Thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh Dịch vụ lữ hành
Khi xã hội đang ngày càng phát triển thì mức sống của đại đa số người Việt theo đó cũng được nâng cao không ít. Hệ quả là các nhu cầu về vật chất dần trở nên ít quan trọng hơn. Thay vào đó người ta chú trọng vào việc chăm chút cho sức khỏe tinh thần – thứ mà không phải cứ tìm đến một bác sĩ giỏi, một bài thuốc hay, hay một dụng cụ đắt tiền nào đó là có thể cải thiện được. Một cách chăm chút tinh thần được nhiều người tìm đến là du lịch. Du lịch là việc con người đi đến nơi khác ngoài nơi cư trú thường xuyên nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí[1]…Du lịch không chỉ đơn thuần là sự xê dịch về vị trí địa lý, mà còn là cơ hội tiếp xúc với những con người, những nền văn hóa mới; là dịp để cải thiện cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, ngoài ra nó còn đem đến cho khách du lịch những trải nghiệm tuyệt vời.
Với việc nhu cầu du lịch gia tăng, ngành kinh doanh dịch vụ lữ hành vì thế cũng bùng nổ và trở thành một trong những ngành nghề kinh doanh triển vọng. Công việc chính của các doanh nghiệp này là xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch. Chính vì đặc trưng đó mà kinh doanh dịch vụ lữ hành được xếp vào một trong 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện[2] – tức nếu muốn kinh doanh, chủ thể kinh doanh cần đáp ứng một loạt những điều kiện nhất định. Căn cứ theo phạm vi hoạt động, có hai loại hình kinh doanh dich vụ lữ hành chính: Dịch vụ lữ hành nội địa, và Dịch vụ lữ hành quốc tế.
Điều kiện đối với doanh nghiệp và người phụ trách kinh doanh[3] của doanh nghiệp:
LOẠI DỊCH VỤ ĐIỀU KIỆN | DỊCH VỤ LỮ HÀNH NỘI ĐỊA | DỊCH VỤ LỮ HÀNH QUỐC TẾ |
Thành lập doanh nghiệp | Doanh nghiệp phải được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam (Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Đầu tư 2014…). Tùy theo quy định của pháp luật và nhu cầu, khả năng mà (những) người thành lập lựa chọn loại hình doanh nghiệp cho phù hợp. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành có thể được đăng ký dưới các hình thức: Doanh nghiệp tư nhân, Công ty TNHH; Công ty cổ phần; hoặc Công ty Hợp danh. Để nắm rõ các đặc điểm về những loại hình doanh nghiệp này, bạn đọc có thể tham khảo bài viết “Phân biệt các loại hình doanh nghiệp”. Để tìm hiểu thêm về cách thức thành lập doanh nghiệp, bạn đọc có thể theo dõi các bài viết: · Những điều cần biết khi thành lập công ty TNHH; Bạn cần tư vấn dịch vụ này! · … Hoặc liên hệ trực tiếp với Luật Nghiệp Thành (Số điện thoại 028 3941 3688 hoặc 0903 554 566) để được tư vấn và hỗ trợ trực tiếp. Lưu ý: 1. Nhà đầu tư nước ngoài chỉ được kinh doanh dịch vụ lữ hành dưới hình thức góp vốn với đối tác Việt Nam[4]. 2. Vốn điều lệ của doanh nghiệp nên lớn hơn số tiền ký quỹ (sẽ được đề cập ngay sau đây). | |
Ký quỹ (tối thiểu) | 100.000.000 đồng. | Đưa khách du lịch quốc tế đến Việt Nam: 250.000.000 đồng; Đưa khách du lịch ra nước ngoài: 500.000.000 đồng; Cả hai loại hình trên: 500.000.000 đồng. |
Người phụ trách kinh doanh | Tốt nghiệp cao đẳng trở lên đối với một trong các chuyên ngành: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Quản trị lữ hành; Điều hành tour du lịch; Marketing du lịch; Du lịch; Du lịch lữ hành; Quản lý và kinh doanh du lịch. Trường hợp tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế. |
Hồ sơ, trình tự và thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành[5]: Sau khi doanh nghiệp được thành lập, doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục xin giấy phép kinh doanh (Giấy phép con).
TIÊU CHÍ | DỊCH VỤ LỮ HÀNH NỘI ĐỊA | DỊCH VỤ LỮ HÀNH QUỐC TẾ |
Thành phần | 1. Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa theo Mẫu; 2. Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; 3. Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành; 4. Bản sao có chứng thực quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành; 5. Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành. | 1. Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế theo Mẫu; 2. Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp; 3. Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành; 4. Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành; 5. Bản sao có chứng thực quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành. |
Số lượng | 01 bộ. | |
Nơi nộp | Sở Văn hóa – Thể thao và Du Lịch. | Tổng cục Du lịch. |
Thời hạn | 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ. | |
Phí[6] | 3.000.000 đồng. |
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Nghiệp Thành về Điều kiện và thủ tục đăng ký kinh doanh Dịch vụ lữ hành.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Huỳnh Thái Sơn.
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.
[1] Theo quy định hiện hành, thời gian rời khỏi nơi cư trú quá 01 năm liên tục sẽ không được xem là du lịch. Xem Điều 3.1 Luật Du lịch 2017.
[2] Xem Phụ lục 4 Luật đầu tư 2014.
[3] Chủ tịch Hội đồng Quản trị; Chủ tịch Hội đồng Thành viên; Chủ tịch công ty; Chủ doanh nghiệp tư nhân; Tổng giám đốc; Giám đốc hoặc Phó Giám đốc; Trưởng bộ phận kinh doanh dịch vụ lữ hành.
[4] Điều 38.1 Luật Du lịch.
[5] Điều 32 Luật Du lịch 2017.
[6] Điều 4 Thông tư 33/2018/TT-BTC. Cấp đổi 2.000.000 đồng/giấy phép, cấp lại 1.500.000 đồng/giấy phép.