Đình công hợp pháp
Đình công hợp pháp là việc tạm ngừng công việc của NLĐ một cách tự nguyện, diễn ra có tổ chức và đúng quy định pháp luật. Mặc dù đây là một quyền của NLĐ tuy nhiên chính NLĐ lại chưa có hiểu sâu về đình công là như thế nào, trình tự, thủ tục đình công ra sao để được xem là hợp pháp. Ở bài viết này, Luật Nghiệp Thành sẽ chia sẻ những quy định liên quan đến đình công hợp pháp để cả NLĐ và NSDLĐ thực hiện cho đúng.
Trong quy định tại Bộ luật Lao động 2012 thì việc đình công chỉ được diễn ra khi xảy ra tranh chấp lao động tập thể về lợi ích của NLĐ và được đình công sau 03 ngày khi đã được Hòa giải viên lao động hoặc Hội đồng trọng tài lao động (HĐTT lao động) tiến hành hòa giải nhưng hòa giải không thành hoặc sau 5 ngày khi hòa giải thành nhưng một trong các bên không thực hiện[1]. Tức là các tranh chấp mà liên quan đến lợi ích của NLĐ như tăng lương, tiền thưởng, điều kiện làm việc… đã được tiến hành hòa giải rồi mà sau đó NLĐ không đồng ý hoặc đã đồng ý hòa giải nhưng các bên lại không thực hiện được thì lúc này mới đủ điều kiện để tổ chức cuộc đình công.
Tuy nhiên, kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, thì việc đình công đúng pháp luật được thực hiện khi hết thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp theo quy định mà Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày được thành lập, căn cứ vào quy định của pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động đã được đăng ký và các quy chế, thỏa thuận hợp pháp khác mà Ban trọng tài không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động thì tổ chức đại diện người lao động là bên tranh chấp có quyền tiến hành thủ tục đình công theo pháp luật quy định[2].
BCH công đoàn cơ sở sẽ đại diện tổ chức và lãnh đạo cuộc đình công. Nếu đơn vị chưa có BCH công đoàn cơ sở thì sẽ do BCH công đoàn cấp trên tổ chức. Một cuộc đình công hợp pháp phải được trải qua 3 bước sau đây:
- Lấy ý kiến tập thể lao động
Đại diện BCH công đoàn cơ sở tiến hành thông báo thời gian và hình thức lấy ý kiến của thành viên trong BCH và đại diện các phòng, ban của NLĐ về việc tổ chức đình công đồng thời báo cho NSDLĐ biết ít nhất 1 ngày. Ý kiến này sẽ được thể hiện bằng phiếu khảo sát hoặc chữ ký của NLĐ tham gia đình công.
Sau khi đã tập hợp được ý kiến của NLĐ, BCH công đoàn tổng hợp và kiểm tra nếu có trên 50% NLĐ đồng ý thì tổ chức đại diện người lao động ra quyết định đình công[3].
- Ra quyết định đình công
Quyết định đình công phải được gửi đến cho NSDLĐ, BCH công đoàn cấp tỉnh, Sở LĐTB-XH cấp tỉnh ít nhất là 5 ngày làm việc trước khi diễn ra cuộc đình công[4].
Khi Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực thì nội dung này được sửa đổi như sau:
“Ít nhất là 05 ngày làm việc trước ngày bắt đầu đình công, tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công phải gửi văn bản về việc quyết định đình công cho người sử dụng lao động, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.”[5]
- Tiến hành đình công
BCH công đoàn và NLĐ thực hiện việc đình công đúng như thông báo mà BCH công đoàn đã đưa ra trước đó. Đình công nghiêm túc và có văn hóa.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào NLĐ cũng được tiến hành đình công hợp pháp bởi vì nếu đình công tại các đơn vị thiết yếu sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế, an ninh, quốc phòng, sức khỏe và trật tự xã hội. Theo đó, nếu thuộc một trong các trường hợp không được đình công mà vẫn tiến hành đình công thì sẽ được coi là đình công bất hợp pháp. Bộ luật lao động 2012 liệt kê một số trường hợp đình công bất hợp pháp như[6]:
- Đình công không từ tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.
- NLĐ không cùng làm việc cho một NSDLĐ.
- Giải quyết không đúng theo trình tự, thủ tục
- Khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công.
Trong nội dung Bộ luật Lao động 2019 thì đình công bất hợp pháp khi thuộc trường hợp đình công do[7]:
- Không do tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công.
- Vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục tiến hành đình công theo quy định.
- Khi tranh chấp lao động tập thể đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.
- Tiến hành đình công trong trường hợp không được đình công quy định nơi sử dụng lao động không được đình công.
- Khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công của cơ quan có thẩm quyền.
- Các trường hợp khác theo quy định pháp luật.
Các cuộc đình công bất hợp pháp sẽ không được công nhận, khi đó NLĐ phải quay lại làm việc như bình thường cho NSDLĐ.
Khi diễn ra đình công, NSDLĐ tiến hành thông báo tạm thời đóng của nơi làm việc ít nhất 3 ngày cho:
- BCH công đoàn tổ chức, lãnh đạo đình công;
- Công đoàn cấp tỉnh;
- Đại diện NSDLĐ;
- Sở LĐTB-XH;
- UBND cấp quận/huyện nơi có trụ sở.
Trong thời gian đình công này, NLĐ tham gia đình công sẽ không được trả lương. Tuy nhiên với những NLĐ liên quan khác không tham gia đình công thì vẫn được trả lương ít nhất bằng mức lương tối thiểu vùng nếu không có lỗi của NLĐ này[8]
Trong trường hợp NLĐ tổ chức đình công sai trình tự, thủ tục nêu trên hay tổ chức đình công rơi vào trường hợp đình công bất hợp pháp mà được Tòa án xem xét cho là NLĐ đã đình công bất hợp pháp thì NLĐ phải dừng ngay cuộc đình công lại và quay trở lại làm việc. Trong trường hợp NLĐ không thực hiện thì có thể bị xử lý kỷ luật lao động. Để biết thêm về các hình thức xử lý kỷ luật lao động, bạn có thể tham khảo bài viết “Trình tự thủ tục xử lý kỷ luật lao động” tại web. Ngoài ra, nếu cuộc đình công bất hợp pháp này gây thiệt hại cho NSDLĐ thì NLĐ tham gia đình công phải liên đới bồi thường cho NSDLĐ.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về việc “Làm thế nào để thực hiện đình công hợp pháp.”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Nguồn: Tổng hợp
Cập nhật, bổ sung ngày 21.01.2021.
Người bổ sung: Lê Thị Tú Anh
[1] Điều 206.3 BLLĐ 2012.
[2] Điều 197 BLLĐ 2019.
[3] Điều 202.1 BLLĐ 2019.
[4] Điều 213.3 BLLĐ 2012.
[5] Điều 202.3 BLLĐ 2019.
[6] Điều 215 BLLĐ 2012
[7] Điều 204 BLLĐ 2019.
[8] Điều 207 BLLĐ 2019.