Hợp đồng tặng cho tài sản có bắt buộc lập thành văn bản

Hợp đồng tặng cho tài sản có bắt buộc lập thành văn bản

Hợp đồng tặng cho tài sản có bắt buộc lập thành văn bản hay không?

Hoạt động tặng cho tài sản được xem là giao dịch dân sự nói chung và là một loại hợp đồng dân sự nói riêng. Hoạt động này hiện nay diễn ra rất phổ biến trong đời sống. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn không ít người không xác định đúng hoặc chưa hiểu rõ về loại giao dịch này. Do đó, trên thực tế, trong quá trình thực hiện việc tặng cho tài sản không ít người gặp rủi ro, vô tình trở thành người vi phạm hoặc bị vi phạm trong hợp đồng.

Việc tặng cho tài sản có bắt buộc phải lập thành văn bản hay không? Hợp đồng tặng cho tài sản có đặc điểm như thế nào? Luật Nghiệp Thành sẽ lý giải những thắc mắc nêu trên của bạn đọc thông qua bài viết này.

1) Hợp đồng tặng cho tài sản cho đặc điểm như thế nào?

Hợp đồng tặng cho tài sản là một loại hợp đồng không có đền bù:

Loại hợp đồng này nằm ngoài quy luật trao đổi ngang giá và không mang tính đền bù. Trong hợp đồng tặng cho thì bên tặng cho sẽ trao cho bên được tặng cho một tài sản, một khoản lợi ích vật chất nào đó mà không yêu cầu bên kia phải hoàn lại hay đền bù cho mình một lợi ích vật chất khác. Đồng thời, người nhận tài sản không phải trả cho bên kia bất cứ khoản tiền hay một lợi ích vật chất nào cả[1].

Hợp đồng tặng cho tài sản không bị ràng buộc về thời điểm và nghĩa vụ giao tài sản:

Trong hợp đồng tặng cho tài sản, mặc dù hai bên đã có sự thỏa thuận cụ thể về tài sản tặng cho, về điều kiện cũng như thời hạn trao tài sản. Tuy nhiên, đến thời điểm thỏa thuận, nếu bên tặng chưa giao tài sản cho người nhận thì hợp đồng tặng cho tài sản chỉ được coi là chưa xác lập, các bên trong hợp đồng không có quyền yêu cầu đối phương thực hiện hợp đồng.

Bên cạnh đó, việc hứa tặng cho tài sản cũng không làm phát sinh nghĩa vụ của người đó. Và bên được tặng không có quyền yêu cầu bên kia phải trao tài sản đã hứa tặng cho mình.

Document

Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng tặng cho tài sản:

Do tính chất đặc biệt của hợp đồng tặng cho tài sản là không mang tính đền bù tương đương, ngang giá cho nên pháp luật dân sự có các quy định riêng về thời điểm có hiệu lực như sau:

+ Hợp đồng tặng cho động sản: Ví dụ như ti vi; máy tính; bàn, ghế,…Những hợp đồng này sẽ có hiệu lực ngay khi bên được tặng cho nhận được tài sản[2]. Tuy nhiên, đối với một số động sản mà pháp luật có quy định phải đăng ký quyền sở hữu như xe ô tô, xe máy,…thì hợp đồng tặng cho tài sản sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm người được tặng cho đăng ký quyền sở hữu tài sản tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền[3].

+ Hợp đồng tặng cho bất động sản: Bất động sản phổ biến ở đây có thể kể đến là nhà cửa, đất đai. Đối với trường hợp này, hợp đồng phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký (nếu theo quy định bất động sản đó phải được đăng ký quyền sở hữu)[4].

Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu. Đối với bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho đó sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản[5].

2) Vậy hợp đồng tặng cho tài sản có bắt buộc phải lập thành văn bản hay không?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc tặng cho tài sản không bắt buộc phải lập thành văn bản, trừ trường hợp tài sản tặng cho đó là các động sản phải đăng ký quyền sở hữu (xe ô tô, xe máy,…) hoặc tài sản đó là bất động sản (nhà cửa, đất đai,…).

Đối với các loại tài sản thông thường như ti vi, tủ lạnh, máy giặt,…nếu như giữa các bên không có thỏa thuận nào khác thì hợp đồng tặng cho sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm bên được tặng cho nhận được tài sản. Điều này có nghĩa là bên nhận sẽ trở thành chủ sở hữu của tài sản ngay sau khi người đó nhận được tài sản tặng cho.

Đối với các loại tài sản như nhà cửa, đất đai hay tài sản phải đăng ký quyền sở hữu như xe máy, xe ô tô,…thì việc tặng cho chỉ có hiệu lực kể từ thời điểm các bên thực hiện việc đăng ký tại cơ quan nhà nước để được công nhận quyền sở hữu tài sản. Hơn nữa, đối với các loại tài sản này, pháp luật quy định các bên phải tiến hành công chứng Hợp đồng tặng cho trước khi đến cơ quan nhà nước đăng ký quyền sở hữu.

Trong cuộc sống hằng ngày, việc chúng ta giao kết hợp đồng bằng lời nói hay dưới dạng một hành vi cụ thể là không ít. Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro phát sinh ngoài ý muốn của các bên. Do đó, việc giao kết hợp đồng bằng văn bản có thể được xem là một nguồn chứng cứ quan trọng, có giá trị pháp lý cao và hạn chế rủi ro đến mức tối đa nhất có thể. Kể cả đối với những loại giao dịch, hợp đồng mà pháp luật không quy định bắt buộc phải lập thành văn bản nhưng để đảm bảo được an toàn và hạn chế rủi ro phát sinh thì mọi người khi giao kết hợp đồng nên thỏa thuận và ưu tiên lựa chọn hình thức này.

Trên đây là tư vấn của Luật Nghiệp Thành về “Hợp đồng tặng cho tài sản có bắt buộc lập thành văn bản hay không?”

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Võ Thị Minh Thương.

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

 

[1] Điều 457 Bộ luật Dân sự 2015

[2] Điều 458.1 Bộ luật Dân sự 2015

[3] Điều 458.2 Bộ luật Dân sự 2015

[4] Điều 459.1 Bộ luật Dân sự 2015

[5] Điều 459.2 Bộ luật Dân sự 2015

 

 

 

Document
Categories: Cá Nhân

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*