Bảo hiểm du lịch

Bảo hiểm du lịch

Bảo hiểm du lịch

Thế giới này có hai kiểu người du lịch: du lịch phượt và du lịch theo tour. Du lịch phượt (còn gọi là du lịch “bụi”) là việc người đi du lịch tự mình lên kế hoạch và thực hiện chuyến đi, từ việc chọn điểm đến, xác định điểm dừng chân…cho đến việc tự lái xe, tùy ý thay đổi lịch trình…Đây là hình thức xê dịch đúng nghĩa vì mang tính phóng khoáng cao, thích hợp cho các khách du lịch có thú khám phá thiên nhiên và văn hóa một cách chân thực nhất. Hình thức này rất được các bạn trẻ yêu thích. Du lịch theo tour thì ngược lại, tất cả đều do tổ chức kinh doanh dịch vụ lữ hành[1] lên kế hoạch, bạn sẽ phải đi theo hành trình cố định, tuân theo sự điều phối của hướng dẫn viên, không được tách đoàn…Tuy gò bó nhưng hình thức này lại có ưu điểm là mang tính rủi ro thấp vì mọi thứ đều được lên kế hoạch và đa phần các sự kiện đều nằm trong tầm kiểm soát của đơn vị tổ chức từ trước. Hình thức này phù hợp cho các chuyến đi của gia đình, doanh nghiệp, nhà trường…

Chúng ta đều phải đồng ý rằng dù là hình thức nào thì đảm bảo an toàn về sức khỏe và tài sản vẫn là ưu tiên hàng đầu cho các phượt thủ và khách du lịch truyền thống. Tuy nhiên hầu như mọi người đều không chú ý đến vấn đề này, trong lĩnh vực du lịch tồn tại một loại bảo hiểm riêng, mang những đặc tính tương tự đối với những loại bảo hiểm thường gặp: Bảo hiểm du lịch. Loại bảo hiểm này thông thường được đề cập trong hợp đồng giữa tổ chức kinh doanh dịch vụ lữ hành và khách hàng.

  1. Loại hình tuy cũ nhưng mới

Bảo hiểm du lịch là một khái niệm tuy cũ nhưng mới. Cũ vì nó đã xuất hiện từ lâu[2] và mới vì nó chỉ phổ biến trong ngành du lịch, và được biết đến thông qua các công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành. Theo từ điển Tiếng Việt, bảo hiểm có nghĩa là đảm bảo an toàn, hay phòng ngừa rủi ro. “Bảo hiểm du lịch” trong bài viết này sẽ gần nghĩa với ý thứ hai hơn. Nội hàm của bảo hiểm vẫn không đổi so với khái niệm chúng ta vẫn luôn được biết: bên mua bảo hiểm[3] sẽ trả một khoản tiền cho bên kinh doanh bảo hiểm[4], đổi lại bên kinh doanh bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm thanh toán số tiền bảo hiểm cho người được thụ hưởng[5] khi sự kiện bảo hiểm[6] xảy ra.

  1. Bắt buộc nhưng lại không bắt buộc

Bảo hiểm du lịch là bắt buộc đối với các tổ chức kinh doanh dịch vụ lữ hành, tuy nhiên lại không bắt buộc đối với khách du lịch[7]. Nói cách khác, việc chuẩn bị bảo hiểm du lịch là quyền của khách du lịch đồng thời là nghĩa vụ của tổ chức kinh doanh dịch vụ lữ hành. Khách du lịch cơ bản đã được hưởng các chế độ bảo hiểm bắt buộc như BHXH[8], BHYT[9], BHTN[10] (nếu là lao động, học sinh sinh viên…)[11], và chưa kể các loại hình bảo hiểm tự nguyện[12] khác. Do đó xét về lý thuyết, khi có rủi ro xảy ra, chắc chắn họ sẽ được ít nhất một đơn vị bảo hiểm chi trả. Tuy nhiên để đảm bảo quyền lợi cho khách du lịch đồng thời nâng cao nhận thức và phạm vi trách nhiệm của các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành thì những đơn vị này cần mua bảo hiểm cho các khách hàng sử dụng dịch vụ của mình (trừ trường hợp khách du lịch đã có bảo hiểm cho toàn bộ chương trình du lịch[13]). Nếu không mua bảo hiểm cho khách du lịch trong thời gian thực hiện chương trình du lịch theo quy định, tổ chức kinh doanh dịch vụ lữ hành sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng[14].

  1. Ưu và nhược điểm của Bảo hiểm du lịch

3.1. Ưu điểm

Ưu điểm lớn nhất của Bảo hiểm du lịch là việc đây là Bảo hiểm không bắt buộc[15] – tức các bên có thể tự thỏa thuận với nhau về các điều kiện, mức phí, và số tiền bảo hiểm. Đối với bảo hiểm tài sản và bảo hiểm trách nhiệm dân sự, điều này sẽ không đem lại nhiều lợi ích hiện hữu khi hai loại bảo hiểm này chịu sự chi phối của nguyên tắc bảo hiểm trùng. Tức khi bên mua bảo hiểm giao kết từ hai hợp đồng bảo hiểm tài sản (hoặc trách nhiệm dân sự) trở lên cho cùng một đối tượng bảo hiểm với cùng một điều kiện và sự kiện bảo hiểm thì khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, các doanh nghiệp sẽ chi trả tiền bảo hiểm theo tỷ lệ số tiền bảo hiểm đã thỏa thuận trên tổng số tiền bảo hiểm của tất cả các hợp đồng mà bên mua bảo hiểm đã giao kết[16].

