Xử lý vi phạm về hoạt động thương mại điện tử
Năm 2020, trước những tác động không nhỏ của đại dịch Covid-19 mà hoạt động thương mại điện tử Việt Nam có nhiều bước tiến mới. Điển hình là các Hệ thống các trang mua sắm trực tuyến, chợ trực tuyến và các dịch vụ bán lẻ trực tuyến khác đang có xu hướng phát triển. Trước những thay đổi trong bối cảnh kinh tế xã hội ngày nay, đòi hỏi pháp luật nước ta cần có những quy định mới, cập nhật bổ sung để điều chỉnh. Đặc biệt để quản lý hoạt động thương mại điện tử một cách chặc chẽ và tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh và bảo vệ người tiêu dùng thì việc đưa ra những chế tài xử lý là cần thiết.
Hiện nay, Chính Phủ đã ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP vừa có hiệu lực vào tháng 10/2020 nghị định này thay thế Nghị định 185/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đối với các hành vi vi phạm về thương mại điện tử. Trong bài viết này sẽ được Luật Nghiệp Thành tư vấn như sau:
- Các nhóm hành vi bị xử lý:
Để lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) hoạt động lành mạnh trên thị trường, đồng thời kịp thời xử phạt hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP đã quy định các mức xử phạt hành vi vi phạm thuộc 4 loại hình thương mại điện tử. Đó là:
- Các hành vi vi phạm về thiết lập website thương mại điện tử hoặc ứng dụng thương mại điện tử trên nền tảng di động (gọi tắt là ứng dụng di động) (1)
- Các hành vi vi phạm về thông tin và giao dịch trên website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động. (2)
- Hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin cá nhân trong hoạt động thương mại điện tử.
- Hành vi phạm về cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
- Hành vi vi phạm về hoạt động đánh giá, giám sát và chứng thực trong thương mại điện tử.
Đối với nhóm hành vi vi phạm (1) (2), bạn đọc có thể tham khảo tại đây: Xử lý vi phạm liên quan đến website thương mại điện tử hoặc ứng dụng thương mại điện tử trên nền tảng di động.
- Hành vi vi phạm về cung cấp dịch vụ thương mại điện tử[1]:
Từ những hành vi vi phạm về TMĐT diễn ra trong bối cảnh ngày nay, Cục Quản lý thị trường TP.Hồ Chí Minh phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã kiên quyết tăng cường kiểm tra và xử phạt hành vi vi phạm. Theo đó các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ điện tử, tập trung chủ yếu là các vi phạm liên quan đến website cung cấp dịch vụ điện tử cũng đang được đẩy mạnh xử lý.
Theo nguồn tin thu thập thì trong năm 2019 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh các cơ quan có thẩm quyền đã xử lý 20 website vi phạm kinh doanh TMĐT, như kinh doanh các sản phẩm nhập lậu, chưa thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định…[2]
Theo nghị định 98/2020 thì các hành vi vi phạm bị xử lý liên quan về cung cấp dịch vụ thương mại điện tử điển hình như:
– Không công bố rõ trên website quy trình tiếp nhận, trách nhiệm xử lý khiếu nại của khách hàng và cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng được giao kết trên website khuyến mại trực tuyến hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử.
– Không hỗ trợ khách hàng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi phát sinh mâu thuẫn với người bán trong giao dịch trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử.
– Tự ý thay đổi, xóa, hủy, sao chép, tiết lộ hoặc di chuyển trái phép thông tin thanh toán của khách hàng trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử,…
– Các hành vi khác theo quy định.
Khung phạt tiền cho hành vi vi phạm này là từ 1.000.000 đồng cho đến 50.000.000 đồng.
- Hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin cá nhân trong hoạt động thương mại điện tử[3]:
Để tồn tại trong nền kinh tế toàn cầu cạnh tranh cao, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT phải tận dụng các công nghệ như kho dữ liệu và khai thác dữ liệu để thu thập thông tin khách hàng, phân tích đặc điểm và hành vi của họ, tạo tiền đề xây dựng mối quan hệ với khách hàng. Do đó, nó tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng nếu như thông tin mà doanh nghiệp thu thập được từ họ không được bảo vệ. Việc bảo vệ thông tin cá nhân trở thành một trong những nội dung quan trọng trong hoạt động thương mại điện tử trong nền kinh tế số hiện nay.
