Lãi suất bao nhiêu là cho vay nặng lãi?
Tình huống: Vì tình hình cần xoay vốn nhanh để làm ăn, mà thủ tục vay ngân hàng phức tạp, nên tôi đem sổ đỏ ra hiệu cầm đồ cầm cố với giá 300 triệu đồng, lãi suất là 180% trong thời hạn 3 tháng. Tuy nhiên, sau khi về tôi nghe bạn nói là như vậy là chủ hiệu cầm đồ lừa gạt tôi, nói rằng lãi suất không cao như vậy, mà còn có thể đi tù vì tội cho vay nặng lãi. Tôi không biết điều này là đúng không?
Nguồn: Internet
Xin chào bạn, cảm ơn bạn đã quan tâm và đặt câu hỏi cho công ty Luật Nghiệp Thành, chúng tôi có thể giải đáp như sau:
Thứ nhất, giao dịch cho vay giữa bạn và chủ hiệu cầm đồ là giao dịch dân sự.[1]
Thứ hai, lãi suất tối đa được cho phép trong giao dịch dân sự là dưới 20%/ năm so với số tiền gốc.[2]
Thứ ba, để quy kết tội cho vay nặng lãi, thì lãi suất mà chủ hiệu cầm đồ thu là lớn hơn 100%/ năm so với số tiền gốc.[3] Nghĩa là nếu số tiền lãi chủ tiệm cầm đồ thu về lớn hơn 8,3%/tháng, phạm tội cho vay nặng lãi.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, chủ hiệu cầm đồ lấy lãi suất là 180%/ 3 tháng, tương đương 60%/tháng. Vượt quá mức lãi suất pháp luật cho phép, và bị quy kết vào tội cho vay nặng lãi.
Ngoài ra, khi bị quy kết vào tội cho vay nặng lãi, người vi phạm còn bị phạt tiền hoặc bị phạt tù.[4]
Thu lợi bất chính (đồng) | Phạt tiền (đồng) | Phạt tù |
30 triệu – 100 triệu | 50 triệu – 200 triệu | Cải tạo không giam giữ lên đến 3 năm. |
>100 triệu | 200 triệu – 1 tỷ | 6 tháng – 3 năm |
Khi gặp trường hợp này, bạn có thể nhanh chóng đến Cơ quan công an nơi hiệu cầm đồ tiến hành giao dịch để xác minh và có hình thức xử lý kịp thời.
Bạn đọc tham khảo Như thế nào là cho vay nặng lãi
Trên đây là nội dung tư vấn về “Lãi suất bao nhiêu là cho vay nặng lãi?”
Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Lê Kim Bảo Ngọc
Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1] Điều 116 Bộ luật dân sự 2015
[2] Điều 468(1) Bộ luật dân sự 2015
[3] Điều 201(1) Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017
[4] Điều 201 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017