Điều kiện để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi và xe công nghệ

Điều kiện để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi và xe công nghệ

Điều kiện để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi và xe công nghệ

 

Cùng với sự phát triển nhanh, mạnh của nền kinh tế và khoa học công nghệ, các nhu cầu về vật chất và tinh thần của con người cũng ngày một tăng cao. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, nạn kẹt xe, ùn tắc giao thông diễn ra như cơm bữa, điều này khiến không ít người cảm thấy lo ngại, nhất là trong những giờ đi làm, giờ tan tầm hằng ngày. Nắm bắt được điều trên, trong những năm trở lại đây, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách, quy định để có thể giải quyết các vấn đề xã hội như hạn chế số lượng phương tiện hai bánh lưu thông trên đường phố, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, khắc phục nạn kẹt xe, ùn tắc giao thông cũng như đem lại không khí trong lành và tăng vẻ mỹ quan cho đô thị như việc phát triển các loại hình phương tiện taxi, xe buýt,…

Với xu thế phát triển của loại hình taxi, nhiều doanh nghiệp hiện nay đã muốn triển khai và phát triển việc kinh doanh vận tải hành khách bằng loại hình này. Tuy nhiên, họ vẫn chưa biết được mình cần phải đáp ứng các điều kiện gì để có thể bắt đầu hoạt động kinh doanh của mình. Dưới đây là những giải đáp của Luật Nghiệp Thành.

Đối với các doanh nghiệp muốn kinh doanh dịch vụ taxi, doanh nghiệp đó phải đáp ứng được các điều kiện chung về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Về vấn đề này, chúng tôi đã có phân tích tại mục 1) Điều kiện chung để kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (trong đó có xe buýt) tại bài viết Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, các bạn có thể tham khảo.

Ngoài việc phải đáp ứng các điều kiện chung để kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nêu trên, doanh nghiệp của bạn còn phải đáp ứng các điều kiện cụ thể để có thể kinh doanh dịch vụ taxi sau:

1) Điều kiện để kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi

Hiện nay, có nhiều đơn vị cung cấp phần mềm kết nối vận tải như Grab, Be có thực hiện một trong các công đoạn của hoạt động vận tải như: Trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc tính toán khoảng cách, cự ly di chuyển, quyết định giá cước của các chuyến đi nhằm mục đích sinh lợi thì phải thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô[1].

Dịch vụ kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là một trong những ngành nghề thuộc Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện[2]. Do đó, các doanh nghiệp hoặc hợp tác xã muốn thực hiện các hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng xe taxi phải đảm bảo được các điều kiện sau đây:

Phù hiệu xe taxi

– Xe ô tô phải có phù hiệu “XE TAXI” được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe và trên xe phải niêm yết đầy đủ các thông tin của xe[3];

– Phù hiệu “XE TAXI” phải được làm bằng vật liệu phản quang và dán cố định trên kính phía trước và kính phía sau xe; phù hiệu phải đảm bảo có kích thước tối thiểu là 6cm x 20 cm[4];

Lưu ý: Trong trường hợp doanh nghiệp không muốn dán phù hiệu trên kính xe thì có thể lựa chọn việc gắn hộp đèn với chữ “TAXI” cố định trên nóc xe với kích thước tối thiểu là 12cm x 30 cm.

– Đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách mà có trên 70% tổng thời gian hoạt động trong 01 tháng tại địa phương nào đó thì phải thực hiện thủ tục xin cấp phù hiệu tại địa phương đó[5].

Quy định về đồng hồ tính tiền

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

Trên xe phải gắn đồng hồ tính tiền kết nối với thiết bị in hoá đơn hoặc phiếu thu tiền. Đồng thời, đồng hồ tính tiền phải được gắn cố định định tại vị trí mà hành khách có thể dễ dàng quan sát. Khi kết thúc hành trình lái xe phải in hóa đơn hoặc phiếu thu tiền và đưa cho hành khách[6].

Lưu ý: Phiếu thu tiền/hóa đơn phải có ít nhất các thông tin sau: Tên đơn vị kinh doanh vận tải, biển số xe, khoảng cách chuyến đi (km) và tổng số tiền hành khách phải trả[7].

