Cách nộp tiền phạt giao thông trực tuyến
Khi nhắc đến câu chuyện đi nộp tiền phạt giao thông, nhiều người đều cảm thấy khá phiền toái và tốn thời gian. Nhưng hiện nay, việc nộp phạt vi phạm giao thông đã được triển khai trực tuyến. Nghĩa là người vi phạm có thể nộp tại bất cứ đâu, lại còn tiết kiệm thời gian của đôi bên là cơ quan nhà nước với người dân. Thực tế, tháng 03/2020 vừa qua, việc nộp phạt online đã được thí điểm tại Tp. Hà Nội, Tp. Hải Phòng, Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Đà Nẵng và tỉnh Bình Thuận. Và dự kiến vào tháng 06/2020 sẽ tiến hành áp dụng trên cả nước[1]. Sau đây, Luật Nghiệp Thành sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn dịch vụ mới trên.
- Điều kiện nộp phạt trực tuyến
Khi người vi phạm được người có thẩm quyền thi hành công vụ lập biên bản về hành vi vi phạm của mình. Thì người vi phạm sẽ được giữ 01 bản và người lập biên bản giữ 01 bản.[2]
Và dựa vào biên bản trên, khi nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại cơ quan công an hoặc qua đường bưu điện bằng hình thức bảo đảm[3] thì người vi phạm mới thực hiện nộp phạt trực tuyến.
Thời hạn ra quyết định xử phạt là trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận biên bản.[4]
Và trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, người vi phạm phải thực hiện nộp tiền phạt. Nếu quá thời hạn nêu trên, thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.[5]
- Cách nộp phạt
Bước 1: Truy cập đường link dichvucong.gov.vn
Sẽ hiện lên trang web Cổng dịch vụ công quốc gia
Bước 2: Chọn Mục Thanh toán trực tuyến, sau đó chọn Tra cứu/Thanh toán vi phạm giao thông
Bước 3: Lúc này, sẽ hiện ra các thông tin như hình bên dưới
Lưu ý: Người chưa có tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia vẫn có thể nộp phạt được.
Dựa vào đó, người vi phạm khi nhận được biên bản xử phạt của CSGT sẽ điền các thông tin và phải nhập chính xác các thông tin được ghi trên biên bản.
– Số biên bản: Dựa theo biên bản được CSGT lập khi xảy ra vi phạm;
– Họ tên người vi phạm: Tên người được ghi trong biên bản;
– Tỉnh/Thành phố và Đơn vị lập biên bản xử phạt giao thông: Được ghi tại biên bản;
– Ngày vi phạm: Ngày xảy ra hành vi vi phạm giao thông và đã được ghi cụ thể tại biên bản.
Sau khi điền đầy đủ các thông tin như trên,
Nhập “Mã bảo mật” và thực hiện “Tra cứu”
Bước 4: Chọn ngân hàng để thực hiện nộp phạt và làm theo hướng dẫn để nộp phạt số tiền vi phạm trong biên bản.
Ngoài việc lựa chọn ngân hàng để thanh toán, hiện nay người dân có thể nộp phạt xử lý vi phạm thông qua ví điện tử là VNPT Pay.[6]
Bước 5: Nhận lại giấy tờ đã bị tịch thu
Người vi phạm có thể chọn nhận lại giấy tờ tại cơ quan công an đã ra quyết định xử phạt hoặc có thể nhận qua đường bưu điện.
- Lợi ích
Hiện nay, có nhiều hình thức nộp tiền phạt vi phạm như nộp trực tiếp tại Kho bạc nhà nước hoặc ngân hàng thương mại được ủy nhiệm thu tiền phạt được ghi trong quyết định xử phạt. Hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích.[7]
Còn có thể chuyển khoản vào tài khoản Kho bạc nhà nước[8]. Tuy nhiên, hình thức chuyển khoản vào tài khoản Kho bạc nhà nước chưa được sử dụng rộng rãi.[9] Đa số người dân đều chọn cách nộp phạt trực tiếp.
Đối với người vi phạm, thông thường họ sẽ bỏ ra một quỹ thời gian để tới Kho bạc nhà nước và còn mất thời gian chờ đợi để nộp tiền phạt. Tiếp đến, lại đến cơ quan công an nộp biên lai thì mới xong quy trình đóng phạt để lấy lại giấy tờ xe.
Rắc rối hơn là đối với những lái xe đường dài bị xử phạt giao thông. Nếu trong trường hợp vi phạm tại các tỉnh/thành phố khác, thì việc nộp phạt thực sự gây khó khăn rất nhiều khi phải di chuyển trở lại tỉnh/thành phố đó.
Cả quá trình trên không chỉ mất thời gian lại còn tốn công sức, chi phí đi lại, còn lãng phí nguồn lực tại các cơ quan nhà nước.
Vì vậy, với dịch vụ công thanh toán vi phạm trực tuyến, người vi phạm sẽ chỉ mất 3-10 phút để nộp online. Nếu được sử dụng rộng rãi, sẽ góp phần loại bỏ giai đoạn nộp phạt trực tiếp tại Kho bạc. Ngoài ra, còn hạn chế cả việc nhận giấy tờ xe trực tiếp nếu dùng dịch vụ bưu điện.
Đặc biệt trong lúc dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp, việc ứng dụng nộp phạt trực tuyến là phù hợp và giúp hạn chế khả năng lây nhiễm cộng đồng.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Cách nộp tiền phạt giao thông trực tuyến”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, mong nhận được phản hồi và góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Linh Chi.
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.
[1] Quyết định 411/QĐ-TTg
[2] Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012
[3] Điều 70 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012
[4] Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012
[5] Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012
[6] Thông tin từ Báo Thanh niên
[7] Điều 10 Nghị định 81/2013, Điều 1.16 Nghị định 97/2017
[8] Điều 10 Nghị định 81/2013
[9] Thông tin từ Bộ Tài chính Kho bạc Nhà nước