Xử lý và tố cáo các trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục
Xử lý và tố cáo các trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục
Mỗi khi nhắc đến xâm hại tình dục trẻ em, điều đó như một con dao cứa vào lòng xã hội hiện đại ngày nay. Thậm chí, nơi mà trẻ em sinh ra, nuôi dưỡng và học tập cũng không hề an toàn với các em. Khi mà đối tượng xâm hại tình dục trẻ em là người ruột thịt, thân thích và quen biết với trẻ lại có xu hướng gia tăng và chiếm trên dưới 90%.[1] Và theo thống kê từ năm 2015 – 30/6/2019, cả nước ta đã phát hiện 8.091 trẻ em bị xâm hại và số lượng trẻ bị xâm hại tình dục là 6.432, chiếm tới 79,4% trên tổng số trẻ bị xâm hại. Nghĩa là, cứ mỗi ngày có hơn 17 trẻ em bị xâm hại tình dục. [2] Nhưng thực sự con số vẫn chưa phản ánh đúng tình hình thực tế, khi mà số vụ việc chìm vào im lặng và lãng quên là nhiều vô số. Vậy, nếu xâm hại tình dục đã diễn ra thì điều mà chúng ta cần làm đầu tiên là gì? Phải xử lý với những tình huống đó như thế nào, với tư cách là cha mẹ, người thân, hàng xóm, hay khi ta là người không quen biết,v.v…Sau đây, Luật Nghiệp Thành mong rằng sẽ giúp bạn đọc có những cách đúng đắn để xử lý vấn đề trên. Bên cạnh đó, hy vọng bạn đọc sẽ được trang bị những kiến thức pháp luật đối với nội dung này.
- Có những kiến thức cơ bản về các hành vi mà pháp luật có quy định liên quan
Trẻ em theo pháp luật quy định là người có độ tuổi dưới 16[3]
Đầu tiên, đối với trẻ em dưới 16 tuổi
– Tội dâm ô[4]
Là người đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi nhưng không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác.
– Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm[5]
Là hành vi mà người đủ 18 tuổi trở lên lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức.
Thứ hai, đối với trẻ em ở độ tuổi từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi sẽ có các hành vi phạm tội được pháp luật quy định như sau:
– Tội hiếp dâm.[6]
Đây là hành vi không có sự đồng thuận, nghĩa là sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác mà trái ý muốn của nạn nhân.
– Tội cưỡng dâm[7]
Là người thực hiện mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác.
– Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác:[8]
Là hành vi không thuộc hành vi hiếp dâm và cưỡng dâm. Nghĩa là hành vi mà có sự đồng thuận của cả hai bên.
Thứ ba, đối với trẻ em dưới 13 tuổi.[9]
Bất cứ hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với trẻ dưới 13 tuổi. Dù là có sự đồng thuận hay không của nạn nhân thì với trẻ em ở độ tuổi này, mọi hành vi đều được quy định là Tội Hiếp dâm. Bởi vì, đây là độ tuổi mà trẻ em đang phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần. Và hơn hết, là lúc cơ thể dễ bị tổn thương và sẽ gây những ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe sinh sản sau và tâm lý sau này.
- Thông báo ngay đến cơ quan có thẩm quyền và đường dây nóng trong trường hợp cấp bách
Khi phát hiện bất cứ trường hợp cho thấy các dấu hiệu trẻ bị xâm hại tình dục, người nghi ngờ nên thông tin ngay đến các cơ quan có thẩm quyền. Đó là Ủy ban nhân dân cấp xã/phường/thị trấn nơi cư trú và Cơ quan công an các cấp.
Hoặc qua đường dây nóng đã được triển khai như:
– 111 – Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (do Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH quản lý)
– 18001567 – Số điện thoại đường dây nóng bảo vệ trẻ em trên toàn quốc
Người dân tại TP.HCM hiện nay có thể gọi đến các số đường dây nóng bảo vệ trẻ em như sau:
– 1900.54.55.59 – Đường dây nóng của Trung tâm Công tác xã hội Trẻ em TP.HCM (trực thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM).
– 1800.90.69– Đường dây nóng của Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM.
Các tổng đài này đều hoạt động 24/24 tất cả các ngày trong tuần và được Nhà nước đảm bảo nguồn lực để hoạt động. Nên nếu phát hiện bất kì hành vi xâm hại tình dục hoặc kể cả bạo lực; bỏ rơi, bỏ mặc; xâm hại. Nên báo ngay lập tức các tổng đài này để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời. Khi nhận được thông tin, các tổng đài này sẽ thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xác thực thông tin trên.
