Những lưu ý để sinh viên tránh sa vào những “chiếc bẫy đa cấp” hiện nay
Ngày nay, các hoạt động kinh doanh đa cấp chắc hẳn không còn quá xa lạ với nhiều người, nhất là tại các thành phố lớn. Phần lớn sinh viên từ tỉnh ra thành phố trọ học, vì mong muốn kiếm được thêm thu nhập; trang trải phần nào chi phí thuê trọ, học tập và ăn uống nên nhu cầu tìm kiếm việc làm theo đó cũng tăng cao vượt trội. Nắm bắt được tâm lý đó, nhiều trang “tìm việc làm” được lập ra trên mạng xã hội với hàng loạt các nhà tuyển dụng từ khắp nơi với đủ mức lương, quyền lợi, ưu đãi hấp dẫn được đưa ra. Tuy nhiên, với kinh nghiệm còn thiếu và non nớt, đặc biệt là các bạn sinh viên năm nhất “nhẹ dạ cả tin” đã bị sa vào những “chiếc bẫy đa cấp”, bị lừa gạt, gây tổn thất về tài chính và tinh thần.
Không phải tất cả mọi hoạt động kinh doanh đa cấp đều xấu như nhiều người thường nghĩ. Đây thực chất là loại hình kinh doanh hợp pháp được pháp luật cho phép, nó sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh. Những người tham gia sẽ được hưởng hoa hồng và một số nguồn lợi kinh tế khác[1] theo thỏa thuận trước.[2] Hiện nay, các nhà tuyển dụng đa số tìm người làm các công việc bán hàng đa cấp[3], theo đó người làm sẽ bán hàng cho doanh nghiệp, tổ chức đó và nhận tiền hoa hồng, chứ không trực tiếp tham gia đầu tư để nhận lợi nhuận.
Với bài viết này, Luật Nghiệp Thành sẽ giúp các bạn sinh viên nhận thấy một số hậu quả của việc tham gia vào những “cái bẫy đa cấp” bất hợp pháp đang “lộng hành” hiện nay
1) “Bẫy đa cấp” và những hậu quả từ chúng
Nắm bắt được tâm lý của những “bà mẹ bỉm sữa”, các bạn sinh viên vừa mới ra trường còn đang nóng lòng muốn có việc làm và khao khát nhanh chóng có một nguồn thu nhập ổn định. Nhiều nhân viên đa cấp đã tận dụng sự hoạt ngôn, lý lẽ vô cùng sắc sảo và thuyết phục, nhằm tạo được niềm tin ở mọi người theo chiều hướng tích cực. Họ sẽ cảm thấy, dường như mình được dẫn dắt vào một thế giới đa cấp “đầy màu hồng”, một tương lai tươi đẹp đang được mở ra trước mắt.
Kinh doanh đa cấp thực chất là một hình thức kinh doanh hợp pháp, phổ biến rộng rãi trên phạm vi thế giới. Tuy nhiên khi du nhập vào Việt Nam, hình thức kinh doanh này đã bị những tổ chức làm ăn “bất hợp pháp” làm cho biến chất, “méo mó”. Chúng vì mục đích lợi nhuận, vì tiền bạc mà không màng đạo đức, làm bằng mọi cách để có thể đạt được mục đích của mình.
Nhiệm vụ của những người tham gia vào mạng lưới đa cấp là mời gọi, chèo kéo, dụ dỗ để khách hàng mua sản phẩm. Đối với một sản phẩm không có thương hiệu, nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng, giá cả lại được “thổi phồng” lên cao ngất ngưỡng. Nếu mua phải những sản phẩm giá mắc nhưng chất lượng lại chẳng vào đâu thì bao nhiêu thiệt thòi, người tiêu dùng gánh cả.
Còn trong trường hợp, không có ai mua hàng. Đặc biệt là đối với giới sinh viên, mối quan hệ xã hội không nhiều, bận bịu thời gian học, không có nhiều cơ hội để tiếp cận với khách hàng, lượng sản phẩm bán ra gần như là một “con số không tròn trĩnh”. Nếu muốn bỏ cuộc thì sẽ bị mất hẳn tiền cọc, tiền mua sản phẩm trước khi gia nhập đa cấp. Do đó, họ không chừa bất cứ đủ đoạn nào, lôi kéo người thân, bạn bè mua hàng bằng mọi cách có thể. Thậm chí, khi không mua hàng thì họ sẽ tỏ thái độ bức xúc và cho rằng người khác thiếu hiểu biết.
Những người tham gia hệ thống đa cấp dường như bị cuốn vào guồng quay của nó. Với việc tổ chức Hội thảo hằng tuần, hằng tháng đều đặn, dân đa cấp lại tiếp tục lợi dụng sự “hoạt ngôn”, đưa ra những lý lẽ, lập luận thuyết phục đầy sắc sảo. Nó khiến cho những ai đang dần giác ngộ và muốn rút ra khỏi hội cũng khó lòng mà thoát khỏi nó. Các bạn sinh viên cũng theo đà đó, chỉ chăm chăm vào việc mời gọi, chèo kéo, bán sản phẩm mà không còn muốn dành nhiều thời gian vào việc học. Kết quả học tập sa sút, nào là thiếu điểm, rớt môn, nợ môn,…Cho nên, có những bạn sau một thời gian đã nản chí và quyết định thôi học.
