Không cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn
Câu hỏi: Vợ chồng tôi đã ly hôn, Toà án ra quyết định cho tôi nuôi dưỡng, chăm sóc con, còn chồng cũ sẽ cấp dưỡng. Tuy nhiên, sau khi tôi yêu cầu đưa tiền cấp dưỡng tháng này thì chồng cũ của tôi lại không đồng ý. Vậy tôi phải làm gì để bắt buộc chồng cũ thực hiện cấp dưỡng?
Luật Nghiệp Thành trả lời thắc mắc của bạn như sau:
Như bạn đã đề cập, Toà án đã ra quyết định ly hôn, trong đó có đề cập người trực tiếp nuôi dưỡng là bạn và người cấp dưỡng là cha cháu bé. Nghĩa là Toà án đã xem xét cha đứa bé có đủ điều kiện về tài chính nên có khả năng cấp dưỡng cho con mình. Tuy nhiên, hiện tại lại không thực hiện cấp dưỡng theo Quyết định của Toà án.
Nghĩa vụ của người chồng trong trường hợp này là phải có nghĩa vụ cấp dưỡng. Vì đây là nghĩa vụ của cha hoặc mẹ nếu không trực tiếp nuôi con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng về tài chính để giúp tạo điều kiện tốt nhất về mặt vật chất và tinh thần cho con dù cha mẹ đã ly hôn.[1]
Theo quy định Luật Hôn nhân và gia đình, nếu người có nghĩa vụ cấp dưỡng không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bạn với tư cách là mẹ đứa bé có quyền yêu cầu Toà án buộc người chồng cũ không tự nguyện cấp dưỡng phải thực hiện cấp dưỡng.[2]
1.Cưỡng chế thi hành án nếu đã qua thời hạn thực hiện việc cấp dưỡng
Đó là trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án thì người phải thi hành án là người chồng có trách nhiệm phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng trong vòng 10 ngày như đã nêu trên.[3]
Nếu như hết thời hạn 10 ngày mà vẫn không thực hiện mà dù có đủ điều kiện cấp dưỡng cho con thì sẽ bị cưỡng chế thi hành án.[4]
2.Các biện pháp cưỡng chế[5]
Thông thường, cơ quan thi hành án sẽ thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành án được thực hiện là khấu trừ tiền trong tài khoản; xử lý tiền, giấy tờ có giá của người chồng hoặc có thể trừ vào thu nhập. Ngoài ra, cũng có thể kê biên, xử lý tài sản, tuy nhiên việc kê biên thông thường sẽ khá phức tạp do vốn phương thức trả tiền cấp dưỡng là hàng tháng để đảm bảo thu nhập cho phía bên cấp dưỡng như bạn đã đề cập, nên chỉ có thể kê biên các tài sản có giá trị nhỏ như ti vi, xe máy, máy tính, v.v…
3.Xử phạt đối với người chồng không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng
Ngoài việc bị cưỡng chế, người chồng còn có thể bị phạt cảnh cáo hoặc bị phạt tiền từ 100-300 nghìn đồng nếu từ chối hoặc là trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn.[6]
Hơn nữa, việc không chấp hành theo quyết định của Toà án dù đã bị cưỡng chế hoặc đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm thì sẽ bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm, được xem là “Tội không chấp hành án” theo Bộ luật Hình sự.[7]
Ngoài ra, nếu xét đến việc từ chối cấp dưỡng hoặc trốn tránh cấp dưỡng mà khiến cho người con lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ hoặc đã bị xử phạt về hành vi tương tự mà còn vi phạm (không thuộc trường hợp “Tội không chấp hành án”) thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.[8] Gọi là “Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng”.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Nghiệp Thành về “Không cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Tổng hợp
[1] Điều 82, 110 Luật Hôn nhân và gia đình 2014
[2] Điều 119 Luật Hôn nhân và gia đình 2014
[3] Điều 45 sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1.19 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi năm 2014
[4] Điều 46 Luật Thi hành án dân sự 2008
[5] Điều 71 Luật Thi hành án dân sự 2008
[6] Điều 54.Nghị định 167/2013/NĐ-CP
[7] Điều 380 Bộ luật Hình sự 2015
[8] Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi BLHS năm 2017