Hợp đồng thế chấp tài sản phải công chứng khi nào?
Dù bên nhận thế chấp là tổ chức tín dụng hay cá nhân thì khi thế chấp tài sản, các bên đều phải tuân thủ theo hình thức của hợp đồng. Một vấn đề hiện nay đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân đó là Hợp đồng thế chấp tài sản bắt buộc công chứng khi nào? Thông qua bài viết dưới đây Luật Nghiệp Thành sẽ giải đáp thắc mắc này đến quý bạn đọc.
1. Hợp đồng thế chấp tài sản được hiểu thế nào?
Hợp đồng thế chấp tài sản là một dạng hợp đồng để đảm bảo nghĩa vụ tài sản, mà bên thế chấp dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên nhận thế chấp, tài sản thế chấp do bên thế chấp hoặc bên thứ ba giữ.
Trong đó, người vay dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho bên nhận thế chấp trong một khoảng thời gian nhất định.
2. Trường hợp nào Hợp đồng thế chấp tài sản phải công chứng?
Hợp đồng thế chấp được lập thành văn bản và thường bên nhận thế chấp sẽ yêu cầu người vay thực hiện công chứng hợp đồng này. Hiện nay, theo các văn bản đang có hiệu lực, không có quy định nào yêu cầu bắt buộc phải công chứng hợp đồng thế chấp.
Tuy nhiên, Hợp đồng thế chấp tài sản bắt buộc phải công chứng trong trường hợp Hợp đồng thế chấp tài sản là bất động sản gồm: nhà ở, đất ở, tài sản gắn liền với đất[1]…
Như vậy, không có yêu cầu bắt buộc mọi hợp đồng thế chấp tài sản đều phải công chứng mà chỉ hợp đồng thế chấp bất động sản, thế chấp nhà ở thì mới phải công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng.
Hồ sơ công chứng Hợp đồng thế chấp tài sản gồm[2]:
– Phiếu yêu cầu công chứng (theo mẫu của Văn phòng/Phòng công chứng) có ghi rõ yêu cầu, thông tin của người yêu cầu công chứng Hợp đồng thế chấp tài sản.
– Dự thảo hợp đồng thế chấp tài sản.
– Giấy tờ tuỳ thân của bên thế chấp và bên nhận thế chấp (bản sao): Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn, sổ hộ khẩu, đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân…
– Giấy tờ về tài sản: Sổ đỏ, Đăng ký xe… (bản sao).
– Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến Hợp đồng thế chấp tài sản mà pháp luật quy định phải có;
Bạn đọc tham khảo: Thế chấp quyền sử dụng đất để vay ngân hàng
Trên đây là nội dung tư vấn về “Hợp đồng thế chấp tài sản phải công chứng khi nào?”
Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Bùi Thị Như
Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1] Điều 54 Luật Công chứng 2014
[2] Điều 40.1 Luật Công chứng 2014