Xử phạt gian lận giới tính trong thi đấu thể thao
Xử phạt gian lận giới tính trong thi đấu thể thao
Vấn đề thi đấu thể thao, chắc hẳn chúng ta không còn quá lạ lẫm mỗi khi nghe báo chí, truyền thông nhắc đến hành vi gian lận họ tên, tuổi tác, cân nặng và giới tính nhằm đạt được thành tích cao trong thi đấu. Nếu như nói giới tính là một khái niệm, mà trong đó một bên là nam, một bên là nữ. Thì, ở giữa hai thái cực đó lại là cả một “khoảng không” rộng lớn với vô số những giới tính trung gian. Một việc tưởng như đơn giản, hiển nhiên chỉ cần kẻ một đường phân chia giới tính thành hai. Tuy nhiên, giới tính lại không chia hết cho hai. Do đó, việc xác định giới tính thực sự của vận động viên thể thao là không hề dễ dàng.
Trên thực tế, đã xảy ra rất nhiều tranh cãi về những trường hợp vận động viên nhận được thành tích cao nhưng bị nghi ngờ về vấn đề giới tính. Gần đây nhất phải kể đến trận chung kết bóng đá nữ giữa U22 Thái Lan và U22 Việt Nam tại SEAGAME 30. Cầu thủ nữ khoác áo số 11 của đội bạn, Kanjana Sungngoen, đã khiến cư dân mạng dậy sóng xôn xao vì ngoại hình có phần nam tính của mình.
Thông thường nam giới có sức khỏe tốt, thể lực cao, sức bền và độ dẻo dai nhỉnh hơn nhiều so với nữ giới. Cho nên, trên thực tế, nhiều người đã đi chuyển giới để sở hữu ngoại hình của phụ nữ nhằm tận dụng được những lợi thế nêu trên. Vấn đề gian lận giới tính diễn ra nhiều trong các giải đấu điền kinh, cử tạ, bóng đá và cả bóng chuyền.
Một số trường hợp gian lận giới tính điển hình trên thế giới
Sau thế vận hội tại Berlin (Đức) vào năm 1936, vận động viên điền kinh người Ba Lan, Stella Walsh đã được xác định là đàn ông khi các bác sĩ tiến hành khám nghiệm tử thi, sau khi vận động viên này bị giết tại Mỹ bởi một vụ cướp. Theo đó, người này có nhiễm sắc thể của cả nam lẫn nữ và có bộ phận sinh dục của nam.
Tại cuộc thi điền kinh thế giới 2009, cũng tại Berlin (Đức), vận động viên 19 tuổi, Caster Semenya, người Nam Phi cũng bị đặt ra nghi vấn là đàn ông, sau khi người này về đích đầu tiên trong cuộc đua. Kết quả xét nghiệm sau đó cho thấy, Caster Semenya là người lưỡng tính (mang cả giới tính nam và giới tính nữ), có hàm lượng testosterone cao gấp 3 lần so với phụ nữ bình thường. Cho nên, Caster hiển nhiên có lợi thế hơn về mặt thể lực so với các đối thủ khác.
Tại Việt Nam: Thể thao Việt Nam đã phát hiện ra tổng cộng 5 trường hợp vận động viên nam đăng ký sinh hoạt, tập luyện với các vận động viên nữ và thi đấu, giành thành tích ở những nội dung thi đấu của nữ.
Các chế tài của pháp luật Việt Nam đối với trường hợp gian lận giới tính trong thể thao
Đối với các hành vi gian lận về giới tính để được tuyển chọn vào đội tuyển thể thao, trường năng khiếu thể dục, thể thao hoặc để được tham gia thi đấu thể thao thì sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng[1]. Đồng thời, sẽ bị đình chỉ thi đấu từ 1 tháng đến 3 tháng[2] và buộc hủy bỏ kết quả thi đấu thể thao, kết quả tuyển chọn vào đội tuyển, trường năng khiếu, thành tích thi đấu thể thao[3].
Đối với cá nhân hoặc tổ chức có hành vi bao che, dụ dỗ, ép buộc người khác gian lận về giới tính trong hoạt động, thi đấu thể thao sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng[4].
Đấu trường thể thao là nơi mà giới tính nhất định phải được chia rạch ròi làm hai, đó là nam và nữ. Thể thao chú trọng việc phân chia giới tính của vận động viên không phải để tuân theo một quy tắc cứng nhắc, vô giá trị nào đó. Mà là bởi vì, cơ thể nam giới thường sản sinh ra một lượng nội tiết tố nam (điển hình là testosterone) lớn hơn so với cơ thể nữ giới. Chất này tham gia vào quá trình hình thành cơ và xương. Đây có lẽ là lý do chính yếu làm nên sự “vai u, thịt bắp” của nam giới. Cho nên, việc gian lận, tận dụng lợi thế của hormone nam giới trong thi đấu thể thao sẽ làm mất đi sự công bằng cho những người cùng thi đấu, đặc biệt là các giải đấu dành cho phụ nữ.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Nghiệp Thành về vấn đề “Xử phạt gian lận với tính trong thi đấu thể dục, thể thao”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Võ Thị Minh Thương.
Người hướng dẫn: Luật sư Thuận
[1] Khoản 1, Điều 8, Nghị định 46/2019
[2] Điểm a, khoản 4, Điều 8 Nghị định 46/2019
[3] Điểm a, khoản 5, Điều 8 Nghị định 46/2019
[4] Khoản 2, Điều 8, Nghị định 46/2019