Đăng ký kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch

Đăng ký kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch

Đăng ký kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch

Kinh doanh dịch vụ lưu trú chưa bao giờ là ngành nghề hết “hot”[1] trong những năm trở lại đây bởi sự đa dạng trong phân khúc khách hàng và lượng cầu[2] ổn định từ thị trường. Ngoài việc phục vụ khách du lịch thì các cơ sở này còn là điểm đến thường xuyên của những người đi công tác xa hoặc đáp ứng nhu cầu cho khách đi nghỉ. Nếu chỉ tính riêng lượng khách du lịch đến Việt Nam thì con số này cũng đã gia tăng không ngừng qua các năm[3], các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú theo đó cũng “như nấm mọc sau mưa”[4]. Chỉ trong 05 năm trở lại đây (2014 – 2018), số lượng cơ sở kinh doanh khách sạn đã tăng thêm 12.000 cơ sở và 218.000 phòng[5].

  1. Cơ sở lưu trú du lịch là gì và một số loại hình thường gặp

Theo từ điển Tiếng Việt, lưu trú có nghĩa là “chỉ ở lại trong thời gian ngắn chứ không ở hẳn”. Cơ sở lưu trú du lịch là các cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê không gian, đồng thời cung cấp các dịch vụ khác (nếu có) cho những đối tượng có nhu cầu lưu trú[6]. Trong bài viết này, dịch vụ lưu trú được nhắc đến là dịch vụ lưu trú dành cho khách du lịch.

Hiện nay các cơ sở lưu trú đã phát triển thành rất nhiều hình thức khác nhau tùy thuộc vào khả năng của chủ sở hữu, vào nhu cầu của thị trường, vào đặc điểm của địa bàn tọa lạc…Dưới đây là một số loại hình cơ sở lưu trú du lịch thường gặp:

STTLOẠI HÌNH[7]ĐẶC ĐIỂM
        1Khách sạn (Hotel)Công trình bao gồm nhiều tầng, nhiều phòng với nhiều tiện nghi và dịch vụ đi kèm.

Khách sạn được chia thành 04 loại: Khách sạn nghỉ dưỡng, khách sạn bên đường, khách sạn nổi và khách sạn thành phố.

        2Biệt thự du lịchCondotel: Sự kết hợp giữa khách sạn và căn hộ. Mỗi căn đều sở hữu kiến trúc và nội thất của một căn hộ cao cấp. Khách hàng có thể mua và toàn quyền sở hữu Condotel.

Villa: kiến trúc cao cấp nằm trong quần thể của một Resort.

        3Căn hộ du lịch (Hometel)Tương tự như Condotel nhưng ít “sang chảnh” hơn.
        4Tàu thủy lưu trú du lịchTàu thủy nội địa có buồng ngủ, trên hành trình chở khách có neo lại để cho khách du lịch ngủ qua đêm[8].
        5Nhà nghỉ du lịch (Guest house)Tương tự như khách sạn nhưng có quy mô nhỏ hơn và không cung cấp nhiều dịch vụ ngoài dịch vụ lưu trú.
        6Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (Homestay)Nhà của người bản địa được tận dụng để cho thuê không gian. Thông thường sẽ được kết hợp cùng hình thức du lịch văn hóa[9].
        7Bãi cắm trại du lịchKhu vực có diện tích tương đối lớn ngoài cung cấp các dịch vụ tối thiểu[10] thì còn có nhiều địa điểm thích hợp cho việc cắm trại.
        8Các cơ sở lưu trú du lịch khácHostel: có kết cấu như ký túc xá, một phòng sẽ bao gồm nhiều giường tầng.

Farmstay, Bungalow: kiến trúc bằng gỗ, lá, tre, nứa…hay các vật liệu gần gũi với thiên nhiên khác. Thông thường sẽ được kết hợp cùng các dịch vụ khám phá thiên nhiên.

Officetel: sử dụng với mục đích tận dụng làm văn phòng nhưng vẫn có thể dùng để ở.

  1. Điều kiện và trình tự thủ tục đăng ký kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch

2.1. Điều kiện

Để có thể kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, tổ chức cá nhân cần đáp ứng 03 điều kiện[11]:

  1. Thành lập doanh nghiệp[12];
  2. Xin các giấy phép con khác như Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự, Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy[13];
  3. Đáp ứng những yêu cầu tối thiểu riêng biệt về cơ sở vật chất kỹ thuật[14].

2.2. Trình tự thủ tục

Bước 01: Thành lập doanh nghiệp

Tổ chức cá nhân tùy theo khả năng tài chính và mong muốn đầu tư mà lựa chọn loại hình doanh nghiệp cho phù hợp. Đối với kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, tổ chức cá nhân có thể lựa chọn hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần, hoặc công ty hợp danh để thành lập doanh nghiệp.

Liên hệ ngay với Luật Nghiệp Thành để được tư vấn chi tiết về hồ sơ thành lập doanh nghiệp.

