Xử phạt các cá nhân gửi tin nhắn, điện thoại, mail quảng cáo rác
Xử phạt các cá nhân gửi tin nhắn, điện thoại, mail quảng cáo rác
Tin nhắn, cuộc gọi, mail quảng cáo rác dường như đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người. Bởi vì chỉ cần người quảng cáo có danh sách thông tin số điện thoại thì đã có thể dễ dàng quảng cáo nhiều loại hình dịch vụ, sản phẩm tới vô số khách hàng. Mặc dù, người quảng cáo có mong muốn quảng bá và giới thiệu sản phẩm của mình tới mọi người, nhưng cách tiếp cận khách hàng bằng các tin quảng cáo dày đặc đã gây mất không ít thiện cảm, thậm chí là phiền toái với người dùng. Với quy định mới về chống tin nhắn, thư, cuộc gọi rác có nêu ra những trách nhiệm và nguyên tắc cần các cá nhân quảng cáo thực hiện. Ngoài ra, còn có bổ sung nhiều hành vi sẽ bị phạt tiền. Chính vì thế, Luật Nghiệp Thành sẽ tư vấn bạn đọc nội dung trên.
- Trách nhiệm và các nguyên tắc gửi tin quảng cáo[1]
Thứ nhất, kiểm tra danh sách không quảng cáo (DoNotCall)
Danh sách không quảng cáo là tập hợp những số điện thoại mà người sử dụng số điện thoại đã đăng ký là không nhận bất kỳ một tin nhắn đăng ký quảng cáo, tin nhắn và cuộc gọi quảng cáo. Điều đó có nghĩa là các cá nhân quảng cáo không được phép gửi tin hay bất cứ cuộc gọi quảng cáo nào đến các số điện thoại nằm trong danh sách này.
Thứ hai, chỉ được phép gửi các tin quảng cáo khi được sự đồng ý trước của người sử dụng qua các cách:
– Qua tin nhắn đăng ký quảng cáo[2] đầu tiên và chỉ được gửi một tin.
– Qua việc người sử dụng khai báo và có xác nhận vào mẫu đăng ký để nhận quảng cáo trước đó hoặc đã đăng ký trực tiếp trên các phương tiện như: giấy in, các trang web, ứng dụng, mạng xã hội của người quảng cáo.
– Người dùng đã chủ động gọi điện thoại hoặc nhắn tin để đăng ký nhận quảng cáo.
Thứ ba, phải tạo công cụ tra cứu hoặc lưu trữ các thỏa thuận bao gồm việc đăng ký, từ chối nhận quảng cáo trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội của người quảng cáo.
Thứ tư, chịu trách nhiệm và có các biện pháp kiểm tra về sự đồng ý nhận quảng cáo của người dùng.
Thứ năm, phải tạo điều kiện thuận lợi giúp người dùng từ chối nhận các tin quảng cáo.
Cụ thể như:[3]
– Đặt ở cuối tin nhắn, mail quảng cáo rõ ràng về việc từ chối.
– Với người dùng đã có đăng ký nhận quảng cáo trước kia thì phải có phần hướng dẫn cụ thể cách từ chối.
– Phải có kèm theo sự khẳng định là người dùng có quyền từ chối người quảng cáo.
– Với cuộc gọi quảng cáo thì phải có giới thiệu ban đầu về người gọi như tên, địa chỉ. Nếu là quảng cáo cho các dịch vụ có thu cước phải nêu rõ thông tin về giá cước.
– Và sau khi người dùng đã từ chối nhận quảng cáo thì phải gửi ngay thông tin xác nhận đã nhận được yêu cầu và lập tức chấm dứt ngay bất cứ hành vi quảng cáo nào khác.
Thứ sáu, dù đã được sự đồng ý của người dùng nhưng người quảng cáo vẫn phải chú ý về giới hạn quảng cáo tới một số điện thoại là 03 tin/ngày, 03 mail/ngày, 01 cuộc gọi/ngày.
Thời gian gửi tin phải từ 07 – 22h/ngày, gọi điện thoại từ 08 – 17h/ngày.
