Thành lập công ty bảo hiểm trách nhiệm hữu hạn

Thành lập công ty bảo hiểm trách nhiệm hữu hạn

Trong cuộc sống lẫn hoạt động sản suất kinh doanh thường ngày, mỗi cá nhân, tổ chức đều phải đối mặt với những rủi ro nhất định, từ bên ngoài môi trường sống lẫn điều kiện kinh tế xã hội xung quanh. Để có thể phòng thân và tránh những rủi ro, hầu như các cá nhân, tổ chức nào cũng dự phòng bằng cách này hoặc bằng cách khác để giảm thiểu rủi ro, dẫn đến nhu cầu sử dụng bảo hiểm ngày càng tăng. Vì thế việc thành lập công ty bảo hiểm để đáp ứng nhu cầu thị trường là điều tất yếu của nhà đầu tư.

Thành lập công ty bảo hiểm

Cũng vì nắm bắt nhu cầu đó, những năm trở lại đây thị trường bảo hiểm đã và đang diễn ra sôi động hơn bao giờ hết, doanh nghiệp kinh doanh hoặc có dự định kinh doanh bảo hiểm thành lập mới cũng ngày một nhiều. Tuy nhiên, kinh doanh bảo hiểm thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện và có những tính chất đặc thù riêng, để thành lập doanh nghiệp cần đáp ứng và đảm bảo khả năng tài chính lẫn trình độ chuyên môn…

Nội dung bài viết dưới đây xin được chỉ đề cập đến các vấn đề liên quan về các điều kiện để được cấp giấy phép và hồ sơ cần thiết cần chuẩn bị để thành lập công ty bảo hiểm loại hình trách nhiệm hữu hạn. Cụ thể để được cấp giấy phép và thành lập công ty bảo hiểm TNHH, cần đáp ứng các điều kiện sau:

  1. Vốn điều lệ:

1.1 Điều kiện chung để được cấp giấy phép thành lập

– Đối với doanh nghiệp bảo hiểm dự kiến thành lập: Có vốn điều lệ đã góp không thấp hơn mức vốn pháp định theo quy định của Chính phủ. Mức vốn pháp định của DNBH bao gồm: [1]

  • Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ phải có vốn pháp định là 300 tỷ đồng; KDBH nhân thọ là 600 tỷ đồng;
  • Kinh doanh tái bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe hoặc cả hai loại hình tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe là 400 tỷ đồng; và tái bảo hiểm nhân thọ, sức khỏe phải có vốn pháp định là 700 tỷ đồng
  • Các loại hình bảo hiểm sức khỏe với mức vốn pháp định 300 tỷ đồng;
  • Trong trường hợp kinh doanh cả 3 loại hình bảo hiểm: tái bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ và sức khỏe thì phải có vốn pháp định tối thiểu 1.100 tỷ đồng.

– Đối với các cá nhân tổ chức tham gia góp vốn: [2]

  • Không nằm một trong các trường hợp bị cấm theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật doanh nghiệp 2014;
  • Góp vốn bằng tiền, không sử dụng vốn vay, vốn ủy thác để tham gia góp vốn;
  • Tham gia góp vốn từ 10 % vốn điều lệ trở lên phải kinh doanh có lãi trong 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ;
  • Ngoài ra, tổ chức tham gia góp vốn phải bảo đảm vốn của chủ sở hữu trừ đi vốn pháp định bằng tối thiểu số vốn dự kiến góp;
  • Bảo đảm duy trì và đáp ứng điềi kiện an toàn tài chính và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cho phép tham gia góp vốn (đối với tổ chức là doanh nghiệp bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, ngân hàng, công ty chứng khoán).

1.2  Điều kiện riêng đối với công ty bảo hiểm (loại hình TNHH) [3]

– Đối với tổ chức trong nước:

Document
  • Doanh nghiệp thành lập trong lĩnh vực tài chính ngân hàng bảo hiểm;
  • Có tổng tài sản 2000 tỷ đồng vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép.