Bước 02: Xin Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy[15]

Hồ sơ bao gồm 01 bộ:

+ Bản sao y công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (01 bản);

+ Văn bản đề nghị cấp giấy phép phòng cháy chữa cháy theo mẫu[16];

Document

+ Bản sao giấy chứng nhận thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy và văn bản nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy (chỉ yêu cầu đối với những cơ sở xây mới hoặc cải tạo, thay đổi tính chất xây dựng[17]);

+ Bản thống kê các phương tiện phòng cháy chữa cháy, phương tiện cứu người đã trang bị theo mẫu[18];

+ Quyết định thành lập đội phòng cháy chữa cháy cơ sở và danh sách những người được huấn luyện về phòng cháy chữa cháy;

+ Phương án phòng cháy, chữa cháy.

Nộp tại: Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy.

Thời hạn giải quyết: tối đa 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đày đủ và hợp lệ.

Bước 03: Xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự

Hồ sơ gồm 01 bộ trong đó[19]:

+ Giấy đề nghị theo mẫu[20];

+ Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (hoặc giấy tờ khác chứng minh đủ điều kiện hoạt động như Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư…);

+ Bản sao các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy:

  • Văn bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy[21];
  • Biên bản kiểm tra về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy[22].

+ Bản khai lý lịch theo mẫu[23] kèm theo Phiếu lý lịch tư pháp (hoặc Bản khai nhân sự theo mẫu của người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh).

Nộp tại: Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cấp tỉnh. Nếu đăng ký kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh thì nộp tại Công an cấp quận/huyện trực thuộc tỉnh[24]. Hồ sơ có thể được nộp trực tiếp, nộp qua bưu điện, hoặc nộp online (và bổ sung hồ sơ giấy sau)[25].

Thời hạn giải quyết: tối đa sẽ là 05 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận được hồ sơ đầy ddue và hợp lệ[26].

Lệ phí: 300.000 đồng[27].

Sau khi hoàn thành các bước trên, tổ chức cá nhân đã có thể kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch mà không vi phạm pháp luật về điều kiện kinh doanh.

  1. Xử phạt vi phạm đối với tổ chức cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch

Cá nhân vi phạm trong kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch có thể bị phạt từ 500.000 đồng đến 30.000.000 đồng[28]; kèm theo việc tước quyền sử dụng quyết định công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, buộc tháo dỡ biển hiệu, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp thu được, hoặc buộc thu hồi quyết định công nhận cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

Mức xử phạt đối với tổ chức sẽ gấp đôi mức xử phạt đối với cá nhân[29].

Trên đây là tư vấn của Luật Nghiệp Thành về Đăng ký kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch.

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Huỳnh Thái Sơn.

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

[1] Mang hàm ý là ngành nghề được nhiều người quan tâm đầu tư kinh doanh…

[2] Nhu cầu về chỗ ở tạm thời của khách hàng.

[3] Cơ sở dữ liệu thống kê du lịch. Khách quốc tế đến Việt Nam; Khách du lịch nội địa, xem ngày 21/.08.2019 tại <http://thongke.tourism.vn/index.php/statistic/sub/6>; <http://thongke.tourism.vn/index.php/statistic/sub/13>.

[4] Gia tăng nhanh về số lượng.

[5] Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – Tổng cục Du lịch. Cơ sở lưu trú du lịch giai đoạn 2000 – 2018, xem ngày 21.08.2019 tại: <http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/13461>.

[6] Xem thêm Điều 3.12 Luật Du lịch 2017.

[7] Điều 48 Luật Du lịch 2017; Điều 21 Nghị định 168/2017/NĐ-CP.

[8] Điều 3.1 Thông tư 43/2012/TT-BGTVT.

[9] Du lịch nhằm trải nghiệm văn hóa.

[10] Điều 28 nghị định 167/2017/NĐ-CP.

[11] Điều 49 Luật Du lịch 2017.

[12] Xem các loại hình doanh nghiệp tại đây.

[13] Số thứ tự 214 Phụ lục 4 Luật Đầu tư 2014.

[14] Xem Điều 22 đến 28 Nghị định 168/2017/NĐ-CP.

[15] Mục VII Thông tư 04/2004/TT-BCA. [Thông tư này đã hết hiệu lực và được quy định hết hiệu lực một phần bởi Thông tư 35/2010/TT-BCA. Thông tư 35/2010/TT-BCA thì lại được quy định hết hiệu lực một phần bởi Thông tư 66/2014/TT-BCA. Tuy nhiên hai thông tư 35 và 66 lại không quy định về trình tự thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy.]

[16] Mẫu PC5.

[17] Điều 15 Nghị định 79/2014/NĐ-CP.

[18] Mẫu PC6.

[19] Điều 22.1 Nghị định 96/2016/NĐ-CP.

[20] Mẫu số 03, ban hành kèm Nghị định 96/2016/NĐ-CP.

[21] Mục 10, Phụ lục IV Nghị định 79/2014/NĐ-CP.

[22] Mục 9, Phụ lục I Nghị định 79/2014/NĐ-CP.

[23] Mẫu số 02, ban hành kèm Nghị định 96/2016/NĐ-CP.

[24] Điều 24 Nghị định 96/2016/NĐ-CP.

[25] Điều 23.2 Nghị định 96/2016/NĐ-CP.

[26] Điều 23.3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP.

[27] Thông tư số 218/2016/TT-BTC.

[28] Điều 10 đến Điều 13 Nghị định 45/2019/NĐ-CP.

[29] Điều 5.3 Nghị định 45/2019/NĐ-CP.

 

 

 

Document
Categories: Doanh nghiệp

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*