Khen thưởng cá nhân thực hiện tốt công tác dân số

Khen thưởng cá nhân thực hiện tốt công tác dân số

Khen thưởng cá nhân thực hiện tốt công tác dân số

Trong sự phát triển kinh tế – xã hội hiện nay thì vấn đề về dân số đang nhận được nhiều sự quan tâm nhà nước ta. Để khuyến khích người dân thực hiện công tác dân số theo kế hoạch thì Chính phủ cũng đã có những chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với  những cá nhân thực hiện tốt công tác này đặc biệt là đối với các đối tượng phụ nữ và cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ và đã đủ 02 con. Đây cũng là những đối tượng chủ yếu được đề cập đến trong Thông tư[1] về chính sách khen thưởng thực hiện tốt công tác dân số của Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương. Sau đây, Luật Nghiệp Thành sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về nội dung này.

Căn cứ vào tình hình thực tiễn việc thực hiện công tác dân số, từng địa phương sẽ ban hành chính sách khen thưởng, hỗ trợ cho các đối tượng phụ nữ, cặp vợ chồng theo hướng dẫn.

  1. Chính sách khuyến khích duy trì mức sinh thay thế

Mức sinh thay thế (MSTT) là số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Có nghĩa là mỗi người mẹ sinh được 2 con thì sẽ đạt MSTT. Trên thực tế, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố như tuổi thọ, kết hôn muộn,… nên MSTT thường hơn 2 con/phụ nữ.[2]

Việt Nam đã đạt MSTT và duy trì ổn định mức sinh trong 10 năm qua với tổng tỷ suất sinh là 2,09 con/phụ nữ theo thống kê năm 2019.[3] Tuy nhiên, giữa các địa phương vẫn còn chênh lệch về tỷ suất sinh nên được chia ra thành 3 vùng:

– Vùng mức sinh cao (là vùng có mức sinh cao hơn MSTT);

– Vùng mức sinh thấp (là vùng có mức sinh thấp hơn MSTT);

– Vùng MSTT.

Bảng phân loại mức sinh của các tỉnh, thành phố theo vùng:[4]

Vùng có mức sinh cao (33 tỉnh, thành phố)Hà Tĩnh, Lai Châu, Quảng Trị, Yên Bái, Điện Biên, Nghệ An, Tuyên Quang, Ninh Bình, Sơn La, Bắc Ninh, Nam Định, Hà Giang, Bắc Giang, Thanh Hóa, Phú Thọ, Kon Tum, Hòa Bình, Đắk Nông, Cao Bằng, Quảng Bình, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Gia Lai, Thái Nguyên, Hưng Yên, Đắk Lắk, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Hà Nam và Hải Dương.
Vùng có mức sinh thấp (21 tỉnh, thành phố)Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kiên Giang.
Vùng có MSTT (9 tỉnh, thành phố)Ninh Thuận, Quảng Ninh, Bình Định, Lâm Đồng, Phú Yên, Trà Vinh, Hải Phòng, Hà Nội và Bình Phước.

 

Duy trì MSTT có vai trò rất quan trọng đối với mục tiêu phát triển bền vững của đất nước vì mức sinh cao thì sẽ làm dân số tăng quá nhanh, còn mức sinh thấp thế sẽ dẫn đến thiếu hụt lao động, tăng những vấn đề an sinh xã hội,…

Vì mỗi địa phương có mức sinh khác nhau nên từng vùng sẽ có chính sách khen thưởng, hỗ trợ khác nhau.

Tại các tỉnh thuộc vùng mức sinh cao:

Phụ nữ đáp ứng đủ các điều kiện sau sẽ được địa phương khuyến khích, hỗ trợ tiền/hiện vật:[5] (a)

– Trong độ tuổi sinh đẻ (trong khoảng 20 – 35 tuổi);

– Đã sinh đủ 2 con;

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

– Tự nguyện sử dụng các biện pháp tránh thai dài hạn như là triệt sản, đặt vòng tránh thai, cấy thuốc tránh thai.

Vì mục tiêu duy trì MSTT nên vùng có mức sinh cao sẽ khuyến khích giảm sinh để đạt mức 2 con. Như vậy sẽ giúp cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và cộng đồng.

Các chính sách hiện hành:[6]

– Khuyến khích không sinh con thứ ba trở lên;

– Hỗ trợ phương tiện tránh thai.

