Xử lý vi phạm hành vi sử dụng thuốc hết hạn trong cơ sở khám chữa bệnh

Xử lý vi phạm hành vi sử dụng thuốc hết hạn trong cơ sở khám chữa bệnh

Xử lý vi phạm hành vi sử dụng thuốc hết hạn trong cơ sở khám chữa bệnh

Vừa qua, lúc 19h30 ngày 24/06/2020, Bệnh viện Truyền máu Huyết học nhận được phản ánh của thân nhân người bệnh L.T.K.C (sinh năm: 2016, chẩn đoán: suy tủy) về việc người bệnh được cấp phát và sử dụng thuốc Antithymocyte Globuline (Thymogam 250mg) đã hết hạn sử dụng. Khi tiếp nhận phản ánh, bệnh viện đã kiểm tra lại hạn dùng của thuốc và phát hiện 2 lọ thuốc được cấp phát cho người bệnh đã quá hạn. Thời hạn sử dụng ghi trên nhãn tới tháng 1.2020, trong đó có 1 lọ đã sử dụng xong và 1 lọ đã sử dụng 1/3. Tuy nhiên khi, kiểm tra trên hệ thống phần mềm quản lý thuốc bệnh viện thì 02 lọ thuốc này lại có hạn sử dụng là 11/2021. Bệnh viện đã tổ chức họp khẩn để nghiêm túc rút kinh nghiệm vụ việc và tạm đình chỉ công tác tất cả các cá nhân có liên quan, tiến hành xác minh, làm rõ về nguyên nhân sự cố này, trong trường hợp nếu phát hiện có dấu hiệu tiêu cực, bệnh viện sẽ chuyển ngay vụ việc đến cơ quan cảnh sát điều tra.[1].

Được biết những hành vi các cơ sở bán lẻ thuốc sử dụng thuốc đã hết hạn sử dụng không phải là mới xuất hiện gần đây. Tháng 6/2019, Thanh tra sở Y tế TP.HCM đã tiến hành hậu kiểm các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể tại Công ty TNHH phòng khám đa khoa quốc tế An Phú, nhà thuốc Đức Lợi 5, nhà thuốc Mai Phương,… Thông qua kết quả hậu kiểm, thanh tra Sở Y tế cho biết vẫn còn những tồn tại nặng như nhà thuốc có thuốc quá hạn sử dụng[2].

Việc kinh doanh, cấp phát, bán thuốc khi đã hết hạn sử dụng, thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm[3] và vi phạm đạo đức của người kinh doanh. Sau đây, Luật Nghiệp Thành sẽ tư vấn cho các bạn đọc hiểu rõ hơn về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm trên:

Xử phạt vi phạm

Cũng giống như thực phẩm, mỗi viên thuốc đều có thời hạn sử dụng nhất định, được ghi rõ ngày sản xuất, hết hạn rõ ràng. Hạn dùng của thuốc là thời gian sử dụng ấn định cho thuốc mà sau thời hạn này thuốc không được phép sử dụng. Hạn dùng của thuốc được thể hiện bằng khoảng thời gian tính từ ngày sản xuất đến ngày hết hạn hoặc thể hiện bằng ngày, tháng, năm hết hạn. Trường hợp hạn dùng chỉ thể hiện tháng, năm thì hạn dùng được tính đến ngày cuối cùng của tháng hết hạn.[4] Tùy mỗi loại thuốc khác nhau mà hạn dùng có thể dài hay ngắn.

Hiệu quả cao nhất khi thuốc được sử dụng trong hạn mức của nó. Ngược lại, khi sử dụng thuốc quá hạn thì tùy từng loại thuốc sẽ có mức độ nguy hại khác nhau. Ví dụ như thuốc kháng sinh tetracyclin – tetracyclin quá hạn dùng sẽ trở nên rất độc, gây hại cho thận.

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

Vì những tác hại của việc sử dụng thuốc hết hạn đối với sức khoẻ của người dùng mà pháp luật nước đã đưa ra những quy định về xử phạt như sau:

  • Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không kiểm tra đơn thuốc, phiếu lĩnh thuốc, hàm lượng, liều dùng, cách dùng, tên thuốc và chất lượng thuốc khi cấp phát thuốc cho người bệnh[5].
  • Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thuốc hết hạn sử dụng hoặc thuốc không bảo đảm chất lượng trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có điều trị nội trú và trong thời gian lưu người bệnh ngoại trú để theo dõi. Bên cạnh đó, đối tượng vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm[6].

Lưu ý: Mức phạt tiền trên là đối với cá nhân. Cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân[7].

Thẩm quyền xử phạt: Thẩm quyền xử phạt thuộc về Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Chánh Thanh tra cấp Sở, Chi Cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình thuộc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm hoặc các cơ quan khác có thẩm quyền xử phạt theo quy định[8].

Trên đây là nội dung tư vấn về “Xử lý vi phạm hành vi sử dụng thuốc hết hạn trong cơ sở khám chữa bệnh”.

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Lê Thị Tú Anh.

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

 

 

 

[1] Tham khảo: Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, 2020, Thông tin liên quan sự cố sử dụng thuốc quá hạn tại Bệnh viện Truyền máu huyết học Thành phố Hồ Chí Minh.

[2] Tham khảo: Cổng thông tin điện tử ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh, 2019, Tình hình hậu kiểm các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh – tháng 6/2019.

[3] Điều 6.5.b và Điều 6.14 Luật Dược 2016.

[4] Điều 2.31 Luật Dược 2016.

[5] Điều 41.1b Nghị định 117/2020/NĐ-CP.

[6] Điều 41.4 và Điều 41.5 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.

[7] Điều 4.5 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.

[8] Chương 3 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.

Document
Categories: Doanh nghiệp

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*