thẩm quyền xử phạt thuộc về Thanh tra lao động; Chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền [4].
Trên đây là nội dung tư vấn về “Thời giờ làm việc bình thường”
Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Nguồn: Tổng hợp
Ngày cập nhập, bổ sung: 20.10.2021
Người bổ sung: Lê Tuấn Huy
Ngày cập nhật, bổ sung lần hai: 11.02.2022
Người bổ sung lần hai: Lê Tiến Thành
[1] Điều 105 Bộ luật lao động 2019
[2] Điều 18.3 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
[3] Điều 6.3 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
[4] Điều 48,49 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.