Đổi căn cước công dân có phải ký kết lại hợp đồng đã ký không.
Đổi căn cước công dân có phải ký kết lại hợp đồng đã ký không
Tình huống: 05/2019, Anh A là khách thuê nhà của chị D thời hạn 5 năm. Trong quá trình lập hợp đồng, số định danh của anh A là giấy chứng minh nhân dân, còn chị D là căn cước công dân. Tuy nhiên cho đến nay thì cả hai người đều cập nhật và đổi mới sang thẻ căn cước công dân gắn chip. Như vậy, khi căn cước công dân của bên thuê – anh A và bên cho thuê – chị D có sự thay đổi so với thông tin ban đầu trong hợp đồng thuê, thì có cần phải tiến hành ký kết lại hợp đồng mới không? Mời quý bạn đọc tham khảo bài viết sau của Luật Nghiệp Thành.
Căn cước công dân là giấy tờ pháp lý chứa đựng những thông tin cơ bản về một cá nhân như họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi ở,… Không những vậy, căn cước công dân gắn chip còn tích hợp với các thông tin thẻ xanh, giấy phép lái xe; xác thực điện tử với các ứng dụng công nghệ, ngân hàng, ví điện tử,…Khi sửa đổi, cập nhật sang căn cước công dân gắn chip thì cá nhân cần lưu ý cập nhật thông tin về số căn cước công dân trong một số giấy tờ pháp lý như sau: Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế; Hộ chiếu; Thông tin tài khoản ngân hàng; Thông tin đăng ký thuế; Giấy tờ nhà đất.
Bạn đọc thảm khảo thêm bài viết: Những giấy tờ tùy thân cần cập nhật khi đổi sang CCCD gắn chip
Việc thay đổi số định danh không phải thay đổi người khác, họ vẫn là người trong “sổ đỏ”, sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế, tài khoản ngân hàng,… Nhưng việc cập nhật, sửa đổi thông tin về số căn cước công dân lại quan trọng đối với những giấy tờ pháp lý nói trên bởi vì 3 lý do. Thứ nhất, việc chia sẻ dữ liệu Quốc gia chưa có sự thống nhất, liên thông giữa các bộ, ngành có liên quan, vì thế việc cá nhân tự mình cập nhật sẽ giảm thiểu sai sót từ hệ thống, cũng như những vấn đề trục trặc về lỗi sai thông tin cơ bản của mỗi cá nhân. Thứ hai, số căn cước công dân là một phần thông tin để tra cứu trên trang trực tuyến, thế nên việc thay đổi không nhằm để lưu trữ hồ sơ mà còn thống nhất giữa cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân. Thứ ba, việc thay đổi là nhằm tránh mất thời gian cũng như chịu những rủi ro trong quá trình giao dịch về mua bán, thanh toán. Thực tế, nếu cá nhân chưa kịp cập nhật lại thông tin số định danh với giấy tờ nhà đất thì cá nhân phải trình giấy xác nhận số chứng minh nhân dân khi thực hiện thủ tục cấp căn cước công dân để chứng minh số chứng minh nhân dân và số căn cước công dân là thuộc về một người. Nếu không thể chứng minh được thì giao dịch mua bán, tặng cho bất động sản có thể bị từ chối công chứng.
Bên cạnh đó, hợp đồng cũng là văn bản pháp lý nhưng chỉ là sự thỏa thuận giữa các bên với nhaau, nhằm ràng buộc một bên thực hiện nghĩa vụ và một bên hưởng quyền. Nói cách khác, việc thay đổi số định danh cá nhân không làm thay đổi chủ thể giao kết, đối tượng hợp đồng, nội dung điều khoản, quyền và nghĩa vụ, cũng như lời đề nghị về thời hạn thực hiện hợp đồng và giá cả. Vì thế, khi cá nhân cập nhật lại số căn cước công dân thì việc ký lại hợp đồng mới là không cần thiết.
Đối với trường hợp của anh A và chị D trong hợp đồng thuê nhà, việc thay đổi căn cước công dân gắn chip không làm thay đổi người thuê hay bên đang cho thuê, việc thay đổi chỉ là sự thay đổi về thông tin cơ bản của các chủ thể trong hợp đồng giao kết. Trên thực tế, thời hạn thuê của hợp đồng còn là 02 năm, nên các bên chỉ cần ký kết phụ lục của hợp đồng. Trong phụ lục ghi rõ nội dung cần chỉnh sửa ở đây là thông tin số định danh cá nhân của hai bên. Việc ký kết phụ lục của hợp đồng là sự thống nhất của hai bên khi có sự thay đổi, vì thế, nội dung cập nhật kèm theo hợp đồng sẽ có giá trị ngang với hợp đồng mà hai bên đã giao kết.
Như vậy, việc cập nhật lại một trong những giấy tờ pháp lý như sổ bảo hiểm xã hiểm, thẻ bảo hiểm y tế, hộ chiếu, tài khoản ngân hàng, sổ đỏ,… là điều cần thiết. Bởi lẽ dù đối tượng nộp phí và đứng tên trong tài khoản ngân hàng, hưởng quyền sử dụng, quyền sở hữu với bất động sản vẫn là cá nhân đó, nhưng việc thay đổi sẽ không gây trở ngại cho các cá nhân khi thực hiện các giao dịch trong tương lai cũng như dễ dàng tra cứu thông tin của bản thân trên trang trực tuyến. Ngược lại, việc thay đổi căn cước công dân không làm thay đổi chủ thể giao kết cũng như lời đề nghị, thỏa thuận trước đó của các bên, cho nên dù có thay đổi số căn cước thì họ vẫn là chủ thể đang bị ràng buộc thực hiện nghĩa vụ qua lại cho nhau.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Đổi căn cước công dân có phải ký kết lại hợp đồng đã ký không”
Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhắn “Chia sẻ” bài viết này
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Quách Gia Hy
Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận