Hỏi:
Công ty tôi thành lập tháng 8/2016, có trụ sở chính tại Quận 8, chuyên kinh doanh các loại vải. Vì muốn mở rộng kinh doanh, tháng 3/2018, công ty tôi thử thuê nhiều mặt bằng tại địa bàn Huyện Bình Chánh và Quận 5 trong thời gian 6 tháng. Những mặt bằng này không đăng ký kinh doanh với cơ quan nhà nước, sau một thời gian, nếu nơi nào kinh doanh tốt, công ty tôi sẽ tiến hành xin giấy phép. Luật sư tư vấn giúp tôi nên làm gì trong trường hợp này? Tôi xin chân thành cám ơn!
Trả lời:
Chào bạn! Dựa trên thông tin mà bạn cung cấp, Luật Nghiệp Thành tư vấn như sau:
Các mặt bằng kinh doanh vải tại Huyện Bình Chánh và Quận 5 không nằm cùng trụ sở công ty ở Quận 8 nên nó là bộ phận kinh doanh trực thuộc công ty, cần phải có giấy phép để cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyển kiểm tra thì xuất trình.
Doanh nghiệp có 3 đơn vị phụ thuộc là: chi nhánh (gọi tắt CN), văn phòng đại diện (gọi tắt VPĐD), địa điểm kinh doanh ( gọi tắt ĐĐKD). [1]
Trong đó VPĐD không có chức năng KD nên loại trừ. [2]
Chi nhánh và ĐĐKD đều có chức năng kinh doanh nhưng CN quy mô lớn hơn ĐĐKD; CN có thể có các phòng ban và có thể có quy mô như 1 DN.
Chi nhánh gồm chi nhánh hạch toán độc lập và chi nhánh hạch toán phụ thuộc. Công ty bạn có thể đặt một hoặc nhiều chi nhánh không chỉ tại các quận huyện khác nhau ở Thành phố Hồ Chí Minh mà còn tại các tỉnh khác. [3]
Nếu như quy định trước, công ty bạn chọn ĐĐKD thì chỉ được lập địa điểm kinh doanh tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi công ty đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh [4]. Tuy nhiên đến nay ĐĐKD có thể đưiọc đặt khác nơi có địa chỉ trụ sở hoặc chi nhánh.
Do đó loại hình giấy phép của những cửa hàng kinh doanh vải này có thể là chi nhánh hoặc địa điểm kinh doanh đều được.
Trong quá trình chi nhánh hoặc địa điểm kinh doanh hoạt động, nếu phát sinh số thuế phải nộp, phải tiến hành kê khai thuế. Nếu chi nhánh hạch toán độc lập sẽ kê khai tại chi cục thuế nơi chi nhánh đó đặt trụ sở. Nếu chi nhánh hạch toán phụ thuộc hoặc địa điểm kinh doanh thì kê khai thuế chung với hoạt động của công ty, sử dụng hóa đơn của công ty phát hành.
Nếu các mặt bằng kinh doanh của công ty bạn có phát sinh doanh thu mà không thực hiện việc kê khai thuế, thì phải nhanh chóng kê khai và nộp thuế bổ sung. Nếu cơ quan nhà nước kiểm tra phát hiện phát hiện, sẽ bị truy thu thuế và phạt vi phạm hành chính về việc hoạt động không có giấy phép và phạt hành vi không kê khai thuế. Trong trường hợp có bằng chứng đó là hành vi cố tình trốn thuế, thì có thể sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự. [5]
Như vậy các mặt bằng kinh doanh vải của công ty bạn phải có giấy phép hoạt động chi nhánh hoặc địa điểm kinh doanh.
Trên đây là nội dung tư vần của Luật Nghiệp Thành về việc bán hàng không đăng ký kinh doanh.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Thị Mỹ Thắm
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận
[1] Điều 45 Luật doanh nghiệp năm 2014.
[2] Điều 45.2 Luật doanh nghiệp 2014.
[3] Điều 46.1 Luật Doanh nghiệp 2014.
[4] Điều 33.2 Nghị định 78/2015/NĐ-CP.
[5] Điều 200 Bộ luật hình sự 2015, SĐBS 2017.