Cấm mua bán tài khoản và vật phẩm game
Hiện nay, việc mua bán hay quy đổi các vật phẩm, đơn vị ảo và điểm thưởng đã bị cấm. Nếu vẫn thực hiện sẽ bị xử phạt hành chính theo mức độ hành vi. Cả đơn vị cung cấp cũng có những chế tài liên quan đến vấn đề này. Quy định trên đang gây nhiều xôn xao trong cộng đồng game thủ. Đặc biệt là giới game thủ kiếm tiền dựa vào việc mua bán qua lại các tài khoản, vật phẩm game. Bắt đầu từ ngày 15/04/2020 sẽ áp dụng xử phạt hành chính đối với những người chơi và đơn vị cung cấp game. Cụ thể như sau đối với những hành vi như sau:
- Đối với người chơi[1]
– Phạt tiền từ 2- 3 triệu đồng khi:
+ Mua, bán vật phẩm ảo hoặc đơn vị ảo hoặc điểm thưởng.
Theo quy định, người chơi chỉ được dùng điểm thưởng, đơn vị ảo trong tài khoản của mình để đổi lấy vật phẩm ảo trên game.[2] Vì thế, việc cấm mua bán các điểm thưởng, đơn vị ảo đồng nghĩa với việc cấm mua bán tài khoản game của người chơi.
Vật phẩm ảo trên game có thể gọi là những công cụ, đồ vật mà người chơi cần thiết phải có để hoàn tất nhiệm vụ của game.
Còn đơn vị ảo là loại công cụ trong trò chơi dùng để trao đổi hoặc mua bán vật phẩm ảo, và các điểm thưởng, kỹ năng trên game.[3]
Đây là những công cụ mà game nào cũng có và dựa vào đó mà người chơi hoàn thành các nhiệm vụ và nâng cấp xếp hạng của mình. Vì vậy, mà tình trạng mua bán đang diễn ra khắp nơi. Nhưng hiện nay, quy định về xử phạt hành chính đang gây ra nhiều sự phản ứng tích cực lẫn tiêu cực đối với người chơi.
Thực tế, tình trạng lừa đảo khi mua bán các tài khoản, vật phẩm ảo này đang ngày một nhiều, còn lên đến hàng chục triệu đồng. Nhưng những vật phẩm này không được pháp luật thừa nhận là tài sản[4], do vậy người bị thiệt hại không thể yêu cầu giải quyết quyền lợi của mình. Hơn nữa, có thể sẽ bị mất các thông tin cá nhân liên quan do liên kết với ứng dụng như facebook, v.v…. Vì vậy, mà pháp luật đã thực hiện ngăn cấm hành vi trên.
Ngoài ra, hành vi lợi dụng trò chơi điện tử để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây mất trật tự, an toàn xã hội và an ninh quốc gia cũng bị phạt tiền từ 2 – 3 triệu đồng.
Bên cạnh đó, người chơi sẽ bị phạt tiền
+ Từ 600 nghìn – 1 triệu đồng với hành vi không chấp hành đúng quy định về quản lý giờ chơi, tại các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng (còn gọi tiệm game, net, v.v….).
Và bị phạt cảnh cáo khi đăng ký không đúng thông tin cá nhân khi chơi các trò chơi điện tử G1.
Trò chơi điện tử G1 là trò chơi có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp.[5]
Các trò điện tử G1 này đã được cấp giấy phép và được phê duyệt nội dung, kịch bản[6]
- Đối với đơn vị cung cấp dịch vụ[7]
Phạt tiền từ 170 – 200 triệu đồng đối với các hành vi sau:
– Quy đổi vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng được thành tiền. Hoặc thẻ thanh toán hoặc phiếu thưởng. Cả các hiện vật có giá trị giao dịch bên ngoài trò chơi điện tử dưới bất kì hình thức nào.
– Khởi tạo các vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng trong trò chơi điện tử không đúng theo nội dung, kịch bản trò chơi điện tử.
Thực tế, các trò chơi điện tử G1 đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phê duyệt về nội dung, kịch bản. Vậy nên, các đơn vị cung cấp game nên thực hiện đúng theo kịch bản, nội dung đã phê duyệt để tránh các trường hợp nội dung không đảm bảo về độ tuổi, hình ảnh tác động xấu đến người chơi, v.v…
Ngoài các vấn đề về vật phẩm game, tại mức phạt cao nhất tại Điều này. Nếu đơn vị cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 có thông tin, hình ảnh vi phạm chủ quyền quốc gia. Xúc phạm dân tộc, doanh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự cũng sẽ bị phạt tiền từ 170 – 200 triệu đồng.[8]
Trên đây là nội dung tư vấn về “Cấm mua bán tài khoản và vật phẩm game”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, rất mong nhận được phản hồi và góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Linh Chi
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận
[1] Điều 106 Nghị định 15/2020
[2] Điều 7.2 Thông tư 24/2014
[3] Điều 2.2 Thông tư 24/2014
[4] Điều 7.4 Thông tư 24/2014, Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015
[5] Điều 31.1.a Nghị định 72/2013
[6] Tham khảo tại Cổng thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông https://mic.gov.vn/Pages/ChuyenMuc/1503/1/Linh-vuc-Bao-chi.html
[7] Điều 104.6 Nghị định 15/2020
[8] Điều 104.6.c Nghị định 15/2020
Thế tại sao có nhiều shop mua bán acc (tài khoản) như thế
Shop này liệu có đúng luật