Quy định đối với xe taxi sử dụng phần mềm để đặt xe, huỷ chuyến, tính cước chuyến đi (phần mềm tính tiền) và xe taxi công nghệ

– Phải có thiết bị kết nối trực tiếp với hành khách để đặt xe, hủy chuyến[8];

– Giao diện của phần mềm đặt xe dành cho hành khách phải có tên/logo của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải và trước khi thực hiện “cuốc xe”, phải cung cấp cho hành khách ít nhất các thông tin sau: Tên đơn vị kinh doanh vận tải, họ và tên người lái xe, biển số xe, khoảng cách chuyến đi (km), tổng số tiền hành khách phải trả và số điện thoại giải quyết phản ánh của hành khách[9].

– Trước khi thực hiện kinh doanh vận tải, doanh nghiệp/hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải thông báo đến Sở Giao thông vận tải nơi cấp Giấy phép kinh doanh phương thức tính tiền sử dụng trên xe taxi[10].

2) Hồ sơ và thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ taxi

Thành phần hồ sơ và các thủ tục mà các bạn cần phải thực hiện để xin cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng xe taxi tương tự như thành phần hồ sơ và thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng xe mà chúng tôi đã phân tích tại mục 3) Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt và mục 4) Thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt của bài viết Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt trên Web https://tuvanluat.vn/.

  1. a) Thành phần hồ sơ xin cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ taxi
  2. Giấy đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô theo mẫu[11].
  3. Bản sao văn bằng, chứng chỉ của người lái xe[12];
  4. Bản sao hoặc bản chính Quyết định thành lập. Trong đó có quy định rõ về chức năng và nhiệm vụ của bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông.

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh đối với hộ kinh doanh kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi gồm:

  1. Giấy đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô theo mẫu[13].
  2. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh[14].
  3. b) Trình tự thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ taxi

Thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô được thực hiện qua các bước sau:

Bước 1: Cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe taxi như đã nêu ở mục 2.a) Thành phần hồ sơ xin cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ taxi [15].

Bước 2: Đến nộp hồ sơ tại Sở Giao thông vận tải nơi doanh nghiệp/hợp tác xã đặt trụ sở hoặc địa chỉ của Hộ kinh doanh[16]. Trong vòng 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận sẽ tiến hành kiểm tra tính hợp lệ và đầy đủ của các loại giấy tờ trong hồ sơ; Nếu hồ sơ chưa đầy đủ và hợp lệ theo quy định thì Sở sẽ gửi thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung đến người nộp hồ sơ[17].

Bước 3: Cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô: Sau 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Giao thông vận tải cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô cho doanh nghiệp/hợp tác xã/hộ kinh doanh đó. Trong trường hợp không cấp Giấy phép kinh doanh thì Sở sẽ có văn bản trả lời hoặc thông báo trực tuyến cho người nộp hồ sơ, trong đó có nêu rõ lý do từ chối cấp Giấy phép[18].

Lưu ý: Nghị định 10/2020 về Quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/4/2020.

Dịch vụ xin cấp giấy phép vận tải cho doanh nghiệp, hợp tác xã tại thành phố Hồ Chí Minh.

Trên đây là tư vấn của Luật Nghiệp Thành về “Điều kiện để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi và xe công nghệ”

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Võ Thị Minh Thương.

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

[1] Điều 3.2 Nghị định 10/2020/NĐ-CP

[2] Mục 104 PHỤ LỤC 4 ban hành kèm Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư 2014

[3] Điều 6.1.(a) Nghị định 10/2020/NĐ-CP

[4] Điều 6.1.(b) Nghị định 10/2020/NĐ-CP

[5] Điều 6.1.(c) Nghị định 10/2020/NĐ-CP

[6] Điều 6.2.(a) Nghị định 10/2020/NĐ-CP

[7] Điều 6.2.(b) Nghị định 10/2020/NĐ-CP

[8] Điều 6.3.(a) Nghị định 10/2020/NĐ-CP

[9] Điều 6.3.(c) Nghị định 10/2020/NĐ-CP

[10] Điều 6.5 Nghị định 10/2020/NĐ-CP

[11] Điều 18.1.(a) Nghị định 10/2020/NĐ-CP

[12] Điều 18.1.(b) Nghị định 10/2020/NĐ-CP

[13] Điều 18.2.(a) Nghị định 10/2020/NĐ-CP

[14] Điều 18.2.(b) Nghị định 10/2020/NĐ-CP

[15] Điều 18 Nghị định 10/2020/NĐ-CP

[16] Điều 19.1.(a) Nghị định 10/2020/NĐ-CP

[17] Điều 19.1.(a) Nghị định 10/2020/NĐ-CP

[18] Điều 19.1.(b) Nghị định 10/2020/NĐ-CP

 

 

Document
Categories: Doanh nghiệp

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*