Xử phạt vi phạm kinh doanh karaoke
Kinh doanh karaoke đang là dịch vụ khá phổ biến hiện nay phục vụ cho nhu cầu giải trí của người dân. Tuy nhiên theo phản ánh của người dân, có nhiều cơ sở kinh doanh hoạt động rất khuya, gây tiếng ồn làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Bên cạnh đó, gần đây cũng nổi lên hiện tượng hát karaoke tự phát ở lề đường, các quán nhậu làm ảnh hưởng không kém. Vậy các hành vi trên có vi phạm quy định kinh doanh dịch vụ karaoke hay không và nếu vi phạm sẽ bị xử phạt như thế nào?
Cùng Luật Nghiệp Thành tìm hiểu rõ hơn về nội dung trên nhé.
1.Điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke[1]
Kinh doanh karaoke là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Người kinh doanh sau khi được cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh và đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định mới được hoạt động.
– Người kinh doanh là doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh.
– Bảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ và an ninh, trật tự theo quy định vì trong quá trình hoạt động này có nhiều yếu tố liên quan đến an ninh, trật tự dễ bị lợi dụng để hoạt động phạm tội như là sử dụng ma túy,…
– Phòng hát phải có diện tích sử dụng từ 20 m2 trở lên, không kể công trình phụ.
– Không được đặt chốt cửa bên trong phòng hát hoặc đặt thiết bị báo động (trừ các thiết bị báo cháy nổ).
Đây là những điều kiện tiên quyết nhằm bảo đảm an ninh, trật tự xã hội; tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và tài sản của người tham gia hoạt động karaoke tránh các tình trạng lợi dụng hoạt động này làm phát sinh các tệ nạn xã hội, tội phạm.
2.Trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke[2]
Cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke thực hiện những hoạt động sau:
– Chỉ được sử dụng các bài hát được phép phổ biến, lưu hành; bảo đảm hình ảnh phù hợp lời bài hát thể hiện trên màn hình và văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.
– Cung cấp trang phục, biển tên cho người lao động, chấp hành pháp luật về lao động.
– Bảo đảm đủ điều kiện cách âm và âm thanh thoát ra ngoài phòng hát hoặc phòng vũ trường phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn vì tiếng ồn vượt quá mức quy định từ 2dbA trở lên sẽ ảnh hưởng đến người dân xung quanh và bị xử phạt.
– Tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm; bản quyền tác giả; hợp đồng lao động; an toàn lao động; bảo hiểm; phòng, chống tệ nạn xã hội.
– Tuân thủ quy định về kinh doanh rượu và về phòng, chống tác hại của thuốc lá vì người tham gia karaoke thường sử dụng rượu, bia, thuốc lá nên cần quản lí chặt chẽ.
– Không được hoạt động từ 0 giờ sáng đến 08 giờ sáng để đảm bảo không gây tiếng ồn trong giờ nghỉ ngơi của người dân và để dễ kiểm soát các vấn đề về an ninh trật tự.
Vậy karaoke tự phát ở các quán nhậu có phải là kinh doanh dịch vụ karaoke không, có vi phạm quy định pháp luật không?
Dựa vào các điều kiện trên thì karaoke tự phát ở các quán nhậu không phải là kinh doanh dịch vụ karaoke theo pháp luật. Vì những người này là cá nhân, không phải hộ gia đình hay doanh nghiệp và họ không có cơ sở kinh doanh cố định.
Tuy không phải là kinh doanh dịch vụ karaoke nhưng việc hát karaoke gây ồn ào làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân sẽ bị xử phạt hành chính vi phạm đảm bảo sự yên tĩnh chung; vi phạm vì gây ô nhiễm tiếng ồn.
– Đối với vi phạm về bảo đảm sự yên tĩnh chung[3]: phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng nếu làm ồn ào ở khu dân cư, nơi công cộng từ 22 giờ đến 06 sáng hôm sau.
– Đối với hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn: Tùy theo mức độ tiếng ồn sẽ có mức xử phạt cụ thể, phạt tiền tối thiểu 1.000.000 đồng, tối đa 160.000.000 đồng và có thể bị đình chỉ hoạt động từ 3 tháng đến 12 tháng.
Bạn đọc tham khảo các mức phạt tại bài viết Xử phạt hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn
3.Xử phạt vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke
Vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke sẽ bị phạt tiền và có thể bị xử phạt bổ sung, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả tùy theo từng hành vi.[4]
Hành vi | Phạt tiền | |
1 | Không mặc trang phục, đeo biển tên do người sử dụng lao động cung cấp. | 200.000 – 500.000 đồng
|
2 | Không cung cấp trang phục, biển tên cho người lao động. | 500.000 – 1.000.000 đồng |
3 | Không nộp giấy phép kinh doanh khi có quyết định thu hồi. | 1.000.000 – 5.000.000 đồng |
4 | Kê khai không trung thực trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh. | 5.000.000 – 10.000.000 đồng |
5 | a. Kinh doanh ngoài khoảng thời gian từ 8 giờ đến 24 giờ mỗi ngày; b. Sửa chữa, tẩy xóa hoặc bổ sung làm thay đổi nội dung giấy phép đủ điều kiện kinh doanh. | 10.000.000 – 15.000.000 đồng |
6 | a. Không bảo đảm đủ diện tích 20m2/phòng b. Đặt chốt cửa bên trong phòng hát c. Đặt thiết bị báo động, trừ các thiết bị báo cháy nổ d. Không bảo đảm hình ảnh phù hợp với lời bài hát thể hiện trên màn hình hoặc với văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam trong phòng hát e. Không điều chỉnh giấy phép kinh doanh trong trường hợp thay đổi về số lượng phòng hoặc thay đổi chủ sở hữu | 15.000.000 – 20.000.000 đồng |
7 | a. Kinh doanh không có giấy phép theo quy định. b. Sử dụng giấy phép đủ của tổ chức, cá nhân khác để kinh doanh; c. Cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép để kinh doanh. | 20.000.000 – 25.000.000 đồng |
Xử phạt bổ sung:
– Tước quyền sử dụng giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke từ 18 tháng đến 24 tháng nếu vi phạm mục 7.c
– Tịch thu tang vật nếu vi phạm mục 5.b
Biện pháp khắc phục hậu quả:
– Buộc thu hồi giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke nếu vi phạm mục 4.
– Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được nếu vi phạm mục 5.b, 6.e và 7.
Trên đây là nội dung tư vấn về: “Xử phạt vi phạm kinh doanh dịch vụ karaoke”.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, chia sẻ, góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Khánh Như
Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1] Điều 3, Điều 4 Nghị định 54/2019/NĐ-CP
[2] Điều 6, Điều 7 Nghị định 54/2019/NĐ-CP
[3] Điều 6 Nghị định 167/2013/NĐ-CP
[4] Điều 15 Nghị định 38/2021/ NĐ-CP