Chuyển quyền thừa kế cho người khác
Câu hỏi: Bố tôi mất nhưng không để lại di chúc, mẹ tôi đã mất từ lâu, nhà tôi có 3 anh em. Bố tôi có để lại một căn nhà, nhưng vì cuộc sống của tôi và anh cả đã đầy đủ nên chúng tôi muốn chuyển quyền thừa kế và để căn nhà của bố tôi lại cho em trai. Vậy chúng tôi cần làm gì khi chia thừa kế để chuyển quyền thừa kế cho em trai?
Luật Nghiệp Thành trả lời câu hỏi của bạn như sau:
Như bạn đã đề cập bố bạn mất nhưng không để lại di chúc, do đó lúc này di sản thừa kế là căn nhà trên sẽ được chia theo pháp luật.[1]
Xét hàng thừa kế thứ nhất là ba anh em của bạn nên nếu phân chia theo pháp luật thì căn nhà sẽ chia đều cho cả ba anh em[2]. Nhưng theo như bạn và anh cả đã thoả thuận thì hai bạn không nhận di sản thừa kế trên mà sẽ cho người em út. Để làm được điều đó, anh em bạn có thể thực hiện qua hai cách như sau:
Cách 1: Bạn và anh cả từ chối nhận di sản thừa kế
Theo Bộ luật Dân sự, người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản. Tuy nhiên, nếu là để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ tài sản với người khác thì không được phép từ chối nhận.[3]
Do đó, nếu không thuộc trường hợp là trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thì bạn và anh cả có quyền từ chối nhận di sản.
Cần lưu ý, để từ chối cần phải lập thành văn bản và yêu cầu công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng[4]. Bạn cũng cần gửi đến những người có liên quan như người quản lý di sản (do các bạn chỉ định hoặc người đang sử dụng, chiếm hữu, quản lý căn nhà trước đó), người thừa kế khác (anh cả và em út của bạn).[5]
Cần chuẩn bị các giấy tờ như: Giấy tờ chứng minh quan hệ cha con, giấy chứng tử, giấy tờ tuỳ thân, sổ hồng khi công chứng văn bản từ chối nhận di sản.
Vì người em út chỉ còn là người thừa kế duy nhất nên với văn bản từ chối của hai người anh, người em út sẽ thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại Tổ chức hành nghề công chứng (văn phòng công chứng, phòng công chứng) nơi có bất động sản là căn nhà.
Lưu ý: Bạn và anh trai phải từ chối nhận di sản trước thời điểm phân chia di sản
Cách 2: Ba anh em thoả thuận phân chia di sản thừa kế[6]
Các bạn cần lập bản Thoả thuận phân chia di sản tại tổ chức hành nghề công chứng nơi có căn nhà.
Cụ thể, là yêu cầu tặng cho toàn bộ di sản mà bạn và anh bạn được hưởng cho em trai và công chứng văn bản thoả thuận trên.[7]
Bạn nên lưu ý cần chuẩn bị các giấy tờ liên quan như: Sổ hồng căn nhà, giấy tờ tuỳ thân, giấy tờ chứng minh quan hệ cha con (giấy khai sinh, sổ hộ khẩu,..), giấy chứng tử.
Sau khi tổ chức hành nghề công chứng tiếp nhận, thì văn bản thoả thuận đó sẽ được niêm yết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày niêm yết. Việc niêm yết đó được thực hiện tại UBND cấp xã nơi có bất động sản. Sau 15 ngày niêm yết đó, nếu không có khiếu nại hay tố cáo liên quan đến việc hưởng di sản thừa kế thì tổ chức hành nghề công chứng mới chứng nhận văn bản phân chia di sản thừa kế trên của các bạn.
Sau khi hoàn tất, người em út trong gia đình bạn có thể tiếp tục thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế.
Cần chú ý, sau cả hai cách trên, người em út cũng cần phải tiếp tục khai nhận di sản thừa kế tại tổ chức hành nghề công chứng. Cần có các giấy tờ như:
– Phiếu yêu cầu công chứng
– Giấy tờ chứng minh quan hệ cha con
– Giấy chứng tử
– Văn bản từ chối nhận di sản của bạn và anh trai/Văn bản thoả thuận phân chia di sản thừa kế
– Giấy tờ tuỳ thân (CMND/CCCD/Hộ chiếu)
– Sổ hồng
Để công chứng văn bản khai nhận di sản thì cũng có phát sinh việc niêm yết 15 ngày như với thoả thuận phân chia di sản. Sau khi được công chứng, người em út cần làm thêm thủ tục đăng ký biến động (sang tên) sổ hồng. Mục đích sang tên là để chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và được thực hiện tại Văn phòng đăng ký đất đai – Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản.
Các bài viết liên quan Phân chia tài sản thừa kế theo thủ tục công chứng
Trên đây là nội dung tư vấn về “Chuyển quyền thừa kế cho người khác”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Linh Chi
Người hướng dẫn: Luật sư Thuận
[1] Điều 650.1.a Bộ luật Dân sự 2015
[2] Điều 651.1.a Bộ luật Dân sự 2015
[3] Điều 620.1 Bộ luật Dân sự 2015
[4] Điều 59 Luật Công chứng 2014
[5] Điều 620.2 Bộ luật Dân sự 2015
[6] Điều 57 Luật Công chứng 2014
[7] Điều 57.1 Luật Công chứng 2014