Hỗ trợ tín dụng cho đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid-19

Hỗ trợ tín dụng cho đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid-19

Hỗ trợ tín dụng cho đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid-19

Trước tình hình diễn biến phức tạp của virus Corona (SARCoV-2), các quốc gia có số lượng người nhiễm virus đang ngày một gia tăng. Con số luôn luôn biến động mỗi ngày và đang trở thành mối nguy và đáng lo ngại cho toàn thế giới. Ngày 11/3/2020 vừa qua, WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) đã tuyên bố sự bùng phát của dịch Covid-19 là một đại dịch. Trước sự gia tăng số người nhiễm, người nghi nhiễm do đã tiếp xúc với người bệnh thì việc cách ly và phong tỏa là không thể tránh khỏi. Sự bùng phát dịch bệnh đang khiến đời sống xã hội bị đình trệ và tốc độ tăng trưởng kinh tế của một quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ở nước ta, các hoạt động xuất, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách. Cả các lĩnh vực dịch vụ như y tế, giáo dục, ăn uống, lưu trú, giải trí đang gặp rất nhiều khó khăn. Và đặc biệt là ngành du lịch bị ảnh hưởng rõ rệt nhất. Nắm bắt được tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ và cả Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra các chính sách hỗ trợ về tín dụng đối với những người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể như sau:

Đối tượng áp dụng: các cá nhân, tổ chức gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

  1. Gói hỗ trợ tín dụng[1]

Các tổ chức tín dụng sẽ thực hiện cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu về vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Thực hiện đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ và nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng.

Trước hết là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 nghìn tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước đã có cuộc họp với các tổ chức tín dụng để chỉ thị và hướng dẫn thực hiện các chính sách nêu trên. Qua đó, đã có hơn 20 ngân hàng thương mại cam kết hỗ trợ cho 44 nghìn khách hàng thông qua các biện pháp đã nêu ở trên.[2]

Cụ thể như ngân hàng BIDV đăng ký hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, Agribank là 100 tỷ đồng, MB 35.000 tỷ đồng, ACB 15.000 tỷ đồng. Vietcombank và Vietinbank cũng đã có các biện pháp hỗ trợ ban đầu hiệu quả và đang thực hiện bổ sung các gói cụ thể.

Các ngân hàng sẽ hỗ trợ lãi suất tùy thuộc vào tình hình cụ thể của khách hàng và doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Bình quân, các tổ chức tín dụng sẽ giảm 0.5 – 1%/năm lãi suất so với mặt bằng trên thị trường.

  1. Các biện pháp hỗ trợ về tín dụng

Gồm các biện pháp[3]

+ Cơ cấu lại thời hạn trả nợ

+ Xem xét miễn giảm lãi vay

+ Giữ nguyên nhóm nợ

+ Giảm phí,…

Các biện pháp hỗ trợ này được quy định chi tiết theo Thông tư của Ngân hàng Nhà nước mới được ban hành ngày 13/3/2020 vừa qua.

Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là những cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Có quy định như sau:

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

  • Về cơ cấu lại thời hạn trả nợ

+ Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ là số dư nợ gốc và/hoặc lãi (bao gồm cả số dư nợ của các khoản nợ thuộc về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn[4]) đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:[5]

– Phát sinh từ hoạt động cho vay, thuê tài chính;

– Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 03 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19;

– Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận cho vay, cho thuê tài chính đã ký do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.

+ Việc cơ cấu lại số dư nợ trên được thực hiện trong các trường hợp sau đây:[6]

Trường hợp 1: Số dư nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 ngày. Kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận cho vay, cho thuê tài chính đã ký.

Trường hợp 2: Số dư nợ đã quá hạn (trừ trường hợp 1) trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày 13/03/2020[7].

+ Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ theo quy định trên.[8]

Thì sẽ dựa trên đề nghị của khách hàng và đánh giá của mình về khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi của khách hàng sau khi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phù hợp mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19. Và đảm bảo các yêu cầu sau đây:

– Không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vi phạm quy định pháp luật.

– Thời gian cơ cấu lại (trong trường hợp kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ): không vượt quá 12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn cho vay, cho thuê tài chính (thời điểm khách hàng phải trả hết toàn bộ nợ gốc và lãi theo hợp đồng, thỏa thuận cho vay, cho thuê tài chính đã ký).

  • Miễn, giảm lãi và phí[9]

Điều kiện: Nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán là trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 03 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19. Và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng hay thỏa thuận đã ký. Với lý do là doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ản hưởng của dịch Covid.

Thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định miễn, giảm lãi, phí sẽ theo quy định nội bộ đối với số dư nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp).

  • Giữ nguyên nhóm nợ[10]

+ Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại[11]  tại thời điểm gần nhất trước ngày 23/01/2020 đối với số dư nợ sau đây[12]:

– Số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ (tại mục 2.1)

– Số dư nợ được miễn, giảm lãi (tại mục 2.2)

– Số dư nợ (tại mục 2.1, 2.2) và bao gồm cả phần dư nợ đã cơ cấu lại thời hạn nợ, miễn, giảm lãi và điều chỉnh nhóm nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày 13/3/2020.[13]

Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài phải thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro, v.v…[14]

Trên đây là nội dung tư vấn về “Hỗ trợ tín dụng cho đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid-19”

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, rất mong nhận được phản hồi và góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Nguyễn Linh Chi.

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

 

[1] Mục II.1 Chỉ thị 11 CT-TTg-2020

[2] Thông tin từ VTV

[3] Mục II.1.a Chỉ thị 11 CT-TTg-2020

[4] Nghị định 55/2015/NĐ-CP

[5] Điều 4.1 Thông tư 01/2020

[6] Điều 4.2 Thông tư 01/2020

[7] Ngày Thông tư có hiệu lực thi hành

[8] Điều 4.3 Thông tư 01/2020

[9] Điều 5 Thông tư 01/2020

[10] Điều 6 Thông tư 01/2020

[11] Thông tư 15/2010

[12] Điều 6.1 Thông tư 01/2020

[13] Ngày Thông tư 01/2020 có hiệu lực

[14] Điều 6.2, 3Thông tư 01/2020

 

 

 

 

 

Document
Categories: Doanh nghiệp

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*