Điều kiện và thủ tục tại Việt Nam để công nhận kết hôn ở nước ngoài

Điều kiện và thủ tục tại Việt Nam để công nhận kết hôn ở nước ngoài

Điều kiện và thủ tục tại Việt Nam để công nhận kết hôn ở nước ngoài

Hiện nay, số lượng công dân Việt Nam sinh sống và làm việc ở nước ngoài rất lớn. Vì vậy, việc công dân Việt Nam kết hôn với nhau hoặc với người nước ngoài cũng trở nên phổ biến. Liệu việc kết hôn được thực hiện ở nước ngoài có được công nhận tại Việt Nam hay không? Chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

Đăng ký kết hôn ở nước ngoài có được công nhận tại Việt Nam không?

Khi một người Việt Nam đã đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì sẽ được công nhận tại Việt Nam nếu thực hiện đầy đủ thủ tục ghi chú vào Sổ hộ tịch sự kiện kết hôn.

VD: Anh A công dân Việt Nam làm việc tại Nhật Bản và Chị B công dân Nhật Bản. Họ đã đăng ký kết hôn tại Thị trưởng Nhật Bản (đơn vị hành chính ngang UBND xã, phường ở Việt Nam). Sau một thời gian, họ về Việt Nam sinh sống. Để được công nhận là đã đăng ký kết hôn và trở thành vợ chồng hợp pháp tại Việt Nam thì Anh A và Chị B phải thực hiện thủ tục ghi chú vào Sổ hộ tịch sự kiện kết hôn.

Điều kiện để được ghi chú vào Sổ hộ tịch sự kiện kết hôn:[1]

– Công dân Việt Nam kết hôn với nhau hoặc với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài;

– Nam, nữ đáp ứng được các điều kiện kết hôn và không vi phạm các điều cấm quy định trong Luật hôn nhân và gia đình:

+ Điều kiện kết hôn: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và kết hôn trên cơ sở tự nguyện.[2]

+ Các điều cấm: kết hôn giả tạo; tảo hôn; cưỡng ép, lừa dối, cản trở để kết hôn; kết hôn với người đã có chồng, có vợ; kết hôn với người cùng dòng máu về trực hệ, …[3]

Ngoại lệ: Nam, nữ vi phạm điều kiện kết hôn nhưng không vi phạm các điều cấm thì việc kết hôn vẫn được ghi vào sổ hộ tịch nếu vào thời điểm yêu cầu ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn, hậu quả đã được khắc phục hoặc việc ghi chú kết hôn là nhằm bảo vệ quyền lợi của công dân Việt Nam và trẻ em.

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

VD: Anh C công dân Nhật Bản và Chị D công dân Việt Nam. Vào năm anh C và chị D đều đủ 18 tuổi, hai người đã đăng ký kết hôn tại Nhật (theo quy định tại Nhật thì độ tuổi được kết hôn là nam từ đủ 18 tuổi, nữ từ đủ 16 tuổi vì vậy họ kết hôn theo đúng pháp luật ở Nhật). Điều kiện kết hôn ở Việt Nam, nam phải từ đủ 20 tuổi trở lên. Tuy nhiên, khi họ nộp hồ sơ ghi vào Sổ hộ tịch về sự kiện kết hôn tại Việt Nam thì anh C đã đủ 20 tuổi vì vậy việc kết hôn của họ vẫn được công nhận tại Việt Nam và được ghi chú vào Sổ hộ tịch.

Thủ tục để được công nhận việc kết hôn ở nước ngoài:[4]

+ Hồ sơ bao gồm:

– Tờ khai theo mẫu định; (Mẫu tờ khai ghi chú kết hôn)

– Bản sao giấy chứng nhận kết hôn do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp.

+ Địa điểm nộp hồ sơ: Phòng Tư pháp thuộc UBND quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nơi cư trú của công dân Việt Nam[5].

+ Thời hạn giải quyết hồ sơ: 05 ngày làm việc kể từ ngày Phòng Tư pháp nhận được hồ sơ; Trường hợp cần xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 10 ngày làm việc.

+ Kết quả xử lý hồ sơ: Nếu đủ điều kiện thì được ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn và được cấp bản chính trích lục hộ tịch.

Nếu kết hôn vi phạm điều cấm của Luật hoặc công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài được thực hiện tại cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự nước ngoài tại Việt Nam (cơ quan ngoại giao, đại diện lãnh sự có quyền chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa các giấy tờ, tài liệu ở Việt Nam) [6] thì sẽ bị từ chối ghi vào Sổ hộ tịch và được thông báo bằng văn bản.

Lưu ý:

+ Trường hợp gửi qua bưu điện thì phải gửi kèm theo bản sao: hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng của cả nam và nữ.

+ Nộp trực tiếp thì mang theo giấy tờ tùy thân để đối chiếu thông tin.

Trên đây là nội dung tư vấn về “ Điều kiện và thủ tục tại Việt Nam để công nhận kết hôn ở nước ngoài ”.

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Trần Thị Ngân

Người kiểm tra nội dung: Nguyễn Linh Chi

Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận

 

[1] Điều 34 Nghị định 123/2015/NĐ-CP

[2] Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình

[3] Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014

[4] Điều 35 Nghị định 123/2015/NĐ-CP

[5] Điều 48 Luật Hộ tịch 2014

[6] Điêu 1 Thông tư 01/2012/TT-BNG

Document
Categories: Gia Đình

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*