Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định
Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định
Hiện nay, các hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định đang được rất nhiều người quan tâm bởi nhu cầu thị trường khá lớn và ngày càng tăng mạnh. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng, đường sá, cầu cống cũng được chú ý quan tâm, đầu tư phát triển ngày càng hiện đại và đang trên đà phát triển. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ được các quy định và điều kiện bắt buộc cần phải đáp ứng trước khi thực hiện hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định. Liên quan đến vấn đề này, với những ý kiến tư vấn sau đây, Luật Nghiệp Thành hy vọng sẽ lý giải được những thắc mắc của Quý bạn đọc:
1) Điều kiện chung để kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (trong đó có xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định)
Doanh nghiệp/hợp tác xã/hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (trong đó bao gồm hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định) phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
Điều kiện về Giấy phép kinh doanh: Đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô[1];
Điều kiện về phương tiện: Khi hoạt động kinh doanh vận tải phải có đủ số lượng phương tiện theo phương án kinh doanh đã đề ra. Chất lượng phải phù hợp với hình thức kinh doanh; Xe ô tô phải bảo đảm các quy chuẩn về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, đồng thời phải được gắn thiết bị giám sát hành trình[2].
Điều kiện chung về người lái xe và nhân viên phục vụ: Người lái xe không trong thời kỳ bị cấm hành nghề. Bảo đảm số lượng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phù hợp với phương án và hình thức kinh doanh. Nhân viên phục vụ trên xe phải được tập huấn nghiệp vụ kinh doanh vận tải, an toàn giao thông; Đồng thời, phải có hợp đồng lao động bằng văn bản giữa người lái xe với tổ chức kinh doanh dịch vụ vận tải[3].
Điều kiện về người trực tiếp lái xe: Phải có trình độ chuyên môn về vận tải[4].
Điều kiện về nơi đỗ xe: Nơi đỗ xe phải được bố trí sao cho phù hợp với phương án, hình thức kinh doanh. Đồng thời phải đảm bảo được các yêu cầu về an toàn giao thông; phòng chống cháy, nổ và vệ sinh môi trường theo quy định[5].
Về tổ chức, quản lý: Đơn vị kinh doanh vận tải có phương tiện thuộc diện bắt buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe phải trang bị máy tính, đường truyền kết nối mạng và phải theo dõi, xử lý thông tin tiếp nhận từ thiết bị giám sát hành trình của xe; Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe buýt, vận tải hành khách bằng xe taxi, vận tải hàng hóa bằng công – ten – nơ phải có bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông,…[6]
Ngoài những quy định chung về điều kiện để kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nêu trên thì pháp luật cũng có các quy định cụ thể đối với từng loại phương tiện kinh doanh vận tải hành khách. Dưới đây là các điều kiện để kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định:
2) Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định
Dịch vụ kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định là một trong những ngành nghề thuộc Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện[7]. Do đó, các doanh nghiệp/hợp tác xã/hộ kinh doanh muốn thực hiện các hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách theo tuyến cố định phải đảm bảo được các điều kiện sau đây:
– Xe ô tô có chỗ ngồi ưu tiên dành cho người khuyết tật, người cao tuổi và phụ nữ mang thai[8];
– Xe phải có phù hiệu “XE TUYẾN CỐ ĐỊNH” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe[9];
– Trên xe cần được niêm yết đầy đủ các thông tin của xe[10]: Biển số xe; Tuyến xe; Tên đơn vị kinh doanh vận tải…
– Đối với các loại xe ô tô sử dụng để vận tải trung chuyển hành khách phải có phù hiệu “XE TRUNG CHUYỂN” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe. Đồng thời, trên xe phải được niêm yết đầy đủ các thông tin của xe đó[11].
– Các bến xe khách phải sử dụng phần mềm quản lý bến xe khách để quản lý các hoạt động ra, vào bến của xe và cung cấp tối thiểu các thông tin cần thiết như: Tên bến xe; tên đơn vị kinh doanh vận tải; họ và tên của người lái xe; biển số xe; tuyến hoạt động; giờ xe xuất bến; số lượng hành khách khi xe xuất bến trên Lệnh vận chuyển của từng chuyến xe hoạt động tại bến về Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Quy định này phải được thực hiện trước ngày 01/7/2020 đối với các bến xe khách từ loại 1 đến loại 4 và trước ngày 01/7/2021 đối với các bến xe khách còn lại)[12].
Lưu ý: Từ ngày 01/01/2022, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định sẽ thực hiện cung cấp các thông tin tối thiểu bắt buộc nêu trên thông qua phần mềm của Bộ Giao thông vận tải[13].
