Cách chứng minh chỉ có một bất động sản để được miễn thuế TNCN

Cách chứng minh chỉ có một bất động sản để được miễn thuế TNCN

Cách chứng minh chỉ có một bất động sản để được miễn thuế TNCN

Theo quy định hiện nay, ngoài trường hợp miễn thuế thuế thu nhập cá nhân (TNCN) khi chuyển nhượng bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; bố vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh chị em ruột với nhau. Thì còn một trường hợp cũng được miễn thuế TNCN khi chuyển nhượng bất động sản đó là cá nhân sở hữu một bất động sản là nhà ở, đất ở duy nhất tại thời điểm tiến hành việc chuyển nhượng. Nhưng cách chứng minh mình có một bất động sản nhà ở, đất ở duy nhất để được miễn thuế TNCN thì không phải người nào cũng nắm rõ. Hôm nay Luật Nghiệp Thành sẽ hướng dẫn chi tiết cách chứng minh chỉ có một bất động sản nhà ở, đất ở duy nhất để được miễn thuế TNCN. Cụ thể như sau:

  1. Điều kiện chứng minh chỉ có một nhà ở, đất ở

Nhà ở, đất ở muốn được miễn thuế TNCN khi chuyển nhượng phải đáp ứng 3 điều kiện sau:

Thứ nhất, tại thời điểm chuyển nhượng, cá nhân chỉ có duy nhất quyền sở hữu 1 nhà ở hoặc quyền sử dụng 1 thửa đất ở (bao gồm cả trường hợp có nhà ở hoặc công trình xây dựng gắn liền với thửa đất đó). Việc xác định quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở sẽ căn cứ vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.[1]

Thứ hai, tính đến thời điểm tiến hành ký hợp đồng chuyển nhượng, cá nhân có quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở tối thiểu 183 ngày. Nghĩa là tính từ ngày cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đến ngày ký hợp đồng chuyển nhượng phải đảm bảo tối thiểu là 183 ngày. Quy định trên nhằm tránh trường hợp người có nhiều bất động sản chuyển nhượng cho người thân không có bất động sản để tiến hành ký hợp đồng mua bán thay mình. Do người này chỉ có một bất động sản duy nhất nên sẽ không phải nộp thuế.

Nếu rơi vào trường hợp đã được cấp lại, cấp đổi theo quy định của pháp luật về đất đai thì thời điểm xác định quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở vẫn được tính theo thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu tiên (trước khi được cấp lại, cấp đổi).[2]

Trường hợp mua nhà ở, đất ở nhưng chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất như nhà ở hình thành trong tương lai, nhà chung cư,… Khi chuyển nhượng sẽ không được miễn thuế TNCN do không đáp ứng điều kiện sở hữu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất từ 183 ngày trở lên.

Thứ ba, nhà ở, quyền sử dụng đất ở phải được chuyển nhượng toàn bộ. Nghĩa là sau khi chuyển nhượng nhà ở, đất ở cá nhân chuyển nhượng sẽ không còn sở hữu bất động sản nào tại Việt Nam. Trường hợp cá nhân đồng sở hữu nhà, đất ở duy nhất nhưng chuyển nhượng một phần thì cá nhân không được miễn thuế TNCN.[3]

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

Trường hợp mua chung nhà, mua nhà chung sổ với nhiều người (không phải là vợ chồng) thì sau khi chuyển nhượng toàn bộ phần sở hữu của mình nếu cá nhân còn sở hữu nhà ở, đất ở khác thì không được miễn thuế TNCN. Trường hợp sau khi chuyển nhượng cá nhân không còn nhà ở, đất ở khác thì sẽ được miễn thuế TNCN.

Trường hợp sở hữu riêng một bất động sản nhà ở, đất ở sau khi chuyển nhượng nhà ở, đất ở nếu vẫn còn quyền sở hữu chung nhà ở, đất ở với người khác (kể cả vợ chồng) thì cũng không được miễn thuế TNCN.

Trường hợp sở hữu chung của vợ chồng, sau khi chuyển nhượng nhà ở, đất ở nếu người vợ hoặc chồng còn quyền sở hữu riêng nhà ở, đất ở khác thì không được miễn thuế TNCN cho việc chuyển nhượng của người đó.

Sau khi nhận thấy mình đã đáp ứng đủ 3 điều kiện trên bạn có thể tiến hành thủ tục kê khai miễn thuế TNCN khi chuyển nhượng bất động sản nhà ở, đất ở.

  1. Giấy tờ chứng minh chỉ có một nhà ở, đất ở

Việc chứng minh bất động sản duy nhất theo 3 điều kiện nêu trên sẽ do cá nhân chuyển nhượng nhà, đất tự kê khai và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung. Nếu cơ quan chức năng phát hiện khai không đúng sự thật sẽ bị truy thu thuế và xử lý vi phạm pháp luật thuế theo quy định. Do đó bạn cần xác định mình đã có đủ 3 điều kiện nêu tại mục 1 hay chưa. Nếu chưa đủ thì không nên tiến hành kê khai, nhất là điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất trên 183 ngày. Hồ sơ chứng minh bất động sản duy nhất bao gồm:

  • Tờ khai thuế TNCN có chữ ký của người bán, cam đoan chịu trách nhiệm về tính trung thực của việc kê khai chỉ có một bất động sản nhà ở, đất ở.
  • Bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà hoặc quyền sở hữu các công trình trên đất và cá nhân ký cam kết chịu trách nhiệm về việc chỉ có một bất động sản nhà ở, đất ở. Thể hiện thời gian sở hữu nhà ở, đất ở là đủ trên 183 ngày.
  • Hợp đồng chuyển nhượng bất động sản
  • CMND/CCCD của người bán, trường hợp đồng sở hữu vợ chồng thì cung cấp thêm giấy đăng ký kết hôn.

Trường hợp cam kết chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất nhưng sau khi được miễn nghĩa vụ nộp thuế TNCN thì bị phát hiện khai không đúng sự thật. Người trốn thuế sẽ bị truy thu khoản thuế TNCN được miễn nộp[4]. Nếu trốn thuế với số tiền dưới 100.000.000 đồng, chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt hành chính từ 0,5 – 1,5 số tiền trốn thuế[5]. Trường hợp trốn thuế từ 100.000.000 đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự với mức phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 4,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 – 7 năm tùy vào mức độ hành vi phạm tội. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. [6]

Trên đây là chia sẻ của Luật Nghiệp Thành về “Cách chứng minh chỉ có một bất động sản để được miễn thuế TNCN”.

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Nguyễn Minh Cơ.

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

[1] Điều 3.1.1 TT 111/2013/TT-BTC

[2] Điều 12.1 TT 92/2015/TT-BTC

[3] Điều 3.1.1.2.b TT 111/2013/TT-BTC

[4] Điều 13.6 TT 116/2013/TT-BTC

[5] Điều 6.2.c và Điều 13 TT 166/2013/TT-BTC

[6] Điều 200 Bộ luật hình sự 2015

 

 

 

 

 

Document
Categories: Thuế

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*