Xử phạt vi phạm quy định tham gia lễ hội

Xử phạt vi phạm quy định tham gia lễ hội

Xử phạt vi phạm quy định tham gia lễ hội

Lễ hội là một nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của dân tộc ta, đáp ứng nhu cầu về đời sống tâm linh của người dân và tạo nên sự kết nối với cộng đồng. Tuy nhiên gần đây, lễ hội xuất hiện ngày càng nhiều có đến gần 8000 lễ hội trong một năm[1]. Đi cùng với sự bùng nổ đó thì không ít lễ hội đã bị biến tướng, trục lợi từ ban tổ chức đến người tham gia làm mất đi bản chất văn hóa truyền thống của lễ hội và có thể dẫn đến nhiều hệ lụy cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Để hạn chế tình trạng trên thì phần lớn người tham gia lễ hội phải tuân theo quy định cụ thể và bị xử phạt nếu vi phạm. Vậy các điều kiện tham gia lễ hội là gì và xử phạt ra sao thì sau đây, mời bạn đọc cùng Luật Nghiệp Thành tìm hiểu nhé!

 

Để không làm biến tướng bản chất của lễ hội thì trách nhiệm của người tham gia là yếu tố vô cùng quan trọng. Quy mô của các lễ hội ngày nay lớn hơn trước rất nhiều, có lễ hội thu hút hàng triệu lượt người. Do đó, mỗi người tham gia cần phải có ý thức văn minh để lễ hội diễn ra an toàn, không gây thiệt hại cho môi trường và quan trọng nhất là lan tỏa những nét văn hóa, các giá trị tinh thần đến người tham gia.

  1. Trách nhiệm của người tham gia:[2]

– Chấp hành nghiêm các quy định thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.

Thường thấy nhiều lễ hội có quy mô lớn nên việc đi lại thường gặp nhiều khó khăn, xảy ra ùn tắc giao thông, đòi hỏi mỗi người phải nêu cao ý thức văn hóa giao thông, nhường nhịn nhau với thái độ văn minh lịch sự, sẵn sàng giúp đỡ người già, phụ nữ, trẻ em, những người bị tai nạn. Như vậy mới thể hiện việc thực hiện nếp sống văn minh.

– Ứng xử có văn hóa trong hoạt động lễ hội; trang phục lịch sự; không nói tục, chửi thề xúc phạm tâm linh, gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội.

Đã đến với lễ hội thì trong lòng mỗi người luôn có sự thành kính đối với thánh thần, các vị anh hùng dân tộc, những người có công với dân, với nước để từ đó có niềm tin, có sức mạnh tinh thần trong cuộc sống. Hơn nữa, các nghi lễ đều thể hiện sự tôn kính, trang nghiêm nên khi đến lễ hội, người tham gia phải ứng xử phù hợp.

– Thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định. Đây là hoạt động được người tham gia ưa chuộng khi đến với các lễ hội vì nó đơn giản nhưng vẫn thể hiện được sự thành kính. Tuy nhiên, việc thắp hương và đốt vàng mã thường tiềm ẩn những rủi ro hỏa hoạn nên phải được thực hiện đúng nơi, đúng chỗ.

–  Không chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự an ninh.

Document

Nhiều lễ hội lớn, người tham gia phải xếp hàng dài mới lên được tới nơi thắp hương, làm lễ. Việc chen lấn xô đẩy thường xảy ra có thể làm nhiều người bị té, ngã, tạo điều kiện cho các hành vi trộm cắp tài sản. Do đó, cần phải tuân theo cách ứng xử văn minh trong lễ hội để đảm bảo an toàn sức khỏe cũng như tài sản của người tham gia.

– Giữ gìn vệ sinh môi trường.

Vấn đề môi trường luôn được quan tâm khi diễn ra lễ hội vì khi tập trung rất nhiều người như vậy thì việc xả rác tại đây cũng tăng cao. Hơn nữa, đốt hương liên tục cũng có thể ảnh hưởng đến không khí xung quanh. Như vậy đòi hỏi người tham gia phải có ý thức bỏ rác đúng nơi quy định, giữ cho môi trường nơi tổ chức lễ hội được sạch, đẹp hơn.

– Không tổ chức hoặc tham gia các hoạt động mê tín, dị đoan, cờ bạc; không thực hiện việc đổi tiền có chênh lệch giá trong khu vực di tích, lễ hội. Đây là những hoạt động vi phạm pháp luật cần phải được loại bỏ ở nơi trang nghiêm này.

– Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động còn phải thực hiện thêm các quy định sau: không đi lễ hội trong giờ hành chính; không dùng xe công và các phương tiện tham gia lễ hội (trừ trường hợp thuộc thành phần tham gia tổ chức lễ hội hoặc được giao thực thi nhiệm vụ). Đối với cán bộ, công chức, viên chức thì quy định này nhằm làm gương cho người dân trong việc thực hiện tốt công việc nhà nước trước rồi mới việc vui chơi, giải trí. Với người lao động thì quy định nhằm đảm bảo hoàn thành các công việc sản xuất, kinh doanh trước.

Trên thực tế vẫn thường thấy, người tham gia vi phạm các quy định này rất nhiều. Có khá nhiều người mặc trang phục phản cảm, hở hang, váy ngắn để đến dự lễ hội. Bên cạnh đó, nạn mất cắp, lừa đảo vẫn xảy ra thường xuyên vì ở đây quá đông đúc, người đi lại chen lấn, đụng nhau nên không thể biết bị mất đồ lúc nào. Tiếp đó sau một ngày lễ hội, người ta phải thu gom hàng tấn rác, trong khi có những người cặm cụi đi nhặt rác lại không ít người thản nhiên xả rác khắp mọi nơi, với đủ thứ vỏ hộp bia, lá bánh, túi ni-lông, giấy lộn…. Ở các hội có các trò diễn, tranh tài, giành lộc, như hội đền Sóc và hội Gióng ở Sóc Sơn và Gia Lâm thường diễn ra tình trạng tranh giành quá đà, mang tính bạo lực khiến dư luận xã hội bức xúc. Hơn nữa, tổ chức cờ bạc cũng phổ biến nhưng ẩn mình dưới các hình thức chơi “bầu, cua, tôm, cá,…”; chọi gà,.. nhưng lại thu hút rất nhiều người tham gia.

  1. Quy định xử phạt vi phạm

Các vi phạm về việc tham gia lễ hội sẽ bị phạt tiền. Tuy theo từng hành vi vi phạm sẽ có mức phạt khác nhau.

– Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 – 500.000 đồng nếu vi phạm:[3]

+ Thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng nơi quy định;

+ Nói tục, chửi thề, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm của lễ hội;

+ Mặc trang phục không lịch sự hoặc không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam.

– Phạt tiền từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng nếu tham gia hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội.[4]

– Phạt tiền từ 500.000 – 5.000.000 đồng nếu vứt tàn thuốc lá, đi vệ sinh cá nhân, thải rác thải sinh hoạt không đúng quy định.[5]

 

Trên đây là nội dung tư vấn về: “Xử phạt vi phạm quy định tham gia lễ hội”.

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, chia sẻ, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Nguyễn Khánh Như

Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi

Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận

 

[1] Thống kê của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch

[2] Điều 6.2 Nghị định 110/2018/NĐ-CP

[3] Điều 14.1 Nghị định 38/2021/NĐ-CP

[4] Điều 14.4.b Nghị định 38/2021/NĐ-CP

[5] Điều 20.1 Nghị đinh 155/2016/NĐ-CP

Document
Categories: Cộng Đồng
Tags: tag

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*