Sau khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định phải tiến hành đăng ký khai thác tuyến:
3) Nội dung đăng ký khai thác tuyến
Tuyến vận tải hành khách cố định thuộc danh mục mạng lưới tuyến đã được công bố[14]:
Đơn vị có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo tuyến cố định được phép lựa chọn giờ xuất bến và thực hiện đăng ký khai thác tuyến tại các thời điểm chưa có bất kỳ đơn vị vận tải nào khai thác.
Lưu ý: Đối với các bến xe khách từ loại 1 đến loại 6 thì các tuyến xe phải được xuất phát và kết thúc tại bến xe khách. Tuy nhiên, đối với một số khu vực thuộc vùng sâu, vùng xa hay khu vực còn khó khăn về kinh tế – xã hội mà chưa có bến xe khách từ loại 1 đến loại 6 thì tuyến vận tải hành khách cố định được phép xuất phát và kết thúc tại các bến xe dưới loại 6[15].
Đối với tuyến mới chưa nằm trong danh mục mạng lưới tuyến được công bố[16]:
Đơn vị kinh doanh vận tải phải tiến hành xây dựng các phương án và thống nhất với bến xe hai đầu tuyến về giờ xe xuất bến gửi đến Sở Giao thông vận tải để đăng ký khai thác tuyến[17]; Đối với trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải với bến xe không thống nhất được giờ xe xuất bến thì Sở sẽ quyết định giờ xe xuất bến trên cơ sở đề xuất của đơn vị vận tải đó[18];
Sở Giao thông vận tải (nơi đơn vị kinh doanh vận tải đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh) sẽ cấp phù hiệu cho phương tiện đó. Đồng thời, Sở phải tiến hành cập nhật, bổ sung vào danh mục chi tiết tuyến và báo cáo về Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để xem xét về việc cập nhật, bổ sung và công bố danh mục mạng lưới tuyến[19].
4) Thành phần hồ sơ đăng ký khai thác tuyến
Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định chuẩn bị 01 bộ hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau:
- Giấy đăng ký khai thác tuyến theo Mẫu[20];
- Bản sao Biên bản thống nhất giữa bến xe hai đầu tuyến với đơn vị tham gia khai thác tuyến[21].
5) Quy trình đăng ký khai thác tuyến
- Quy trình đăng ký khai thác tuyến áp dụng trước ngày 01/7/2021:
Bước 1: Đơn vị kinh doanh vận tải theo tuyến cố định gửi 01 bộ hồ sơ như trên về Sở Giao thông vận tải nơi đã cấp Giấy phép kinh doanh cho đơn vị đó[22];
Bước 2: Trong vòng 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Sở Giao thông vận tải sẽ tiến hành kiểm tra hồ sơ. Trong trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung, thì Sở sẽ có thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản về các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung đến doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải theo tuyến cố định[23].
Trong vòng 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận thông báo sửa đổi, bổ sung của Sở Giao thông vận tải, doanh nghiệp, hợp tác xã phải hoàn thiện và cập nhật đủ hồ sơ. Nếu để quá 2 ngày kể từ ngày nhận thông báo mà đơn vị đó không tiến hành hoàn thiện và bổ sung đủ hồ sơ thì hồ sơ đó được coi là không hợp lệ[24].
Đối với tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh[25]:
Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở Giao thông vận tải nơi tiếp nhận hồ sơ sẽ có văn bản gửi Sở Giao thông vận tải ở đầu tuyến bên kia để lấy ý kiến.
Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến, Sở Giao thông vận tải được xin ý kiến phải có văn bản trả lời. Trường hợp có doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký khai thác tuyến nhưng bị trùng tuyến, trùng giờ thì Sở Giao thông vận tải được lấy ý kiến cần thống nhất với Sở Giao thông vận tải lấy ý kiến để ra quyết định. Hết thời hạn trên nếu không có văn bản trả lời thì việc không phản hồi này được xem là đã đồng ý.
Bước 3:
Đối với tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh[26]: Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở Giao thông vận tải nơi tiếp nhận hồ sơ sẽ ban hành Thông báo bằng văn bản về việc đăng ký khai thác tuyến thành công gửi đến đơn vị đăng ký khai thác tuyến, Sở Giao thông vận tải đầu tuyến bên kia, bến xe hai đầu tuyến để phối hợp quản lý;
Đối với tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh: Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở Giao thông vận tải nơi tiếp nhận hồ sơ sẽ ban hành Thông báo bằng văn bản về việc đăng ký khai thác tuyến thành công gửi đến đơn vị đăng ký khai thác tuyến, bến xe hai đầu tuyến để phối hợp quản lý[27];
- Quy trình đăng ký khai thác tuyến áp dụng từ ngày 01/7/2021:
Bước 1: Doanh nghiệp, hợp tác xã gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký khai thác tuyến như đã nêu trên đến Sở Giao thông vận tải nơi đã cấp Giấy phép kinh doanh cho đơn vị trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Giao thông vận tải (không nhận hồ sơ gửi trực tiếp hoặc hồ sơ gửi qua đường bưu điện)[28];
Bước 2: Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Sở sẽ kiểm tra hồ sơ. Trong trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung thì Sở sẽ thông báo trực tiếp trên hệ thống dịch vụ công về các nội dung cần sửa đổi, bổ sung đến doanh nghiệp, hợp tác xã[29].