Chỉ ngoại lệ nếu đã có thỏa thuận trước với người dùng.
Thứ bảy, khi đã được cấp tên định danh thì phải dùng tên định danh, không được sử dụng số điện thoại để gửi tin hay gọi điện quảng cáo.
Tên định danh là tên được dùng trong hoạt động quảng cáo để giúp người nhận tin quảng cáo dễ nhận biết người gửi là ai. Mọi cá nhân, tổ chức đều có quyền đăng ký tên định danh và có số lượng đăng ký tên là không giới hạn.[4]
Việc cấp tên định danh theo quy định mới sẽ chỉ do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp. Theo đó, cá cá nhân, tổ chức có nhu cầu cấp tên định danh phải làm hồ sơ xin cấp tên định danh. Có hai phương thức nộp đó là qua bưu điện và nộp trực tuyến.[5]
- Vậy khi nào gọi là tin nhắn rác, mail rác, cuộc gọi rác?
Thứ nhất, đó là những tin nhắn, mail, cuộc gọi quảng cáo được gửi tới người dùng mà chưa có sự đồng ý của họ.
Thứ hai, những tin nhắn, mail, cuộc gọi đó vi phạm các nội dung bị cấm tại một số Luật có liên quan như:
– Tại Luật Giao dịch điện tử có các hành vi như phát tán các phần mềm làm rối loạn, phá hoại hệ điều hành; giả mạo, sao chép các thông điệp dữ liệu; v.v…[6]
– Luật Công nghệ thông tin, như các hành vi thông qua tin nhắn, mail, cuộc gọi mà quảng cáo, tuyên truyền hàng hóa dịch vụ thuộc danh mục cấm; giả mạo các tổ chức, cá nhân khác; tạo đường dẫn trái phép tên miền của các cá nhân, hợp pháp khác; v.v…[7]
– Luật Viễn thông, có hành vi quảng cáo, mua bán hàng hóa dịch vụ thuộc danh mục cấm; sử dụng trái phép tài nguyên viễn thông của tổ chức, cá nhân khác; v.v…[8]
– Tại Luật Quảng cáo, thực hiện các hành vi bị cấm như quảng cáo những hàng hóa cấm kinh doanh như thuốc lá, rượu, v.v…; quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được sự đồng ý của người đó; v.v…[9]
– Tại Luật An toàn thông tin mạng, có đưa một số hành vi bị cấm như phát tán thư rác, phần mềm độc hại, tạo các thông tin giả mạo lừa đảo người dùng; v.v…[10]
– Luật An ninh mạng cũng có quy định các hành vi bị cấm như thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại kinh tế-xã hội, xâm phạm các quyền lợi ích của người khác; v.v….[11]
Thứ ba, là các tin nhắn, thư và cuộc gọi quảng cáo mà vi phạm các quy định tại mục (1) bài viết.
- Mức phạt
Mức phạt tiền với cá nhân sẽ bằng ½ mức phạt với tổ chức. Vì mức phạt được quy định của tổ chức tối đa là 200 triệu đồng, do đó mức phạt tiền tối đa với cá nhân quảng cáo là 100 triệu đồng.[12]
Cụ thể:
+ Phạt tiền từ 2.5 – 5 triệu đồng khi:[13]
– Gửi tin nhắn, mail, gọi điện mà chưa được người dùng đồng ý.
– Gọi điện thoại quảng cáo đến người dùng đã từ chối cuộc gọi.
– Gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo đến người dùng dù đã nhận được từ chối và không trả lời.
– Gắn nhãn mail, tin nhắn quảng cáo không đúng hoặc không đầy đủ[14].
+ Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng khi:[15]
– Không gắn nhãn mail, tin nhắn quảng cáo.
– Không lưu các thông tin về đăng ký nhận quảng cáo, xác nhận yêu cầu từ chối của người dùng.
+ Phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng nếu:[16]
– Gọi từ 02 cuộc gọi quảng cáo trở lên tới 01 số điện thoại/24h mà không thỏa thuận trước với người dùng.
