Hình thức thanh toán trong giao dịch góp vốn vào Doanh nghiệp khác
Hình thức thanh toán trong giao dịch góp vốn vào Doanh nghiệp khác
Góp vốn là hành vi chuyển giao tài sản vào trong hoạt động kinh doanh của công ty, doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp góp vốn sẽ chuyển giao phần vốn góp của mình để được hưởng quyền lợi tương ứng trong công ty, doanh nghiệp khác. Như vậy, có bao nhiêu hình thức thanh toán trong giao dịch góp vốn vào doanh nghiệp khác? Mời quý bạn đọc tham khảo bài viết sau của Luật Nghiệp Thành.
Khi thực hiện các giao dịch góp vốn vào Doanh nghiệp khác thì không được sử dụng tiền mặt[1]. Vì thế, ngoại trừ tiền mặt thì các doanh nghiệp góp vốn có thể thực hiện thanh toán qua các hình thức sau[2]:
– Thanh toán bằng Séc:
Séc (hay còn gọi là chi phiếu) là văn kiện mệnh lệnh vô điều kiện từ chủ tài khoản – doanh nghiệp góp vốn ra lệnh cho Ngân hàng, tổ chức tín dụng trích từ tài khoản của mình trả cho người thụ hưởng – doanh nghiệp thụ hưởng (doanh nghiệp nhận vốn góp).[3]
Hình thức thanh toán của séc bao gồm séc tiền mặt; séc chuyển khoản; séc bảo chi. Séc tiền mặt là chủ tài khoản ký chi phiếu, người thụ hưởng dùng nó để rút tiền mặt tại ngân hàng. Séc chuyển khoản là chi phiếu trực tiếp giao cho người thụ hưởng để thực hiện nghĩa vụ thanh toán của chủ tài khoản. Séc bảo chi là chi phiếu để Ngân hàng bảo đảm khả năng thanh toán.
Vì quy định của pháp luật là không dùng tiền mặt trong quá trình góp vốn nên doanh nghiệp nên sử dụng séc chuyển khoản hoặc séc bảo chi sẽ đảm bảo hơn. Việc sử dụng séc chuyển khoản cần lưu ý rằng doanh nghiệp thụ hưởng và doanh nghiệp góp vốn phải có mở tài khoản ở một ngân hàng hoặc mở tài khoản khác ngân hàng nhưng trên cùng địa phương và có tham gia thanh toán qua Trung tâm thanh toán bù trừ tỉnh, thành phố.
– Thanh toán bằng Uỷ nhiệm chi – chuyển tiền
Uỷ nhiệm chi là phương thức thanh toán mà doanh nghiệp góp vốn sẽ lập và gửi lệnh thanh toán theo mẫu của ngân hàng để trích một số tiền trong tài khoản thanh toán của mình để chi trả cho doanh nghiệp thụ hưởng[4]
Qúa trình thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền sẽ được kiểm soát chặt chẽ bởi ngân hàng và ít xảy ra sai sót. Mặt khác, việc ủy nhiệm chi là yêu cầu ngân hàng trả tiền trực tiếp cho doanh nghiệp thụ hưởng, mà bên thụ hưởng không có quyền chuyển nhượng lại.
– Các hình thức thanh toán khác mà không sử dụng tiền mặt
Uỷ nhiệm thu[5] là việc ngân hàng sẽ thực hiện theo đề nghị của doanh nghiệp thụ hưởng nhằm thu hộ một số tiền nhất định trong tài khoản thanh toán của doanh nghiệp góp vốn. Thỏa thuận về lập ủy nhiệm phải được lập thành văn bản. Ở hình thức này tồn tại 2 đặc điểm để có thể phân biệt với ủy nhiệm chi: thứ nhất người phát hành lệnh là doanh nghiệp thụ hưởng; thứ hai là việc nhờ ngân hàng thu hộ khoản tiền từ ngân hàng của doanh nghiệp góp vốn.
Thẻ thanh toán là loại thẻ do ngân hàng phát hành, mà doanh nghiệp góp vốn có thể thực hiện giao dịch chuyển khoản hoặc quẹt thẻ. Thẻ thanh toán bao gồm: thẻ trả trước, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ.
Thư tín dụng nội địa là văn bản cam kết dùng trong thanh toán, theo đó ngân hàng thực hiện yêu cầu của doanh nghiệp góp vốn nhằm cam kết trả cho bên thứ ba hoặc doanh nghiệp thụ hưởng một số tiền trong thời hạn nhất định với điều kiện doanh nghiệp thụ hưởng thực hiện đúng và đầy đủ các điều khoản ghi trong thư tín dụng.
Các hình thức thanh toán trong giao dịch góp vốn không sử dụng tiền mặt mang lại nhiều sự tiện lợi trong các giao dịch; nhanh chóng; chính xác về thông tin gửi tiền; giảm bớt các chi phi lưu thông; có giấy xác nhận từ ngân hàng đảm bảo an toàn; hạn chế việc sử dụng tiền giả hoặc giảm thiểu việc lưu thông số lượng tiền mặt lớn trong thị trường.
Bạn đọc tham khảo thêm: Thủ tục góp vốn, mua vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.
Như vậy, hình thức thanh toán trong giao dịch góp vốn có thể thực hiện thông qua séc, ủy nhiệm chi, ủy nhiệm thu, thẻ thanh toán, thư tín dụng nội địa, chuyển khoản,… nhưng tuyệt đối không được sử dụng tiền mặt cho giao dịch này. Nếu thanh toán bằng tiền mặt trong giao dịch góp vốn vào doanh nghiệp khác, doanh nghiệp góp vốn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng với mức phạt từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.[6]
Trên đây là nội dung tư vấn về “Hình thức thanh toán trong giao dịch góp vốn vào Doanh nghiệp khác”
Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhắn “Chia sẻ” bài viết này
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Quách Gia Hy
Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1] Điều 3.1 Thông tư 09/2015/TT-BTC.
[2] Điều 3.2 Thông tư 09/2015/TT-BTC
[3] Điều 3.1 Thông tư 22/2015/TT-NHNN
[4] Điều 3.3 Thông tư 46/2014/TT-NHNN
[5] Điều 4.3 Thông tư 46/2014/TT-NHNN
[6] Điều 27.6.(c) Nghị định 96/2014/NĐ-CP