Biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh cho người lao động

Biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh cho người lao động

Biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh cho người lao động

Trong xã hội hiện nay, hầu hết mọi người, ai nấy đều rất quan tâm đến vấn đề làm sao để duy trì được sự bền vững của công việc, đảm bảo an toàn, hạnh phúc cho người lao động. Cũng như giúp cho doanh nghiệp và đất nước có thể phát triển ổn định. Cho nên, các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp rất được chú trọng áp dụng trong công tác an toàn và vệ sinh (AT&VS) lao động. Luật Nghiệp Thành tổng hợp một số biện pháp được áp dụng nhằm đảm bảo an toàn, vệ sinh cho người lao động dưới đây:

Kiểm định kỹ thuật an toàn lao động:

Đối với các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động[1] như nồi gia nhiệt dầu, cần trục, thang cuốn, thang máy,…phải được kiểm định trước khi được đưa vào sử dụng, đồng thời phải được kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng bởi các tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động[2]

Lập kế hoạch và các phương án đảm bảo AT&VS lao động:

Hằng năm, khi tiến hành mở rộng hoặc cải tạo các công trình, cơ sở để sản xuất, sử dụng, bảo quản và lưu giữ các loại máy móc, thiết bị, vật tư,…có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và vệ sinh lao động thì người sử dụng lao động nói chung, chủ đầu tư nói riêng phải lập ra các kế hoạch, phương án và biện pháp khả thi nhằm đảm bảo cho sự AT&VS lao động đối với khu vực, môi trường và nơi làm việc của người lao động.

Trang bị các công cụ, phương tiện để bảo vệ người lao động[3]:

Các thiết bị, công cụ, phương tiện để bảo vệ người lao động ở đây được hiểu là các vật dụng cần thiết, đạt tiêu chuẩn về chất lượng[4] mà người lao động cần được trang bị để sử dụng trong quá trình thực hiện các công việc có tính chất nguy hiểm, độc hại mà các thiết bị kỹ thuật AT&VS lao động thông thường chưa đủ để đảm bảo sự an toàn cho họ, cũng như không thể loại bỏ hoàn toàn những rủi ro có thể phát sinh trong quá trình làm việc[5]. Các bên cần tuân thủ các quy định về việc cấp phát, sử dụng và bảo quản những phương tiện này.

Huấn luyện về AT&VS lao động:

Người sử dụng lao động và những người thuộc các bộ phận làm công tác AT&VS lao động có nghĩa vụ cần phải tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, khóa huấn luyện về an toàn và vệ sinh lao động, đồng thời họ phải thực hiện các bài kiểm tra, sát hạch để được cấp chứng chỉ, chứng nhận của các tổ chức chuyên hoạt động dịch vụ huấn luyện về an toàn và vệ sinh lao động. Sau đó, người sử dụng lao động cần phải tổ chức các buổi huấn luyện, hướng dẫn, phổ biến cho người lao động trong doanh nghiệp và những người học nghề, tập nghề,…Đối với những công việc có yêu cầu nghiêm ngặt hơn thì ngoài việc được huấn luyện, người lao động còn phải tham gia các bài kiểm tra, sát hạch và được cấp chứng chỉ, chứng nhận về an toàn và vệ sinh lao động[6].

Thông tin đầy đủ về AT&VS lao động:

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

Người sử dụng lao động có nghĩa vụ phải thông báo cũng như tuyên truyền, giáo dục đầy đủ về tình hình tai nạn, rủi ro lao động, bệnh nghề nghiệp, các yếu tố nguy hiểm, độc hại và các biện pháp để bảo đảm AT&VS lao động cho người lao động và các đại diện của người lao động biết[7]. Bên cạnh đó, người lao động và đại diện của họ có thể trao đổi, thỏa thuận và chất vấn người sử dụng lao động về các vấn đề liên quan đến việc đảm bảo AT&VS lao động cho họ.[8]

Chăm sóc sức khỏe cho người lao động:

– Việc khám sức khỏe nói chung hay khám sức khỏe nghề nghiệp cho người lao động nói riêng được hiểu là việc các tổ chức y tế thực hiện hoạt động khám, xét nghiệm, đánh giá sức khỏe của người lao động, đồng thời xem xét coi họ có đảm bảo đủ sức khỏe, phù hợp với từng loại công việc đặc thù hay không. Việc này không những giúp phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe người lao động mà còn có thể hạn chế tình trạng phát sinh bệnh tật, rủi ro khi thực hiện công việc. Theo quy định thì người sử dụng lao động, các chủ dự án phải thực hiện khám sức khỏe định kỳ hằng năm cho người lao động (kể cả người học nghề, tập nghề); đối với lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản; còn những người lao động cao tuổi; khuyết tật; chưa thành niên hay những người làm các công việc có yếu tố nặng nhọc, độc hại, mang tính rủi ro cao phải được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng một lần[9].

– Đối với những người làm việc trong điều kiện có nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp phải được khám bệnh nghề nghiệp theo quy định của Bộ Y tế[10]. Bên cạnh đó, người lao động trong các lĩnh vực, công việc có yếu tố dễ bị nhiễm trùng, nhiễm độc thì sau khi hết giờ làm việc, họ phải được bảo đảm được áp dụng các biện pháp khử trùng, khử độc[11].

Chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật:

– Đối tượng được áp dụng chế độ bồi dưỡng này là người lao động, các công chức, viên chức, học sinh, sinh viên thực tập, người học nghề, tập nghề,…[12] thỏa mãn các điều kiện như: làm các công việc thuộc danh mục ngành nghề có tính chất nặng nhọc, độc hại; làm công việc không đạt đủ các tiêu chuẩn vệ sinh cho phép hoặc phải tiếp xúc trực tiếp với các nguồn lây bệnh, nhiễm bệnh[13].

– Việc bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất[14] và có giá trị bằng tiền lương tương ứng theo các mức: mức 1 bằng 10.000 đồng; mức 2 bằng 15.000 đồng; mức 3 bằng 20.000 đồng; và mức cao nhất là 25.000 đồng[15].

Quan điểm phổ biến hiện nay, mọi người đều phải thừa nhận một điều rằng người lao động chỉ có thể có việc làm bền vững và duy trì sự ổn định, lâu dài khi được làm việc trong điều kiện lao động được đảm bảo an tòan và vệ sinh. Cho nên, người sử dụng lao động nói chung, các chủ dự án, doanh nghiệp nói riêng cần đặc biệt quan tâm và chú trọng về vấn đề này.

Trên đây là nội dung tư vấn về “Biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh cho người lao động”

Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Võ Thị Minh Thương.

Ngày cập nhập, bổ sung: 22.10.2021

Người bổ sung: Lê Tuấn Huy

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

[1] Danh mục ban hành kèm theo Thông tư số 36/2019/TT-BLĐTBXH

[2] Điều 31.1 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015

[3] Thông tư 04/2014/TT-BLĐTBXH

[4] Điều 23 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015

[5] Điều 23 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015

[6] Điều 14 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015

[7] Điều 13 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015

[8] Điều 19.đ Công ước số 155

[9] Điều 21.1,2 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015

[10] Điều 21.5 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015

[11] Điều 18.1 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015

[12] Điều 1.2 Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH

[13] Điều 2.1 Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH

[14] Điều 1.19 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014

[15] Điều 2.2 Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH

 

Document
Categories: Lao động

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*