Tại các tỉnh thuộc vùng mức sinh thấp

Phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi sẽ được địa phương quyết định khen thưởng hoặc hỗ trợ tiền/ hiện vật.[7] (b)

Vì ở các địa phương này hầu hết các gia đình đều sinh 1 con, không thể đạt MSTT. Do đó, vùng có mức sinh thấp khuyến khích sinh được 2 con trong độ tuổi sinh đẻ nhằm giải quyết các tình trạng như giảm quy mô dân số, thiếu hụt lao động, .. Hơn nữa, sinh con dưới 35 tuổi sẽ bảo vệ được tốt nhất sức khỏe của mẹ. Sinh con sau 35 tuổi người mẹ sẽ có nguy cơ sảy thai cao, mắc bệnh tiểu đường, xương khớp,… còn con sinh ra có khả năng cao bị dị tật bẩm sinh.

Các chính sách hiện hành:[8]

– Hỗ trợ sinh con, nuôi, dạy con;

– Khuyến khích không kết hôn muộn, sinh con muộn, sinh ít con.

Tại các tỉnh thuộc vùng MSTT

Địa phương được lựa chọn, quyết định nội dung cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ đối tượng phụ nữ ở mục (a), (b).

Hiện nay chưa có hướng dẫn mức hỗ trợ tiền cụ thể cho các đối tượng trên. Do đó, mỗi địa phương sẽ cân nhắc tình hình thực tế để quyết định số tiền thưởng.

Chính sách hỗ trợ đang thí điểm:[9]

+ Hỗ trợ phụ nữ khi mang thai, sinh con và sinh đủ 2 con: Tư vấn, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; tạo điều kiện trở lại nơi làm việc sau sinh; giảm thuế thu nhập cá nhân; miễn giảm các khoản đóng góp công ích;…


+ Hỗ trợ, khuyến khích cặp vợ chồng sinh đủ 2 con: mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở; ưu tiên con vào các trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục;…

 

  1. Khuyến khích kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

Tại Việt Nam, tỷ số giới tính khi sinh là 111,5 trai/100 gái[10] cao hơn tỷ số thông thường là 104 – 106 trai/100 gái. Do đó cần phải kiểm soát tình trạng này để giảm các hệ lụy như: thiếu hụt phụ nữ trong tương lai; cấu trúc gia đình thay đổi; ảnh hưởng đến mức sinh;…

Chính sách: Cặp vợ chồng sinh 2 con một bề (cùng là nam hoặc cùng là nữ) và cam kết không sinh thêm con sẽ được địa phương lựa chọn khuyến khích, hỗ trợ.

Dựa vào tình hình thực tế mà các địa phương sẽ ban hành chính sách riêng cho địa phương mình. Mới đây, tỉnh Hậu Giang đã tặng bằng khen và tiền thưởng cho các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con một bề là gái. Theo tình trạng như hiện nay, mục tiêu của chính sách là cân bằng lại giới tính nữ đang bị thiếu hụt mà vẫn đảm bảo mức sinh con trai. Bên cạnh đó, chỉ khuyến khích sinh đủ 2 con cũng là duy trì MSTT.

Các nội dung khuyến khích, hỗ trợ:[11]

– Tôn vinh, biểu dương việc nuôi dạy con ngoan, khỏe, học giỏi, thành đạt;

– Miễn, giảm học phí, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế học sinh;

– Hỗ trợ sữa học đường;

– Các nội dung, hình thức phù hợp khác.

Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ này sẽ tạo động lực, sự tin tưởng cho người dân thực hiện tốt công tác dân số, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần vào sự phát triển của đất nước.

Bạn đọc tham khảo thêm bài viết “Các chính sách khuyến khích sinh con” tại đây

 

Trên đây là nội dung tư vấn về: “Khen thưởng cá nhân thực hiện tốt công tác dân số”.

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, chia sẻ, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Nguyễn Khánh Như

Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi

Người duyệt bài:  Luật sư Thuận

[1] Thông tư số 01/2021/TT-BYT

[2] Tham khảo bài viết “ Các chính sách khuyến khích sinh con”.

[3] Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở 2019

[4] Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 588/QĐ-TTg

[5] Điều 3.1.b Thông tư số 01/2021/TT-BYT

[6] Điều 1.II.3.b Quyết định số 588/QĐ-TTg

[7] Điều 3.2.b Thông tư số 01/2021/TT-BYT

[8] Điều 1.II.3.b Quyết định số 588/QĐ-TTg

[9] Điều 1.II.3.b Quyết định số 588/QĐ-TTg

[10] Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019

[11] Điều 4.2 Thông tư số 01/2021/TT-BYT

Document
Categories: Cá Nhân

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*