Chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư

Chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư

Chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư

Trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh, nếu chẳng may dự án đầu tư rơi vào tình trạng đắp chiếu, khó khăn về tài chính, thiếu nguồn vốn hoặc không thể triển khai dự án được trên thực tế… thì chấm dứt hoạt động dự án đầu tư sẽ là một trong những quyết định hiển nhiên được các nhà đầu tư đưa ra. Song trong thực tiễn pháp luật, có những trường hợp nhà đầu tư phải chấm dứt hoạt động theo quy định… điều này gây không ít bỡ ngỡ và cập rập cho các nhà đầu tư. Vì vậy, việc các nhà đầu tư nắm bắt các quy định pháp luật cơ bản về việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư là thực sự cần thiết.

1. Dự án đầu tư của doanh nghiệp có thể bị chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau đây: [1]

+ Trường hợp một, nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư.

+ Trường hợp thứ hai, dự án đầu tư bị chấm dứt theo các điều kiện chấm dứt hoạt động được quy định trong hợp đồng và điều lệ doanh nghiệp.

+ Trường hợp thứ ba, dự án đầu tư hết thời hạn hoạt động.

+ Trường hợp thứ tư, dự án đầu tư bị cơ quan nhà nước về đầu tư quyết định ngừng hoặc ngừng một phần hoạt động của dự án đầu tư, mà nhà đầu tư không có khả năng khắc phục điều kiện ngừng hoạt động trong các trường hợp sau:[2]

  • Để bảo vệ di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia theo quy định của Luật di sản văn hóa 2001 và SĐBS 2009 để khắc phục vi phạm môi trường theo đề nghị của cơ quan nhà nước quản lý môi trường;
  • Để thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn lao động theo đề nghị của cơ quan nhà nước về lao động;
  • Theo quyết định, bản án của Tòa án, trọng tài;
  • Nhà đầu tư không thực hiện nội dung trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đã bị xử lý vi phạm hành chính nếu tiếp tục vi phạm.

+ Trường hợp thứ năm, dự án đầu tư bị Thủ tướng chính phủ quyết định ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động của dự án đầu tư trong trường hợp việc thực hiện dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

+ Trường hợp thứ sáu, nhà đầu tư bị Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư hoặc không trực tiếp sử dụng địa điểm đầu tư và không thực hiện thủ tục điều chỉnh địa điểm đầu tư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày có quyết định thu hồi đất hoặc không trực tiếp sử dụng địa điểm đầu tư.

+ Trường hợp thứ bảy, dự án đầu tư đã ngừng hoạt động và hết thời hạn 12 tháng từ ngày ngừng hoạt động, nếu cơ quan đăng ký đầu tư không liên lạc được với nhà đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của nhà đầu tư thì cơ quan đăng ký đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư.

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

+ Trường hợp thứ tám, sau thời hạn 12 tháng mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án đầu tư theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư và không thuộc trường hợp được giảm tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo quy định. Cụ thể theo quy định tại Điều 46 Luật đầu tư năm 2014 thì thời gian giãn tiến độ đầu tư không quá 24 tháng, trừ trường hợp bất khả kháng.

+ Trường hợp thứ chín, dự án đầu tư bị chấm dứt theo bản án, quyết định của Tòa án, trọng tài.

2. Trình tự, thủ tục chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư:

2.1 Nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh/thành phố

– Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định, nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh/thành phố.

– Số lượng hồ sơ: 1 bộ.

– Trường hợp nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động dự án đầu tư (thuộc trường hợp một), thì nhà đầu tư cần chuẩn bị các hồ sơ sau: [3]

(i) Quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư;

(ii) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

(iii) Giấy ủy quyền (nếu có)

– Còn trong trường hợp, chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo các điều kiện quy định trong hợp đồng, điều lệ doanh nghiệp hoặc hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư (thuộc trường hợp hai và ba) thì nhà đầu tư cần chuẩn bị các hồ sơ sau: [4]

(i) Thông báo của nhà đầu tư (theo mẫu);

(ii) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

(iii) Bản sao tài liệu ghi nhận việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư: Điều lệ hoặc hợp đồng trong trường hợp điều lệ hoặc hợp đồng ghi nhận việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, Quyết định của nhà đầu tư.

(iv) Giấy ủy quyền (nếu có).

2.2 Nhận kết quả:

– Nhà đầu tư nhận sẽ được nhận kết quả ngay thời điểm vừa nộp hồ sơ xong. Cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh/ thành phố sẽ tiếp nhận hồ sơ chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư và ghi nhận tình trạng chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư của nhà đầu tư.

– Phí, lệ phí: không có.

Trên đây là chia sẻ của Luật Nghiệp Thành về quy định pháp luật về chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư.

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Nguyễn Minh Hoàng

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

 

[1] Điều 48 Luật đầu tư năm 2014.

[2] Điều 47.2 và Điều 48.1d Luật đầu tư năm 2014.

[3] Điều 41.2a Nghị định 118/2015/NĐ-CP.

[4] Điều 41.2b Nghị định 118.2015/NĐ-CP.

Document
Categories: Doanh nghiệp

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*