Làm thế nào để giảm thiểu rủi ro khi chơi hụi?
Từ lâu, việc chơi hụi được xem như một hình thức “bỏ ống tiết kiệm” nhưng có thể giúp mọi người có cơ hội nhận được tổng số tiền mình dự định tiết kiệm một cách nhanh chóng hơn so với việc gửi tiền và nhận lãi từ ngân hàng. Dây hụi là một nhóm người được hình thành trên cơ sở thỏa thuận cụ thể về thời gian, phần hụi[1], hình thức góp, lĩnh tiền hụi, quyền, nghĩa vụ của từng người tham gia[2]. Đây cũng được coi là một hình thức góp tiền, một hợp đồng cho vay tài sản[3], nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau trong nhân dân, được thực hiện theo quy định của pháp luật. Với ưu điểm là giúp những người tham gia có thể nhận được khoản tiền lời nhiều và nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, cũng bởi việc chơi hụi thường mang tính “tín chấp”, tin tưởng lẫn nhau là chính, không có sự thế chấp hay tài sản bảo đảm nào nên nó cũng kéo theo rất nhiều rủi ro phát sinh khó lường trước được như bị giật hụi, bể hụi, “vỡ nợ”, trắng tay, mất đất, mất nhà,…Các bạn có thể tham khảo các bài viết sau của chúng tôi để hiểu hơn về Hụi: Một số thuật ngữ về Hụi; Các loại Hụi thường gặp; Lợi ích và rủi ro của việc chơi Hụi.
Vậy làm thế nào để giảm thiểu tối đa những rủi ro khi tham gia dây hụi? Luật Nghiệp Thành xin đề xuất một số giải pháp dưới đây:
Chỉ tham gia dây hụi có độ tin cậy cao: Bạn cần phải xem xét về sự uy tín của người đứng ra tổ chức dây hụi (chủ hụi), nó không nằm ở bề ngoài sang trọng, hào nhoáng hay tiền bạc, tài sản của chủ hụi mà bạn còn cần tìm hiểu rõ về nhân thân, gia đình của chủ hụi. Bên cạnh đó, bạn cũng cần biết dây hụi của mình có bao nhiêu thành viên, bao gồm những ai, nghề nghiệp, công việc, nguồn thu nhập, tài sản thế nào và phẩm chất ra sao. Việc tìm hiểu này góp phần đảm bảo việc đóng hụi của các thành viên được lâu dài, đều đặn và đầy đủ. Bởi lẽ trên thực tế, đã có quá nhiều trường hợp có thành viên vừa “hốt hụi”, cầm tiền lãi xong liền lâp tức rút ra khỏi dây hụi làm ảnh hưởng đến quyền lợi và gây rủi ro về tài sản cho các thành viên còn lại.
Thỏa thuận về dây hụi phải được lập bằng văn bản[4] (kể cả việc sửa đổi, bổ sung văn bản này[5]): Mặc dù pháp luật không quy định bắt buộc phải công chứng, chứng thực. Tuy nhiên, để đảm bảo sự chắc chắn, an toàn cho quyền lợi và tài sản của mình thì mọi người nên yêu cầu công chứng, chứng thực văn bản thỏa thuận này. Văn bản thỏa thuận về dây họ cần có những nội dung cơ bản, chủ yếu như: Họ, tên, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân hoặc số hộ chiếu; ngày, tháng, năm sinh; nơi cư trú của chủ họ[6] và các thành viên[7]; Số lượng thành viên; Phần họ[8]; Thời gian diễn ra dây họ, kỳ mở họ[9]; Thể thức góp họ, lĩnh họ. Ngoài các nội dung căn bản nêu trên, văn bản thỏa thuận còn có thể có thêm những nội dung như: Mức hưởng hoa hồng của chủ họ; Lãi suất[10]; Trách nhiệm đối với thành viên vi phạm nghĩa vụ[11] và một số nội dung khác,…
Dây hụi cần phải có sổ sách, ghi chép: Việc ghi chép, thống kê một cách đầy đủ, chi tiết, rõ ràng và chính xác về các hoạt động góp hụi, hốt hụi, rút khỏi dây hụi hay một số các hoạt động khác trong nội bộ dây hụi không những là một trong những cơ sở chứng minh khi có rủi ro xảy ra mà còn là nguồn chứng cứ quan trọng để Tòa án xem xét giải quyết khi có tranh chấp phát sinh.
Thỏa thuận, đề xuất các hướng giải quyết khi có rủi ro, các vấn đề tranh chấp phát sinh: Các giao dịch dân sự, đặc biệt là các giao dịch liên quan đến tài sản rất khó tránh khỏi những mâu thuẫn, tranh chấp lớn nhỏ phát sinh. Nhất là các vấn đề liên quan đến “dây hụi”, khi mà pháp luật chưa thực sự có những quy định và sự can thiệp giải quyết triệt để, chủ yếu dựa vào sự bàn bạc, thương lượng giữa các thành viên là chính thì việc có những thỏa thuận và đề xuất các hướng giải quyết triệt để khi có rủi ro hay tranh chấp phát sinh là rất cần thiết.
Thành lập một nhóm, group tương tác giữa các thành viên: Thời đại công nghệ hiện đại, việc sử dụng Internet và điện thoại Smartphone ngày càng phổ biến rộng rãi. Do đó, các thành viên của dây hụi có thể thỏa thuận thành lập một nhóm chát Viber, Zalo hoặc một group Facebook trên mạng xã hội. Khi có thành viên nào đóng hụi hoặc hốt hụi thì chủ hụi đăng thông báo lên group chat. Như vậy, tất cả các thành viên đều có thể kiểm soát được mọi hoạt động của nhóm. Hạn chế việc thành viên hay chủ hụi gian dối, tạo ra dây hụi ảo. Đồng thời, giữa các thành viên có thêm sự tương tác, có thể nắm bắt thông tin và hiểu rõ về nhau hơn.
Trang bị kiến thức liên quan: Từ ngày 5/4/2019, Nghị định 19/2019/NĐ-CP ra đời và có hiệu lực đã phần nào khắc phục những khoảng trống quy định của pháp luật về “họ, hụi, biêu, phường”. Mỗi cá nhân tham gia dây hụi cần tích cực trang bị kiến thức pháp luật và thực tiễn về hụi để tự bảo vệ được các quyền lợi, giảm thiểu tối đa các rủi ro cho bản thân mình.
Trên đây là tư vấn của Luật Nghiệp Thành về vấn đề “Làm thế nào để giảm thiểu rủi ro khi chơi hụi?”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Võ Thị Minh Thương.
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.
[1] Điều 4.1 Nghị định 19/2019/NĐ-CP
[2] Điều 4.1 Nghị định 19/2019/NĐ-CP
[3] Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015
[4] Điều 7.1 Nghị định 19/2019/NĐ-CP
[5] Điều 7.2 Nghị định 19/2019/NĐ-CP
[6] Điều 4.3 Nghị định 19/2019/NĐ-CP
[7] Điều 42 Nghị định 19/2019/NĐ-CP
[8] Điều 4.4 Nghị định 19/2019/NĐ-CP
[9] Điều 4.5 Nghị định 19/2019/NĐ-CP
[10] Mục 2, chương III, Nghị định 19/2019/NĐ-CP
[11] Chương IV, Nghị định 19/2019/NĐ-CP