Các hình thức xử phạt khi quan hệ với người cùng huyết thống
Các hình thức xử phạt khi quan hệ với người cùng huyết thống
Phát sinh quan hệ tình dục với người cùng huyết thống bị xem là trái với luân thường đạo lý. Hiện nay, pháp luật Việt Nam nghiêm cấm các hành vi quan hệ tình dục giữa những người cùng huyết thống với nhau. Dười góc độ pháp lý, hành vi quan hệ với người cùng huyết thống xử phạt thế nào? Mời bạn hãy cùng Luật Nghiệp Thành phân tích hành vi này qua bài viết sau đây:
1.Người cùng huyết thống được hiểu như thế nào?
Những người có quan hệ huyết thống là những người có cùng dòng máu về trực hệ, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau.[1]
Tức là cha, mẹ với con hoặc ông, bà với cháu, hoặc giữa anh chị em cùng cha mẹ. Ngoài ra, mối quan hệ giữa anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha cũng được xem là những người có quan hệ huyết thống.
2.Hình thức xử phạt quan hệ tình dục với người cùng huyết thống
Loạn luân là việc giao cấu giữa cha, mẹ với con; giữa ông, bà với cháu nội, cháu ngoại; giữa anh chị em cùng cha mẹ; giữa anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha.
Trường hợp tự nguyện quan hệ
Nếu tự nguyện quan hệ tình dục giữa những người cùng huyết thống, người thực hiện có thể bị xử lý về Tội loạn luân, áp dụng mức phạt tù từ 01 năm đến 05 năm[2].
Để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội loạn luân cần phải xác định rõ hành vi giao cấu là thuận tình, không có dấu hiệu dùng vũ lực hoặc cưỡng ép và được thực hiện với người từ đủ 16 tuổi trở lên.
Trường hợp quan hệ tình dục với người cùng huyết thống là tự nguyện, nhưng nếu thực hiện với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì không truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội loạn luân mà truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội giao cấu với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi thì áp dụng khung phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.[3]
Trường hợp quan hệ trái ý muốn
Nếu hành vi loạn luân kèm theo dấu hiệu dùng vũ lực, đe đoạ dùng vũ lực, lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác, thì tuỳ trường hợp người thực hiện hành vi đó phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hiếp dâm hoặc Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi.
– Với Tội hiếp dâm có tính chất loạn luân: Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm, nếu gây thương tích nặng hoặc làm chết người… có thể phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân[4].
– Với Tội hiếp dâm hoặc Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi có tính chất loạn luân: Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, nếu gây thương tích nặng hoặc làm chết người… có thể bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình[5].
Nếu hành vi loạn luân kèm theo dấu hiệu lợi dụng quan hệ lệ thuộc khiến bên kia phải miễn cưỡng cho giao cấu, thì tuỳ trường hợp người thực hiện hành vi đó phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cưỡng dâm hoặc Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi.
– Với Tội cưỡng dâm có tính chất loạn luân: Người phạm tội bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm, nếu gây thương tích nặng hoặc làm chết người… thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm[6].
– Với Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi có tính chất loạn luân: Người phạm tội bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm, nếu gây thương tích nặng hoặc làm chết người… thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân[7].
Lưu ý: Trong mọi trường hợp kể cả tự nguyện, nếu hành vi loạn luân thực hiện đối với trẻ em dưới 13 tuổi thì người thực hiện sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi.
Bạn đọc tham khảo: Mức phạt tiền trong lĩnh vực hôn nhân gia đình
Bạn đọc tham khảo: Quy định pháp luật về việc nạo phá thai
Trên đây là toàn bộ bài viết về “Các hình thức xử phạt khi quan hệ với người cùng huyết thống”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Bùi Thị Như
Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1] Điều 3.17 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014
[2] Điều 184 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017
[3] Điều 145.2.(c) Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017
[4] Điều 141.2.3 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi Điều 1.23 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
[5] Điều 142.2.3 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi Điều 1.24 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
[6] Điều 143.2.3 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi Điều 1.25 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
[7] Điều 144.2.3 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi Điều 1.26 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017