Theo H (nữ sinh trường ĐH Thương mại) – một nạn nhân của công ty đa cấp Liên minh tiêu dùng Việt chia sẻ: “Đầu năm 2015, sau khi bị sập bẫy, phải vay nặng lãi để có tiền tham gia kinh doanh tại công ty đa cấp Liên minh tiêu dùng Việt. Tôi đã uống thuốc ngủ tự tử nhưng may mắn được phát hiện, cấp cứu kịp thời. Hàng loạt các bạn bè khác của tôi cũng sập bẫy, người nhẹ thì mất tiền, có người phải nghỉ học, thậm chí bị người thân “từ mặt” vì bán hàng đa cấp.”
Vậy, chúng ta cần lưu ý những gì để tránh khỏi những công ty ma, những chiếc “bẫy đa cấp” làm ăn bất hợp pháp nêu trên?
2) Một số lưu ý để tránh khỏi những chiếc “bẫy đa cấp” bất hợp pháp
Tránh những tổ chức bắt người làm phải nộp tiền cọc, mua hàng hóa rồi mới nhận làm: Đa phần các tổ chức kinh doanh đa cấp bất hợp pháp thường có đặc điểm chung là yêu cầu ứng viên phải đặt lại một khoản tiền cọc để giữ chân, nộp tiền làm thẻ ATM, nộp tiền làm đồng phục,…và hẹn ứng viên quay lại làm việc vào một ngày khác hoặc họ sẽ chủ động liên hệ ứng viên đến vào một ngày gần nhất. Tuy nhiên, thực tế là khi người tìm việc đợi mãi không thấy nhà tuyển dụng liên hệ, khi tìm đến địa chỉ cũ thì được thông báo không có tổ chức trên; tổ chức trên đã chuyển sang địa chỉ khác hay thậm chí là có gặp được họ cũng sẽ “chối bay, chối biến”, bởi việc đưa tiền hay mua hàng lúc trước đều không có cơ sở nào làm bằng chứng để bắt tội tổ chức đa cấp bất hợp pháp đó cả.
Tránh những tổ chức chỉ chuyên tập trung vào mục đích tuyển dụng: Hiện nay có quá nhiều tổ chức chỉ chủ yếu thực hiện công việc tuyển dụng, “chèo kéo”, “dụ dỗ” người tham gia càng nhiều càng tốt, còn thực tế công việc cụ thể như thế nào, bán hàng và tình hình phát triển công ty trong tương lai ra sao họ không quá chú trọng. Bởi những tổ chức này tồn tại chủ yếu nhờ vào các nguồn thu bất chính như đã nêu trên. Khi mà hết nguồn thu này thì chúng sẽ chuyển sang địa điểm hoạt động mới; đổi tên doanh nghiệp hoặc chấm dứt hoạt động.
Dành thời gian tìm hiểu rõ về tổ chức mà mình muốn ứng tuyển công việc: Cần xác định được địa chỉ cụ thể, người đứng đầu doanh nghiệp, công việc làm ăn cụ thể ra sao. Đồng thời các bạn nên tra Google, Facebook để xem tổ chức này có được liệt kê trong danh sách các “bẫy đa cấp” được khuyên “né” ra khi tìm việc. Hoặc tra google xem số điện thoại, tên công ty đăng tuyển kết hợp với từ khóa “lừa đảo” để xem trước đó có bị ai vạch mặt lừa đảo chưa.
Cân nhắc, đề phòng những “lời có cánh”: Thường những tổ chức trên có những lời hứa hẹn có cánh quen thuộc như: “không đòi hỏi kinh nghiệm”; “việc nhẹ lương cao”; “chỉ cần 3 tiếng lên Facebook, Zalo mỗi ngày bạn sẽ kiếm được một khoản tiền lớn”; “dễ làm nhanh giàu, không làm cũng giàu”,…
Không tham gia vào những tổ chức có những hoạt động trái quy định pháp luật: Pháp luật hiện hành quy định cấm các hành vi yêu cầu người khác phải đặt cọc, nộp một khoản tiền, mua lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng; Kiếm lợi nhuận từ việc giới thiệu người khác tham gia chứ không phải từ việc mua, bán hàng hóa; Cung cấp các thông tin gian dối, gây nhầm lẫn,…[4]
– Các bạn có thể truy cập vào Website của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng: để tham khảo danh sách các doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp và tránh khỏi những “công ty ma” làm ăn bất hợp pháp.
Trên đây là tư vấn của Luật Nghiệp Thành về vấn đề “Những lưu ý để sinh viên tránh sa vào những chiếc bẫy đa cấp hiện nay”.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Võ Thị Minh Thương.
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.
[1] Khoản 6, Điều 3, Nghị định 40/2018/NĐ-CP
[2] Khoản 2, Điều 3, Nghị định 40/2018/NĐ-CP
[3] Khoản 3, Điều 3, Nghị định 40/2018/NĐ-CP
[4] Khoản 1, Điều 5, Nghị định 40/2018/NĐ-CP