Điều kiện lập cơ sở bán lẻ cho doanh nghiệp có vốn ĐTNN tại Việt Nam
Điều kiện lập cơ sở bán lẻ cho doanh nghiệp có vốn ĐTNN tại Việt Nam
Ngành nghề bán lẻ là một trong những ngành nghề được một số nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn khi đầu tư vào Việt Nam. Tuy hiện tại Việt Nam đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu 100% vốn nước ngoài trong công ty. Nhưng các công ty có vốn đầu tư nước ngoài khi lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất cần phải có giấy phép bán lẻ và tùy trường hợp mà phải thông qua sự cho phép của Hội đồng ENT (kiểm tra nhu cầu kinh tế).
1. Với cơ sở bán lẻ thứ nhất, cần đảm bảo các điều kiện:[1]
– Có kế hoạch về tài chính để lập cơ sở bán lẻ, như lên kế hoạch cụ thể và phân bổ tài chính. Như là chi phí cho hoạt động bán lẻ trong những năm đầu hoạt động; chi phí cho nhân công; chi phí marketing, quảng bá hàng hóa, thương hiệu; chi phí thuê địa điểm của cơ sở bán lẻ; v.v…
– Không nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã được thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên. Điều kiện này được đặt ra là để yêu cầu các công ty có vốn đầu tư nước ngoài cần đáp ứng đầy đủ và chứng minh việc chấp hành tốt quy định về nghĩa vụ thuế khi đầu tư vào Việt Nam.
Để chứng minh điều kiện này, Công ty có vốn đầu tư nước ngoài cần yêu cầu Cơ quan thuế quản lý cung cấp văn bản xác nhận không nợ thuế.
– Địa điểm lập cơ sở bán lẻ phải phù hợp với quy hoạch có liên quan tại khu vực thị trường địa lý.
2. Nếu có thêm cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất thì:[2]
Diện tích cơ sở bán lẻ trong trung tâm thương mại dưới 500m2, không thuộc loại hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini | Cơ sở bán lẻ ngoài Trung tâm thương mại hoặc trong Trung tâm thương mại có diện tích trên 500m2 |
Không phải thực hiện kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) mà chỉ cần đáp ứng các điều kiện tại mục 1 như đối với cơ sở bán lẻ thứ nhất | – Đáp ứng các điều kiện đối với cơ sở bán lẻ thứ nhất – Phải thực hiện kiểm tra ENT Các cơ sở bán lẻ sẽ được kiểm tra ENT qua một Hội đồng ENT do UBND cấp tỉnh thành lập gồm đại diện UBND tỉnh; đại diện Sở Công thương; Sở Kế hoạch và đầu tư và các cơ quan khác có liên quan. Hội đồng ENT này sẽ đánh giá sẽ theo các tiêu chí ENT sẽ được nêu cụ thể tại mục 3 bài viết này. Hội đồng ENT sẽ có văn bản kết luận đề xuất là cho phép hay không cho phép lập cơ sở bán lẻ tại địa điểm đó sau khi làm rõ sự phù hợp hoặc không phù hợp của địa điểm lập cơ sở bán lẻ qua các tiêu chí ENT.[3] |
3. Những tiêu chí kiểm tra nhu cầu kinh tế[4]
– Quy mô của khu vực thị trường địa lý chịu ảnh hưởng khi cơ sở bán lẻ đó hoạt động: làm rõ tác động về lợi ích của cơ sở bán lẻ tại khu vực dự kiến lập cơ sở bán lẻ.
– Số lượng của các cơ sở bán lẻ đang hoạt động trong khu vực thị trường địa lý: cần tìm hiểu và rà soát số lượng cơ sở bán lẻ đã có tại khu vực lập cơ sở bán lẻ và nêu bật lên lợi thế của cơ sở bán lẻ so với các cơ sở khác.
– Tác động của cơ sở bán lẻ tới sự ổn định của thị trường và hoạt động kinh doanh của các cơ sở bán lẻ, chợ truyền thống trong khu vực thị trường địa lý: cần làm rõ việc lập cơ sở bán lẻ không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của chợ truyền thống trong khu vực.
– Ảnh hưởng của cơ sở bán lẻ tới mật độ giao thông, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy trong khu vực thị trường địa lý: nêu các phương án sẽ ổn định trật tự giao thông khu vực: nơi đậu xe hợp lý cho việc vận chuyển hàng hóa, xe của người mua; các phương án vệ sinh môi trường về xử lý rác thải, tiêu hủy hàng hóa, thực phẩm hết hạn sử dụng; phương án phòng cháy chữa cháy và kế hoạch tập huấn PCCC cho nhân viên
– Khả năng đóng góp của cơ sở bán lẻ đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của khu vực thị trường địa lý, cụ thể:
+ Tạo việc làm cho lao động trong nước: đề cập kế hoạch tuyển lao động Việt Nam tại địa bàn
+ Đóng góp cho sự phát triển và hiện tại hóa ngành bán lẻ trong khu vực thị trường địa lý: cần chứng minh với sự tham gia cơ sở bán lẻ mang lại những lợi ích cụ thể nào với ngành bán lẻ tại khu vực.
+ Cải thiện môi trường và điều kiện sống của dân cư trong khu vực thị trường địa lý: nêu những tác động tích cực đến người tiêu dùng trong khu vực, cuộc sống của người dân.
+ Khả năng và mức độ đóng góp ngân sách nhà nước: đề cập những mức thuế mà cơ sở bán lẻ có thể đóng góp vào ngân sách nhà nước theo kế hoạch.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Điều kiện lập cơ sở bán lẻ cho doanh nghiệp có vốn ĐTNN tại Việt Nam”
Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Linh Chi
Người hướng dẫn: Luật sư Thuận
[1] Điều 22.1 Nghị định 09/2018/NĐ-CP
[2] Điều 22.2 Nghị định 09/2018/NĐ-CP
[3] Điều 24 Nghị định 09/2018/NĐ-CP
[4] Điều 23.2 Nghị định 09/2018/NĐ-CP, Tham khảo bài viết “Hoạt động bán lẻ của những Nhà đầu tư nước ngoài” của Apolat Legal