Xử phạt hành vi vi phạm liên quan bệnh truyền nhiễm
Xử phạt hành vi vi phạm liên quan bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch
Gần dây, Việt Nam và các nước trên thế giới đang đứng trước đại dịch Vũ Hán nCoV hay còn gọi là đại dịch Covid-19. Nguồn của dịch xuất phát từ thành phố Vũ Hán vào cuối tháng 12 năm 2019 đến nay vẫn chưa được dập tắt. Bệnh dịch COVID-19 hiện nay đã trở thành một thách thức lớn đối với sức khỏe cộng đồng bởi mức độ truyền nhiễm diễn ra một cách nhanh chóng và gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe người bị lây nhiễm. Đây được xem như là một loại bệnh truyền nhiễm
Ngày 29/1/2020, lãnh đạo Bộ Y tế đã ký và ban hành Quyết định số 219/QĐ-BYT về việc Bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra vào Danh mục những bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (2007).
Nói về bệnh truyền nhiễm thì bệnh này là một dạng bệnh rất phổ biến được biết đến như là loại bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm[1]. Nguyên nhân gây ra bệnh truyền nhiễm là do vi sinh vật (như vi khuẩn, virus, nấm hay ký sinh trùng) gây ra, bệnh có khả năng lây truyền trong cộng đồng bằng nhiều đường khác nhau và có thể trở thành vùng dịch với số người mắc nhiều.
Do mức độ lây truyền của bệnh truyền nhiễm và tác hại đến sức khỏe của người bị lây bệnh mà pháp luật đưa ra những quy định về áp dụng biện pháp chống dịch. Trong đó, hành vi che dấu tình trạng bệnh khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử phạt.
Trong bài viết này, Luật Nghiệp Thành sẽ tư vấn bạn đọc về mức xử lý đối với hành vi vi phạm trên.
Xử phạt vi phạm
Đối với hành vi che dấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch đối tượng vi phạm có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng[2]. Người mắc bệnh truyền nhiễm không tham gia chống dịch theo quyết định huy động của Ban Chỉ đạo chống dịch cũng chịu mức phạt trên[3].
Bên cạnh đó, việc người mắc bệnh truyền nhiễm từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu chịu mức phạt tiền từ 15.000.000 – 20.000.000 đồng. Bị buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với hành vi quy định[4].
Ngoài ra, trong cơ sở khám, chữa bệnh người mắc bệnh truyền nhiễm nếu không khai báo (1) hoặc khai báo không trung thực diễn biến bệnh truyền nhiễm của bản thân với thầy thuốc, nhân viên y tế hoặc không thông báo thông tin liên quan đến người mắc bệnh truyền nhiễm được khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở của mình cho cơ quan y tế dự phòng cùng cấp (2) thì mức xử phạt lần lượt như sau:
- Đối với hành vi (1) phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng[5].
- Đối với hành vi (2) phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng[6].
Bên cạnh mức xử phạt hành vi vi phạm (1) và (2) còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc thực hiện biện pháp vệ sinh, khử trùng, tẩy uế và biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm khác đối với hành vi vi phạm quy định[7].
13 hành vi và mức phạt vi phạm quy định phòng chống COVID-19[8]
Trước đại dịch Covid-19 đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ ở Việt Nam và các nước trên thế giới. Để hạn chế sự lây truyền của dịch bệnh, Sở Tư pháp Hà Nội đã công bố mức phạt đối với 13 hành vi vi phạm quy định phòng chống dịch COVID-19, trong đó mức phạt cao nhất lên đến 20 triệu đồng và có thể bị xử lý hình sự. Trong đó, người có hành vi che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh COVID-19 bị phạt tiền tối đa đến 2.000.000 đồng.
Cụ thể 13 hành vi hành vi 13 hành vi vi phạm quy định phòng chống dịch COVID-19 và mức phạt như sau:
- Người không đeo khẩu trang nơi công cộng bị phạt tiền tối đa đến 300.000 đồng.
- Người vứt khẩu trang đã sử dụng không đúng nơi quy định tại nơi công cộng bị phạt tiền tối đa đến 5.000.000 đồng, nếu vứt ra vỉa hè, đường phố bị phạt tối đa đến 7.000.000 đồng.
- Người che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh COVID-19 bị phạt tiền tối đa đến 2.000.000 đồng
- Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền dịch bệnh tại vùng có dịch thì bị phạt tiền tối đa đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, 20.000.000 đồng đối với tổ chức.
- Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng, chống dịch COVID-19 thì bị phạt tiền tối đa đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, 20.000.000 đồng đối với tổ chức.
- Người không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch bị phạt tiền tối đa đến 20.000.000 đồng.
- Người nào trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly để phòng, chống dịch COVID-19 có thể bị xử phạt hành chính tối đa đến 10 triệu đồng hoặc bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự trong trường hợp gây truyền dịch bệnh cho người khác.
- Hành vi trốn khỏi nơi cách ly, không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly mà làm gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thì bị xử lý theo Điều 295 Bộ luật Hình sự.
- Người nào khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây lây truyền dịch bệnh COVID-19 cho người khác bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự.
- Người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh COVID-19 có thể bị phạt tiền tối đa đến 15 triệu đồng hoặc bị xử lý theo Điều 288 Bộ luật Hình sự.
- Người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thì bị xử lý theo Điều 330 Bộ luật Hình sự.
- Chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như quán ba, vũ trường, karaoke, dịch vụ mát xa, cơ sở thẩm mỹ…) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng chống dịch bệnh COVID-19, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý theo điều 295 Bộ luật Hình sự.
- Người có hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh COVID-19 để mua vét hàng hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì bị xử lý theo quy định tại điều 196 Bộ luật Hình sự.
Trên đây là tư vấn của Luật Nghiệp Thành về “Xử phạt hành vi vi phạm liên quan bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Lê Thị Tú Anh.
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.
[1] Điều 2.1 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007.
[2] Điều 12.2.a Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
[3] Điều 12.2.c Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
[4] Diều 11.2.b, 11.3 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
[5] Điều 10.1a Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
[6] Điều 10.2.a Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
[7] Điều 10.5 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
[8] Theo văn bản số 925/STP-PBGDPL của Sở Tư pháp Hà Nội.