– Đối với tổ chức nước ngoài:

  • DNBH phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoạt động;
  • Trong thời hạn 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ, không vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về các vấn đề liên quan đến KDBH và nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính;
  • Có tối thiểu 10 năm kinh nghiệm  và hoạt động tại thị trường Việt Nam
  • Ngoài ra, năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép phải có tổng tài sản tối thiểu 2 tỷ đô la Mỹ;
  1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập phải đúng quy định: [4]

– Thành phần hồ sơ:

  • Văn bản đề nghị cấp giấy phép theo mẫu của Bộ tài chính;
  • Dự thảo Điều lệ công ty;
  • Phương án hoạt động, kinh doanh của doanh nghiệp trong 5 năm đầu. Và phương án đó phải phù hợp với lĩnh vực kinh doanh đề nghị cấp giấy phép;
  • Danh sách thành viên sáng lập hoặc góp từ 10% vốn điều lệ trở lên và các giấy tờ kèm theo (Điều lệ công ty; Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Bản sao quyết định thành lập,…);
  • Quy tắc, điêu khoản, phí bảo hiểm của các sản phẩm bảo hiểm dự kiến triển khai;
  • Xác nhận của ngân hàng về mức vốn điều lệ gửi tại tài khoản phong tỏa mở tại ngân hàng;
  • Bản sao các giấy tờ tùy thân CCCD/CMND/Hộ chiếu chứng thực cá nhân, lý lịch tư pháp, bản sao các văn bằng chứng chỉ của người dự kiến được bổ nhiểm làm Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, chuyên gia tính toán của doanh nghiệp bảo hiểm;
  • Giấy ủy quyền (nếu có).

– Đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên thì cần có thêm các giấy tờ sau:

(i) Văn bản của cơ quan có thẩm quyền về tổ chức Việt Nam góp vốn đáp ứng các điều kiện an toàn tài chính và được phép góp vốn thành lập công ty bảo hiểm; Văn bản của nước nơi tổ chức nước ngoài góp vốn đóng trụ sở chính xác nhận;

(ii) Hợp đồng hợp tác (đối với trường hợp tổ chức nước ngoài và tổ chức nước cùng góp vốn thành lập công ty TNHH 2 thành viên trở lên);

(iii) Biên bản họp các thành viên góp vốn.

– Số lượng hồ sơ: 03 bộ (1 bản chính, 2 bản sao). Riêng đối với hồ sơ cá nhân tổ chức nước ngoài (1 bản tiếng Việt, tiếng Anh) [5]

– Theo quy định pháp luật về bảo hiểm cũng như các thành phần hồ sơ đã thể hiện ở trên thì để kinh doanh và thành lập công ty bảo hiểm nói chung và công ty TNHH nói riêng thì ngoài thỏa mãn các điều kiện về vốn điều lệ và loại hình đúng quy định pháp luật, thì người quản trị điều hành phải có năng lực quản lý, năng lực chuyên môn nghiệp vụ về bảo hiểm.

– Ngoài ra, tổ chức cá nhân trong nước, nước ngoài khi tham gia góp vốn vào thành lập công ty bảo hiểm phải có đầy đủ năng lực về tài chính và có bằng chứng để chứng minh nguồn tài chính là hợp pháp.

Trên đây là chia sẻ của Luật Nghiệp Thành về thành lập công ty bảo hiểm loại hình TNHH.

Xem thêm bài viết tại đây.

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Nguyễn Minh Hoàng

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

[1] Điều 10.1, 10.2 Nghị định 73/2016/NĐ-CP.

[2] Điều 6 Nghị định 73/2016/NĐ-CP.

[3] Điều 7.1 Nghị định 73/2016/NĐ-CP.

[4] Điều 11 Nghị định 73/2016/NĐ-CP.

[5] Điều 15.1 Nghị định 73/2016/NĐ-CP.

Document
Categories: Doanh nghiệp

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*