So với nghị định 185/2013 thì những quy định và mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực TMĐT tại Nghị định 98/2020 đã có nhiều sửa đổi và bổ sung mang tính cập nhật cho phù hợp với bối cảnh kinh tế – xã hội hiện nay. Theo đó, các vi phạm liên quan đến bảo vệ thông tin cá nhân trong hoạt động thương mại điện tử từ ngày 15 tháng 10 năm 2020 được xử phạt như sau:
Mức phạt tiền | Hành vi vi phạm |
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng | – Xây dựng chính sách bảo vệ thông tin cá nhân không đúng quy định. -Không hiển thị công khai cho người tiêu dùng chính sách bảo vệ thông tin cá nhân tại vị trí dễ thấy trên website thương mại điện tử. |
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng | – Không hiển thị rõ ràng cho người tiêu dùng chính sách bảo vệ thông tin cá nhân trước hoặc tại thời điểm thu thập thông tin; – Không tiến hành kiểm tra, cập nhật, điều chỉnh, hủy bỏ thông tin cá nhân khi có yêu cầu của chủ thể thông tin. – Và các hành vi khác theo quy định. |
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng | – Không thiết lập cơ chế tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến việc thông tin cá nhân bị sử dụng sai mục đích hoặc phạm vi đã thông báo; – Không xây dựng, ban hành hoặc không thực hiện chính sách đảm bảo an toàn, an ninh cho việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân của người tiêu dùng; – Không công bố trên website chính sách về bảo mật thông tin thanh toán cho khách hàng trên website có chức năng thanh toán trực tuyến. |
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. | – Thu thập thông tin cá nhân của người tiêu dùng mà không được sự đồng ý trước của chủ thể thông tin; – Thiết lập cơ chế mặc định buộc người tiêu dùng phải đồng ý với việc thông tin cá nhân của mình bị chia sẻ, tiết lộ hoặc sử dụng cho mục đích quảng cáo và các mục đích thương mại khác; – Sử dụng thông tin cá nhân của người tiêu dùng không đúng với mục đích và phạm vi đã thông báo. |
- Hành vi vi phạm về hoạt động đánh giá, giám sát và chứng thực trong thương mại điện tử[4]:
Đối với hoạt động đánh giá, giám sát và chứng thực trong thương mại điện tử mức xử phạt hành chính được áp dụng đối với các hành vi vi phạm như:
- Không công bố các quy trình và tiêu chí đánh giá, giám sát và chứng thực trên website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động.
- Không thực hiện đúng quy trình và tiêu chí đánh giá, giám sát và chứng thực như đã công bố.
- Cung cấp dịch vụ đánh giá, giám sát và chứng thực trong thương mại điện tử không đúng với hồ sơ đăng ký hoặc cấp phép.
- Không thực hiện nghĩa vụ thống kê, báo cáo theo quy định.
- Gian dối hoặc cung cấp thông tin giả mạo khi đăng ký hoặc xin cấp phép dịch vụ đánh giá, giám sát và chứng thực trong thương mại điện tử.
- Lợi dụng hoạt động đánh giá, giám sát và chứng thực trong thương mại điện tử để thu lợi bất chính.
- Tiếp tục hoạt động sau khi đã chấm dứt hoặc bị hủy bỏ đăng ký, chấm dứt hoặc bị thu hồi Giấy phép hoạt động đánh giá, giám sát và chứng thực trong thương mại điện tử.
- Các hành vi khác theo quy định.
Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm theo quy định là từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Lưu ý: Mức tiền phạt quy định trên là áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân[5].
Ngoài việc bị phạt tiền, thì tùy nội dung từng hành vi có thể áp dụng tình tiết tăng nặng như:
- Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm quy định.
- Đình chỉ hoạt động thương mại điện tử từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định.
- Tước quyền sử dụng Giấy phép hoạt động đánh giá và chứng nhận chính sách bảo vệ thông tin cá nhân, Giấy phép chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại điện tử từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định.
- Đình chỉ hoạt động đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định.
Hoặc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; buộc thu hồi tên miền “.vn” hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
Chi tiết cụ thể từng hành vi vi phạm và mức phạt tương ứng bạn đọc có thể tham khảo tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP.
- Về truy cứu trách nhiệm hình sự:
Bên cạnh việc xử lý hành chính nêu trên một số hành vi vi phạm về thương mại điện tử cũng có thể bị truy cứu cả về mặt trách nhiệm hình sự. Theo các nhóm tội danh quy định tại Mục 2 tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông trong Bộ luật hình sự 2015. Một số hành vi vi phạm liên quan đến TMĐT cũng có thể bị truy cứu ví dụ như tội danh sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản với hành vi vi phạm lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản[6].
Trước đây đối với hành vi vi phạm về bên cung cấp một trong các dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử trên mạng máy tính, mạng viễn thông không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép, mà thu lợi bất chính theo mức xử lý thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông mức xử lý cao nhất là 05 năm tù và có thể áp dụng thêm các hình thức phạt bổ sung tùy theo mức độ vi phạm[7]. Tuy nhiên, trong Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 thì quy định này đã bị bãi bỏ[8].
Trên đây là tư vấn của Luật Nghiệp Thành về “Xử lý vi phạm về hoạt động thương mại điện tử”.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Lê Thị Tú Anh.
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.
[1] Điều 64 Nghị định 98/2020/NĐ-CP.
[2] Tham khảo bài viết: Đẩy mạnh xử lý vi phạm trong thương mại điện tử của Bộ Công Thương.
[3] Điều 65 Nghị định 98/2020/NĐ-CP.
[4] Điều 66 Nghị định 98/2020/NĐ-CP.
[5] Điều 4.4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP.
[6] Điều 290.1.d Bộ luật hình sự 2015.
[7] Điều 292 Bộ luật hình sự 2015.
[8] Điều 1.141 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.
Cảm ơn luật sư vì đã cung cấp một bài viết hữu ích như thế này ạ.