Trong vòng 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận thông báo sửa đổi, bổ sung của Sở Giao thông vận tải, doanh nghiệp, hợp tác xã phải hoàn thiện và cập nhật đủ hồ sơ. Nếu để quá 2 ngày kể từ ngày nhận thông báo mà đơn vị đó không tiến hành hoàn thiện và bổ sung đủ hồ sơ thì hồ sơ đó được coi là không hợp lệ[30].
Bước 3: Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở Giao thông vận tải nơi tiếp nhận hồ sơ sẽ ban hành Thông báo bằng văn bản về việc đăng ký khai thác tuyến thành công và thông báo trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến gửi đến đơn vị đăng ký khai thác tuyến, Sở Giao thông vận tải đầu tuyến bên kia (đối với tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh), bến xe hai đầu tuyến để phối hợp quản lý[31].
Nếu có nhiều hồ sơ cùng đăng ký trùng tuyến và trùng giờ xuất bến thì Sở Giao thông vận tải sẽ xử lý hồ sơ theo thứ tự thời gian nộp hồ sơ trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Theo đó, đơn vị nộp trước sẽ được kiểm tra, xử lý trước[32].
Lưu ý: Nghị định 10/2020 về Quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/4/2020.
Dịch vụ xin cấp giấy phép vận tải cho doanh nghiệp, hợp tác xã tại thành phố Hồ Chí Minh.
Trên đây là tư vấn của Luật Nghiệp Thành về “Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Võ Thị Minh Thương.
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.
[1] Điều 67.1.(a) Luật Giao thông đường bộ 2008
[2] Điều 67.1.(b) Luật Giao thông đường bộ 2008
[3] Điều 67.1.(c) Luật Giao thông đường bộ 2008
[4] Điều 67.1.(d) Luật Giao thông đường bộ 2008
[5] Điều 67.1.(đ) Luật Giao thông đường bộ 2008
[6] Điều 67.2, 3 Luật Giao thông đường bộ 2008
[7] Mục 104 PHỤ LỤC 4 ban hành kèm Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư 2014
[8] Điều 4.4.(a) Nghị định 10/2020/NĐ-CP
[9] Điều 4.4.(b) Nghị định 10/2020/NĐ-CP
[10] Điều 4.4.(c) Nghị định 10/2020/NĐ-CP
[11] Điều 4.5 Nghị định 10/2020/NĐ-CP
[12] Điều 4.8 Nghị định 10/2020/NĐ-CP
[13] Điều 4.8 Nghị định 10/2020/NĐ-CP
[14] Điều 20.1 Nghị định 10/2020/NĐ-CP
[15] Điều 4.2 Nghị định 10/2020/NĐ-CP
[16] Điều 20.2 Nghị định 10/2020/NĐ-CP
[17] Điều 20.2.(a) Nghị định 10/2020/NĐ-CP
[18] Điều 20.2.(b) Nghị định 10/2020/NĐ-CP
[19] Điều 20.2.(c) Nghị định 10/2020/NĐ-CP
[20] Điều 20.3.(a) và Mẫu Đăng ký khai thác tuyến tại Phụ lục III ban hành kèm Nghị định 10/2020/NĐ-CP
[21] Điều 20.3.(b) Nghị định 10/2020/NĐ-CP
[22] Điều 20.4.(a) Nghị định 10/2020/NĐ-CP
[23] Điều 20.4.(b) Nghị định 10/2020/NĐ-CP
[24] Điều 20.4.(b) Nghị định 10/2020/NĐ-CP
[25] Điều 20.4.(c) Nghị định 10/2020/NĐ-CP
[26] Điều 20.4.(c) Nghị định 10/2020/NĐ-CP
[27] Điều 20.4.(d) Nghị định 10/2020/NĐ-CP
[28] Điều 20.5.(a) Nghị định 10/2020/NĐ-CP
[29] Điều 20.5.(b) Nghị định 10/2020/NĐ-CP
[30] Điều 20.5.(b) Nghị định 10/2020/NĐ-CP
[31] Điều 20.5.(c) Nghị định 10/2020/NĐ-CP
[32] Điều 20.5.(c) Nghị định 10/2020/NĐ-CP