Ví dụ: Anh A sinh sống và làm việc tại Sài Gòn, vào tháng 05 năm 2019 anh đi du lịch đến Đà Nẵng thông qua tour du lịch 02 ngày 03 đêm của Công ty Minh Minh. Hợp đồng giữa hai bên có điều khoản về Bảo hiểm du lịch, trong đó Công ty Minh Minh chịu trách nhiệm mua bảo hiểm tài sản xe cho anh A với phí bảo hiểm là 01 triệu đồng. Trước đó 01 tháng, anh A cũng đã mua bảo hiểm tài sản có giá 03 triệu đồng tại Công ty Bảo hiểm An An. Cả hai hợp đồng bảo hiểm đều có điều khoản cam kết chi trả tiền bảo hiểm khi có bất kì hư hại tài sản nào phát sinh (mà không xuất phát từ lỗi của anh A) trong quá trình du lịch.

Trên đường đi đến Đà Nẵng, xe chở anh A va chạm với một xe con làm máy ảnh trị giá 20 triệu của anh A bị hư hỏng nặng và không thể sửa chữa. Khi đó Công ty Minh Minh và Công ty An An sẽ chi trả bảo hiểm cho anh A dựa trên tỷ lệ số tiền bảo hiểm đã thỏa thuận lần lượt là 01 triệu/03 triệu (hay 1:3). Như vậy anh A sẽ nhận 05 triệu từ công ty Minh Minh, và 15 triệu từ An An.

Còn đối với các loại bảo hiểm con người[17], nguyên tắc bảo hiểm trùng sẽ không được áp dụng, điều này có nghĩa là người bị tai nạn có thể hưởng trọn vẹn tất cả số tiền bảo hiểm từ tất cả các hợp đồng bảo hiểm con người đã giao kết. Nếu hai bên không có thỏa thuận khác, ngoài việc chỉ cần đóng phí một lần với mức phí thỏa thuận (trong khi BHXH, BHYT, BHTN của người lao động Việt Nam được đóng định kì, với mức đóng 8% cho BHXH[18], 1.5% cho BHYT[19], 1% cho BHTN[20], tổng cộng là 10.5% tiền lương tháng) thì số tiền bảo hiểm từ Bảo hiểm du lịch lại còn không bị giới hạn bởi pháp luật[21] do đó người mua bảo hiểm sẽ được hưởng lợi (tiền bảo hiểm) nhiều hơn so với các loại bảo hiểm bắt buộc khác.

3.2. Nhược điểm

Document

Các quy định đối với loại bảo hiểm này như con dao hai lưỡi, một mặt cho các bên tự do thỏa hiệp, một mặt lại tạo ra cơ hội béo bở cho các gian thương thừa nước đục thả câu. Thông thường các điều khoản về Bảo hiểm du lịch sẽ luôn (vì bắt buộc) được đề cập trong hợp đồng lữ hành. Tuy nhiên nếu không đọc kỹ, khách hàng dễ rơi vào bất lợi bởi các điều khoản bảo hiểm vô cùng thiệt thòi được khéo léo cài cắm bởi các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Trên đây là tư vấn của Luật Nghiệp Thành về Bảo hiểm du lịch?

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Huỳnh Thái Sơn.

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

 

[1] Kinh doanh dịch vụ lữ hành là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch. Điều 3.9 Luật Du lịch 2017.

[2] Điều 35.4, Điều 45.2, Điều 50.2.b, Điều 52.3.d, Điều 58.3, và Điều 60.4 Luật Du lịch 2005.

[3] Bên mua bảo hiểm là tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm và đóng phí bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm có thể đồng thời là người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng. Điều 3.6 Luật Du lịch 2017.

[4] Nói đúng hơn là doanh nghiệp bảo hiểm, là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan để kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm. Điều 3.5 Luật Du lịch 2017.

[5] Người thụ hưởng là tổ chức, cá nhân được bên mua bảo hiểm chỉ định để nhận tiền bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm con người. Điều 3.8 Luật Du lịch 2017.

[6] Sự kiện bảo hiểm là sự kiện khách quan do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định mà khi sự kiện đó xảy ra thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm. Điều 3.10 Luật Du lịch 2017.

[7] Điều 37.1.đ Luật Du lịch 2017.

[8] Luật Bảo hiểm Xã hội 2014.

[9] Luật Bảo hiểm Y tế 2008 (sửa đổi bổ sung 2014).

[10] Luật an toàn, vệ sinh lao động 2016, Nghị định 37/2016/NĐ-CP.

[11] Xem Điều 8 Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi bổ sung 2013).

[12] Xem Điều 2.4 Luật Bảo hiểm Xã hội 2014.

[13] Điều 37.1 Luật Du lịch 2017.

[14] Điều 7.9 Nghị định 45/2019/NĐ-CP.

[15] Điều 8.1 Luật Kinh doanh Bảo hiểm 2000 (sửa đổi bổ sung 2013).

[16] Điều 44.1 Luật Kinh doanh Bảo hiểm 2000 (sửa đổi bổ sung 2013).

[17] Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm con người là tuổi thọ, tính mạng, sức khỏe và tai nạn con người. Xem Điều 31.1 Luật Kinh doanh Bảo hiểm 2000 (sửa đổi bổ sung 2013).

[18] Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

[19] Điều 13 Luật Bảo hiểm Y tế 2008 (sửa đổi bổ sung 2014), Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.

[20] Điều 57 Luật Việc làm 2013.

[21] Xem Điều 8.1, Điều 33 Luật Kinh doanh Bảo hiểm 2000 (sửa đổi bổ sung 2013).

 

 

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!
Categories: Cá Nhân

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*