Xử lý quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Xử lý quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Xử lý quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Vấn đề quấy rối tình dục (QRTD) tại nơi làm việc không phải là một nội dung mới được nêu trong Bộ luật lao động. Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2021 khi Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực thì nội dung này được quy định một cách cụ thể hơn. Theo đó, định nghĩa về quấy rối tình dục tại nơi làm việc cũng được quy định một cách rõ ràng. Đó là, hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.[1]

Trong bài viết này Luật Nghiệp Thành sẽ cung cấp đến bạn đọc những vấn đề sau:

  1. Quy định về QRTD tại nơi làm việc trong Bộ luật lao động 2019.

Mặc dù, hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc là một nội dung bị nghiêm cấm[2]. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn không tránh khỏi việc vẫn tồn tại những đối tượng thực hiện những hành vi như trên làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần các người lao động, đặc biệt là lao động nữ và cả uy tín của doanh nghiệp.

Năm 2018, dư luận từng phẫn nộ trước việc một nữ chuyên viên phòng Tài chính Kế hoạch huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị tố cáo bị nam đồng nghiệp giở trò đồi bại ngay tại phòng làm việc, trong giờ hành chính làm cho nạn nhân hoảng loạn và phải nghỉ việc điều trị trong một thời gian. Tuy nhiên, nam công chức có hành vi vi phạm trên không bị xử lý theo luật vì thiếu chế tài mà chỉ xử lý buộc cho thôi việc. Không chỉ có ở Việt Nam, tại một số nước trên thế giới cũng diễn ra không ít tình trạng trên, năm 2019 một người đàn ông Singapore lãnh án 9 tháng tù giam sau khi nhận tội sàm sỡ nữ đồng nghiệp trong lúc cô làm thêm việc về đêm tại văn phòng. Khi nạn nhân làm việc trên máy tính, người đàn ông đặt tay lên vai và đùi của cô. Nạn nhân đẩy anh ta ra nhưng bị cáo vẫn cố sàm sỡ nạn nhân. Dù bị cự tuyệt nhưng bị cáo còn cố hôn nữ đồng nghiệp.[3]

Trong năm 2012, một nghiên cứu do Bộ LĐTBXH thực hiện với sự hỗ trợ của ILO cho thấy phần lớn các nạn nhân bị QRTD ở Việt Nam là lao động nữ tuổi từ 18 đến 30.

Tuy nhiên, các yếu tố văn hóa và nỗi sợ bị mất việc khiến nhiều nạn nhân không trình báo sự việc. Ngoài ra, khi hỏi về thế nào là bị QRTD thì các nạn nhân được hỏi đa phần không hiểu rõ hành vi này. Nhiều người cho rằng chỉ khi phát sinh quan hệ tình dục hoặc sờ soạng mới được coi là quấy rối tình dục; còn những hành vi gọi điện, nhắn tin, chia sẻ hình khiêu dâm, dùng lời lẽ dung tục… thì chưa phải.

Để bảo vệ người lao động và cũng như hỗ trợ mọi người hiểu và định nghĩa chính xác như thế nào là hành vi QRTD tại nơi làm việc. Bộ luật lao động 2019 đã quy định như sau:

Quy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động

Cụ thể hóa điều này, Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn quy định về quấy rối tình dục như sau:

* Quấy rối tình dục tại nơi làm việc bao gồm các hành vi[4]:

– Hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục;

Document

– Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục;

– Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.

Nơi làm việc là bất cứ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động, bao gồm cả những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như:

– Các hoạt động xã hội, hội thảo, tập huấn, chuyển đi công tác chính thức, bữa ăn, hội thoại trên điện thoại,

– Các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử, phương tiện đi lại do người sử dụng lao động bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp và địa điểm khác do người sử dụng lao động quy định

Bên cạnh đó, trong nội dung Bộ luật lao động mới ban hành thì việc chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc sẽ được thêm vào nội quy lao động[5] cùng với những nội dung khác theo quy định pháp luật. Đây được xem như một nội dung mới được đưa vào, bởi trước đây trong quy định cũ hành vi QRTD chỉ được quy định trong điều khoản cấm, điều khoản đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động.

Ngoài ra, theo bộ luật lao động 2019 cũng quy định cụ thể:

  • Không bị QRTD là quyền của người lao động, chống QRTD là nghĩa vụ, trách nhiệm của người sử dụng lao động[6]
  • Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động khi bị QRTD[7].
  • Bảo đảm bình đẳng giới, bảo vệ thai sản, nghỉ hằng năm; phòng, chống bạo lực và quấy rối tình dục tại nơi làm việc” là một trong những nội dung các bên thương lượng lựa chọn để tiến hành thương lượng tập thể[8].
  1. Xử phạt vi phạm:

* Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải:

Đối với hành vi QRTD tại nơi làm việc sẽ bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải theo quy định[9].

* Xử phạt hành chính:

Những hành vi quấy rối tình dục thường được xử lý theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử lý hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội. Cụ thể[10]:

Hành vi “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” sẽ bị xử phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Như vậy, người có hành vi quấy rối tình dục sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Tuy nhiên, ta thấy mức phạt hành chính này còn khá thấp so với những thiệt hại về thể chất và tinh thần của người bị quấy rối. Pháp luật nên đưa ra mức xử phạt mang tính răng đe hơn để tránh những sai phạm tái diễn.

* Xử phạt hình sự:

Ngoài những hình thức xử lý như sa thải, xử phạt hành chính nêu trên thì về việc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi quấy rối tình dục vẫn chưa được quy định cụ thể. Mặc dù Bộ luật Hình sự hiện hành coi hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô… là những tội phạm có tính chất rất nghiêm trọng và gắn với những chế tài xử phạt nghiêm khắc.

Tuy nhiên, nếu hành vi quấy rối được xác định là xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự người khác và có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm này thì người có hành vi quấy rối có thể bị xử lý hình sự về Tội làm nhục người khác theo Điều 121 Bộ luật Hình sự 2015; mức phạt từ cảnh cáo đến phạt tù 05 năm.

Nhìn chung, khi Bộ luật lao động 2019 dược ban hành và có hiệu lực thì các vấn đề về quấy rối tình dục tại nơi làm việc đã được quy định rõ ràng hơn và siết chặc quản lý hơn. Tuy nhiên, nếu xét về khía cạnh xử lý đối tượng vi phạm thì ta vẫn còn thiếu chế tài xử lý và các hình thức xử lý đưa ra hiện nay chưa mang tính răng đe, nghiêm khắc.

Trên đây là tư vấn của Luật Nghiệp Thành về “Xứ lý quấy rối tình dục tại nơi làm việc”.

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Lê Thị Tú Anh.

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

 

[1] Điều 3.9 Bộ luật lao động 2019.

[2] Điều 8 Bộ luật lao động 2019

[3] Tham khảo báo Thanh niên.

[4] Điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

[5] Điều 118 Bộ luật lao động 2019.

[6] Điều 5, Điều 6 Bộ luật lao động 2019.

[7] Điều 35.2.d Bộ luật lao động 2019.

[8] Điều 67.7 Bộ luật lao động 2019.

[9] Điều 125.2 Bộ luật lao động 2019.

[10] Điều 5.1.a Nghị định số 167/2013/NĐ-CP

Document
Categories: Lao động

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*