Đặc biệt, hiện nay trước con số thống kê đáng sợ về nạn xâm hại tình dục trẻ em. UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ra Quyết định vừa được ký kết ngày 08/06/2020. Trong vòng 2 tiếng đồng hồ kể từ lúc nhận được thông tin, cơ quan tiếp nhận phải kiểm tra và xử lý tính xác thực của thông tin. Tiếp đó sẽ phối hợp và triển khai phối hợp các biện pháp để hỗ trợ và can thiệp.[10]
- Bình tĩnh xác định mức độ, hành vi của người xâm hại trẻ
– Nếu là hành vi sờ vào vùng nhạy cảm thì trước tiên là trấn an trẻ, theo dõi người tình nghi.[11] Cùng lúc đó, báo cơ quan công an và tổng đài để xin hỗ trợ để điều tra xác minh sự việc.
– Nếu là hành vi bị hiếp dâm, giao cấu thì sau khi báo công an hoặc tổng đài bảo vệ trẻ em và nhận được lời tư vấn. Gia đình nên đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra và khám sức khỏe. Sau khi khám sức khỏe nên gọi cơ quan công an để thực hiện giám định. Lưu ý không nên tắm cho trẻ vì sẽ mất đi những dấu vết quan trọng.[12]
Bên cạnh đó, theo lời khuyên của Chuyên gia trẻ em – Tiến sĩ Vũ Thiện Toàn: “Phụ huynh cũng nên yêu cầu những người thân xung quanh âm thầm quan tâm, giúp đỡ trẻ sớm ổn định tâm lý, hòa nhập cuộc sống. Đặc biệt, mọi người không nên hỏi về những chuyện đã qua với trẻ. Tránh quan tâm quá mức sẽ hóa thành sự phân biệt, khiến trẻ có sự mặc cảm.”
- Không thỏa hiệp với kẻ phạm tội và im lặng chịu đựng
Mọi người đều phải có nhận thức thật quyết liệt nếu có bất cứ hành vi nào xâm hại đến trẻ em đều phải được xử lý và phải cách ly những đối tượng này khỏi cộng đồng ngay lập tức.
Hơn hết, không có sự thỏa hiệp với kẻ phạm tội. Dù kẻ phạm tội là người thân trong gia đình, họ hàng hay quen biết nhau. Đặc biệt không im lặng chịu đựng, bởi vì sự im lặng sẽ không bao giờ khiến kẻ gây ra phải nhận hình phạt. Mà điều đó còn dẫn tới nguy cơ sẽ tái diễn trong tương lai, không chỉ với nạn nhân mà còn những trẻ em khác.
- Không đưa sự việc lên mạng xã hội và truyền thông khi vẫn đang điều tra, xử lý
Hiện nay, có nhiều phụ huynh khi sự việc chưa được xác thực đã thông tin trên mạng xã hội, còn xuất hiện hình ảnh của trẻ. Điều đó vô tình gây ra những ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống sau này của trẻ. Nếu bị phát hiện danh tính sẽ gây ảnh hưởng đến việc học hành, mối quan hệ của trẻ với bạn bè. Cùng với sự bàn tán của người xung quanh sẽ khiến tâm lý trẻ bị tác động.
Vì vậy, mọi người dù phát hiện bất cứ sự việc nào, không nên đưa hình ảnh của trẻ trên mạng xã hội, hãy luôn luôn đặt quyền lợi trẻ em lên hàng đầu.
- Hình phạt[13]
Hành vi phạm tội | Mức phạt tối thiểu | Mức phạt tối đa |
Tội hiếp dâm | 7 năm | Tử hình |
Tội cưỡng dâm | 5 năm | Chung thân |
Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác | 1 năm | 15 năm |
Tội dâm ô | 06 tháng | 12 năm |
Tội sử dụng người dưới 16 tuổi nhằm mục đích khiêu dâm | 06 tháng | 12 năm |
Trên đây là nội dung tư vấn về “Xử lý và tố cáo các trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, rất mong nhận được phản hồi và góp ý bổ sung.
Biên tập: Tổng hợp
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận
[1] Thông tin từ Báo Tài nguyên và Môi trường
[2] Thống kê từ Cổng thông tin điện tử Uỷ ban Tư pháp
[3] Điều 1 Luật Trẻ em
[4] Điều 146 Bộ luật Hình sự 2015
[5] Điều 147 Bộ luật Hình sự 2015
[6] Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015
[7] Điều 144 Bộ luật Hình sự 2015
[8] Điều 145 Bộ luật Hình sự 2015
[9] Điều 142.1.b Bộ luật Hình sự 2015
[10] Điều 5.3 Quy trình được ban hành kèm theo Quyết định số 2027/QĐ-UBND
[11] Theo hướng dẫn của Tiến sĩ Vũ Thiện Toàn – Chuyên gia trẻ em, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ trẻ em Kết Nối
[12] Theo hướng dẫn của Tiến sĩ Vũ Thiện Toàn – Chuyên gia trẻ em, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ trẻ em Kết Nối
[13] Điều 142, 144, 145, 146, 147 Bộ luật Hình sự 2015