– Không gọi trong khoảng thời gian từ 08 -17h/ngày mà chưa có thỏa thuận với người dùng.
– Không có các biện pháp là đã kiểm tra sự đồng ý trước của người dùng khi gửi tin, gọi cuộc gọi quảng cáo.
– Không cung cấp cho người dùng các công cụ để tra cứu. Hoặc không lưu trữ các thỏa thuận giữa người dùng trong việc đăng ký quảng cáo, từ chối tin đăng ký và từ chối cuộc gọi quảng cáo trên các trang web, mạng xã hội của mình.
Việc cung cấp trên là nhằm phục vụ việc thanh, kiểm tra và giải quyết các khiếu nại, tố cáo.
+ Phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng nếu:[17]
– Gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo không đúng quy định.[18]
– Gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo tới số điện thoại nằm trong Danh sách không quảng cáo (Donotcall).
– Gửi hoặc phát tán thư rác, tin rác, phần mềm độc hại.
– Tạo cuộc gọi nhỡ để dụ dỗ người dùng và nhằm cung cấp thông tin, quảng cáo.
+ Phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng với hành vi gửi tin nhắn, gọi điện thoại đến số điện thoại nằm trong Danh sách không quảng cáo (Donotcall).[19]
+ Phạt tiền từ 90 – 100 triệu đồng với hành vi không ngăn chặn, thu hồi số thuê bào đã phát tán tin nhắn rác.[20]
Và hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng mã số quản lý, tên định danh từ 01 – 03 tháng đối với một số hành vi như “Không gắn nhãn mail, tin nhắn quảng cáo”; “Không lưu các thông tin về đăng ký nhận quảng cáo, xác nhận yêu cầu từ chối của người dùng” và hành vi “Gửi hoặc phát tán thư rác, tin rác, phần mềm độc hại”.[21]
Trên đây là nội dung tư vấn về “Xử phạt các cá nhân gửi tin nhắn, điện thoại, mail quảng cáo rác”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, rất mong nhận được phản hồi và góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Linh Chi
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận
[1] Điều 11, 13 Nghị định 91/2020
[2] Tin nhắn đăng ký quảng cáo là tin nhắn mà người quảng cáo gửi cho người dùng để người dùng có quyền đồng ý hoặc từ chối việc nhận các tin quảng cáo tiếp theo.
[3] Điều 16, 20, 21 Nghị định 91/2020
[4] Điều 23.1,2 Nghị định 91/2020
[5] Điều 23, 24, 25 Nghị định 91/2020
[6] Điều 9 Luật Giao dịch điện tử
[7] Điều 12 Luật Công nghệ thông tin
[8] Điều 12 Luật Viễn Thông
[9] Điều 8 Luật Quảng cáo
[10] Điều 7 Luật An toàn thông tin mạng
[11] Điều 8 Luật An ninh mạng
[12] Điều 4.3 Nghị định 15/2020
[13] Điều 94.2 Nghị định 15/2020 được bổ sung bởi Điều 32 Nghị định 91/2020
[14] Yêu cầu về gắn nhãn như sau: Mọi tin nhắn quảng cáo đều phải gắn nhãn, phải đặt ở phần đầu tiên nội dung tin nhắn hoặc tại phần chủ đề đối với mail, gắn các nhãn [QC] hoặc [AD] (Điều 15, 18 Nghị định 91/2020)
[15] Điều 94.3 Nghị định 15/2020 được bổ sung bởi Điều 32 Nghị định 91/2020
[16] Điều 94.4 Nghị định 15/2020 được bổ sung bởi Điều 32 Nghị định 91/2020
[17] Điều 94.6 Nghị định 15/2020 được bổ sung bởi Điều 32 Nghị định 91/2020
[18] Gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo phải đầu tiên và duy nhất
[19] Điều 94.7a Nghị định 15/2020 được bổ sung bởi Điều 32 Nghị định 91/2020
[20] Điều 94.8 Nghị định 15/2020 được bổ sung bởi Điều 32 Nghị định 91/2020
[21] Điều 94.9 Nghị định 15/2020 được bổ sung bởi Điều 32 Nghị định 91/2020