Điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo
Doanh nghiệp bạn muốn kinh doanh xuất khẩu gạo? Muốn mở rộng thị trường kinh doanh ra nước ngoài nhưng chưa biết quy định về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo hiện nay như thế nào? Luật Nghiệp Thành sẽ cùng bạn giải đáp về điều kiện để một doanh nghiệp có thể xuất khẩu gạo từ Việt Nam ra nước ngoài.
Với điều kiện khí hậu, tự nhiên thuận lợi, Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất và xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Gạo được xem là lương thực then chốt và chiến lược của Việt Nam, có sự tham gia quản lý chặt chẽ của nhà nước. Chính vì vậy, xuất khẩu gạo được xếp vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nếu doanh nghiệp muốn xuất khẩu gạo, cần đáp ứng các tiêu chuẩn về kho chứa, cơ sở sản xuất chế biến, điều kiện về Giấy phép kinh doanh gạo cũng như dự trữ gạo cho quốc gia[1].
Thứ nhất, đăng ký kinh doanh ngành nghề bán buôn gạo
Doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường, xuất khẩu gạo ra nước ngoài phải là doanh nghiệp được thành lập hợp pháp và có đăng ký kinh doanh bán buôn gạo, lúa mỳ, hạt ngũ cốc khác, bột mỳ có mã ngành 4631[2].
Thứ hai, có kho chuyên dụng để chứa thóc, gạo
Doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải đảm bảo có ít nhất 1 kho chuyên dụng để chứa thóc gạo. Kho này phải đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Về kho chứa thóc: QCVN 01–133:2013/BNNPTNT.
Doanh nghiệp của bạn có thể đi thuê kho chứa của một đơn vị khác với điều kiện hợp đồng thuê kho có thời hạn thuê từ 5 năm trở lên và kho này cũng đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện như đã nêu ở trên.
Thứ ba, có cơ sở xay, xát hoặc cơ sở chế biến thóc, gạo
Doanh nghiệp phải có tối thiểu 1 cơ sở xay, xát hoặc chế biến thóc, gạo. Cơ sở này phải đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở xay, xát thóc, gạo QCVN 01-134:2013/BNPTNT.
Cũng giống như kho chứa, cơ sở xay xát., chế biến thóc gạo Doanh nghiệp có thể thuê của đơn vị khác nhưng đảm bảo thời hạn thuê ít nhất 5 năm và cơ sở phải đảm bảo điều kiện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Thứ tư, phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo[3]
Sau khi đáp ứng đủ 3 điều kiện về đăng ký kinh doanh, có kho chứa, cơ sở xay xát hoặc chế biến thóc gạo theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thì doanh nghiệp phải tiến hành xin Bộ Công thương cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
Trình tự, thủ tục như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
– Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo (Theo Mẫu số 01 – Nghị định 107.2018.NĐ-CP )
– Bản sao y Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư.
– Bản sao Giấy tờ chứng minh quyền sở sử dụng đất, quyền sở hữu kho chứa, cơ sở xay, xát, chết biến hoặc hợp đồng thuê (nếu doanh nghiệp thuê kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến).
Bước 2: Nộp hồ sơ
Doanh nghiệp thực hiện nộp hồ sơ đã chuẩn bị về Bộ Công thương theo các hình thức:
– Trực tiếp tại Bộ Công thương
– Thông qua đường bưu điện
– Trực tuyến tại địa chỉ: Cổng dịch vụ công Bộ Công thương
Bước 3: Nhận kết quả
Bộ Công thương sẽ xem xét cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo trong thời hạn 15 ngày.
Thứ năm, doanh nghiệp phải dự trữ lưu thông sản lượng gạo trong quá trình hoạt động[4]
Sau khi đáp ứng tiêu chí kho, cơ sở xay, xát, chế biến và được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo để chính thức được hoạt động kinh doanh. Thì trong quá trình hoạt động, vì mục đích dữ trữ và đảm bảo nguồn lương thực cho quốc gia, doanh nghiệp phải đảm bảo duy trì mức dự trữ tối thiểu 5% tổng số lượng gạo mà doanh nghiệp đã xuất khẩu trong thời gian 06 tháng trước đó.
Đây được xem như một điều kiện đặc biệt mà các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo cần tuân thủ để đảm bảo an ninh lương thực của quốc gia.
Lưu ý: nếu doanh nghiệp chỉ xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng thì doanh nghiệp không cần đáp ứng các điều kiện trên mà vẫn có thể thực hiện xuất khẩu gạo ra nước ngoài.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo”
Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Lê Tiến Thành
Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1] Điều 4 Nghị định 107/2018/NĐ-CP
[2] Quyết định 27/2018/QĐ-TTg
[3] Điều 6 Nghị định 107/2018/NĐ-CP
[4] Điều 12 Nghị định 107/2018/NĐ-CP