Kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp
Việt Nam là một quốc gia có điện tích đất nông nghiệp lớn. Theo như Công bố kết quả thống kê diện tích đất đai của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì điện tích đất nông nghiệp nước ta chiếm 27.289.454 ha/ 33.123.597 ha tổng diện tích tự nhiên năm 2018. Nghề nông cũng một ngành nghể chính tại nước ta. Do đó, thuế đất nông nghiệp là một vấn đề được đông đảo bà con nông dân quan tâm. Đây là loại thuế gián thu đánh vào việc sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông nghiệp. Và đất chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp là đất nông nghiệp, bao gồm: đất trồng trọt (đất trồng cây hàng năm; đất trồng cây lâu năm; đất trồng cỏ); đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản; đất trồng rừng. Về loại thuế này dược pháp luật quy định cụ thể trong Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp 1993, và gần đầy nhà nước ta cũng đưa ra một số cập nhật mới về thuế sử dụng đất nông nghiệp thông qua các văn bản như Nghị quyết 107/2020/QH14; Nghị định 146/2020/NĐ-CP.
Trong bài viết này, Luật Nghiệp Thành sẽ cung cấp bạn đọc một số thông tin liên quan như sau:
- Đối tượng nộp thuế[1]:
Tổ chức, cá nhân sử dụng đất vào sản xuất nông nghiệp đều phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp. Hộ được giao quyền sử dụng đất nông nghiệp mà không sử dụng vẫn phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp.
- Đối tượng chịu thuế[2]:
Diện tích đất dùng vào sản xuất nông nghiệp gồm (đất trồng trọt, đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản và đất rừng trồng) không bao gồm diện tích đất dùng vào sản xuất nông nghiệp thuộc diện chịu tiền thuê đất.
- Căn cứ tính thuế SDĐNN[3]:
Diện tích, hạng đất và định suất thuế tính bằng kilôgam thóc trên một đơn vị diện tích.
- Cách tính thuế:
Thuế đất nông nghiệp được tính theo công thức sau:
[Thuế sử dụng đất nông nghiệp] = [Diện tích] x [Hạng đất] x [Định suất thuế]
- Đối tượng được miễn thuế SDĐNN:
Nhằm thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhà nước đã quy định miễn, giảm thuế cho một số trường hợp, sau đó dần bổ sung đối tượng được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Cụ thể[4]:
Thứ nhất, Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm; diện tích đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm; diện tích đất làm muối.
Thứ hai, miễn thuế có hộ nghèo được Nhà nước giao, công nhận đất để sản xuất nông nghiệp.
Thứ ba, Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích đất nông nghiệp trong hạn mức giao đất nông nghiệp thì có các đối tượng sau:
- Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất để sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả đất được thừa kế, tặng cho, nhận chuyển quyền sử dụng đất;
- Hộ gia đình, cá nhân là thành viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, nông trường viên, lâm trường viên đã nhận đất giao khoán ổn định của hợp tác xã, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật;
- Hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp góp quyền sử dụng đất nông nghiệp của mình để thành lập hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo quy định của Luật hợp tác xã.
- Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác đang trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp.
Lưu ý: Đối với diện tích đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác đang quản lý nhưng không trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp mà giao cho tổ chức, cá nhân khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất nông nghiệp thì thực hiện thu hồi đất theo quy định của Luật đất đai; trong thời gian Nhà nước chưa thu hồi đất thì phải nộp 100% thuế sử dụng đất nông nghiệp.
- Kéo dài thời hạn miễn thuế đất sử dụng nông nghiệp:
Tin mừng đối với các đối tượng được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp là theo như Nghị quyết 107/2020/QH14 có hiệu lực từ 01/01/2021 thì việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp sẽ được kéo dài đến hết ngày 31/12/2025[5]. Thay vì đến hết ngày 31/12/2020 như quy định trước đây[6] .
Cùng với đó thì hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp cũng được kéo dài đến hết năm 2025[7].
Chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN ở nước ta đã được thực hiện từ năm 2001 đến nay. Thực tế thời gian qua cho thấy, chính sách này là giải pháp có tác động lớn, quan trọng góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, nông nghiệp vẫn là nguồn tác động lớn đến nền kinh tế nước nhà.
Việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp sẽ tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, là nguồn tài chính quan trọng đầu tư trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, mở rộng quy mô sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa.
Trên đây là tư vấn của Luật Nghiệp Thành về “Kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp”.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Lê Thị Tú Anh.
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.
[1] Điều 4 Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp 1993
[2] Điều 2 Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp 1993
[3] Điều 5 Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp 1993.
[4] Điều 1 Nghị quyết số: 55/2010/QH12 và Điều 1.1 Nghị quyết số: 28/2016/QH14.
[5] Điều 1 Nghị quyết 107/2020/QH14.
[6] Nghị quyết số 55/2010/QH12.
[7] Nghị định 146/2020/NĐ-CP: