Vướng mắc sổ bảo hiểm xã hội ở công ty cũ

Vướng mắc sổ bảo hiểm xã hội ở công ty cũ

Vướng mắc sổ bảo hiểm xã hội ở công ty cũ

Cập nhật, bổ sung ngày 25/6/2024

Trong sổ BHXH của mỗi NLĐ đều tồn tại một mã số định danh do Cơ quan BHXH cấp. Căn cứ vào đó mà cơ quan BHXH sẽ xác định thời gian tham gia BHXH và xem xét các chế độ liên quan mà NLĐ được hưởng. Do đó, theo nguyên tắc mỗi NLĐ chỉ tồn tại 01 mã số định danh và 01 sổ BHXH. Tuy nhiên, trên thực tế tồn tại rất nhiều vướng mắc, trở ngại liên quan về vấn đề sổ BHXH sau khi NLĐ chuyển công tác sang công ty mới, ví dụ công ty cũ không trả lại sổ BHXH cho NLĐ; số BHXH cũ bị thất lạc; NLĐ có tận hai sổ BHXH. Trong trường hợp này, NLĐ phải thực hiện như thế nào để thống nhất sổ BHXH nhằm đảm bảo quyền lợi của bản thân? Thông qua bài viết, Luật Nghiệp Thành sẽ tư vấn, hướng dẫn Bạn đọc dựa vào các trường hợp sau:

Trường hợp 1: Doanh nghiệp cũ không trả sổ BHXH cho NLĐ:

*Trách nhiệm của NSDLĐ khi chấm dứt HĐLĐ với NLĐ:

– Phối hợp với cơ quan BHXH để xác nhận quá trình tham gia đóng BHXH;[1]

– Trả lại sổ BHXH cho NLĐ trong vòng 14 ngày kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ,[2] trong một số trường hợp đặc biệt thì thời gian không quá 30 ngày[3];

– Cung cấp Giấy chứng nhận làm việc, xác nhận quá trình làm việc của NLĐ (nếu có nhu cầu)[4];

– Thanh toán đầy đủ các khoản tiền liên quan (tiền lương còn lại; tiền phép năm chưa sử dụng; trợ cấp thôi việc; trợ cấp mất việc làm;…) cho NLĐ trong thời hạn 14 ngày làm việc, trong các trường hợp đặc biệt thì không quá 30 ngày.[5]

Tuy nhiên trên thực tế nhiều doanh nghiệp sau khi chấm dứt vẫn không hoàn trả sổ BHXH theo đúng kỳ hạn, điều này gây thiệt thòi và trở ngại cho NLĐ trong việc nhận TCTN và nộp sổ BHXH cho NSDLĐ mới.

Vậy khi phát sinh tình huống trên, NLĐ cần làm gì để bảo vệ quyền lợi cho bản thân?

– Liên hệ đến Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội nơi Công ty cũ đặt trụ sở hoặc Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để giúp đỡ;

– Khởi kiện và yêu cầu Tòa án giải quyết, mà không thông qua thủ tục hòa giải giữa các bên.[6]

Trường hợp 2: Đã đóng sổ BHXH nhưng chưa được hoàn trả hoặc đã mất, hư hỏng:

Khi sổ BHXH bị mất, hư hỏng; NLĐ có nhu cầu gộp sổ; thông tin của NLĐ có sự thay đổi; người đã hưởng BHXH một lần mà còn thời gian đóng BHTN chưa hưởng có thể thực hiện xin cấp lại sổ mới theo số định danh trên sổ BHXH cũ.[7]

Hồ sơ xin cấp lại sẽ bao gồm 01 bộ:[8]

– Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH; (Mẫu tờ khai TK01)

– Đơn đề nghị cấp lại sổ bảo hiểm xã hội của người lao động;

Document

– Sổ bảo hiểm xã hội trong trường hợp bị hỏng;

Nơi nộp hồ sơ: Nộp cho đơn vị nơi người lao động làm việc hoặc nộp cho cơ quan BHXH;[9]

Thời hạn giải quyết hồ sơ: không quá 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

Nếu phải xác minh quá trình đóng BHXH ở tỉnh khác hay nhiều đơn vị mà người lao động đã làm việc thì thời hạn giải quyết sẽ không quá 45 ngày. Tuy nhiên, phải có văn bản để thông báo tới người lao động biết.[10]

Trường hợp 3: Có từ hai sổ BHXH trở lên

*Biện pháp 1: Hủy bỏ sổ BHXH cũ:

Nếu NLĐ lựa chọn biện pháp này, thì chuẩn bị đơn đề nghị (Mẫu TK1-TS), sổ BHXH cần hủy; CCCD của NLĐ; giấy từ chứng minh quá trình làm việc và đóng BHXH (HĐLĐ; Quyết định chấm dứt HĐ; Biên bản thanh lý hợp đồng).

Nộp hồ sơ đến Cơ quan BHXH cấp quận/huyện hoặc lãnh đạo phòng thu BHXH thành phố nơi công ty cũ bạn tham gia đóng sổ BHXH.[11]

Tuy nhiên cần lưu ý, biện pháp hủy sổ sẽ khiến thời gian đóng BHXH trước đó bị hủy bỏ và NLĐ không được hưởng bất kỳ chế độ tương ứng với thời gian đã đóng. Chính vì thế, biện pháp hủy sổ BHXH không phải là phương pháp hữu hiệu cho trường hợp này.

*Biện pháp 2: Gộp sổ BHXH:

Để hiểu rõ hơn phần thủ tục này, Bạn đọc có thể tham khảo chi tiết tại bài viết Thủ tục gộp sổ BHXH

Phương thức kiểm tra tình trạng đóng BHXH

*Cách 1: Truy cập vào đường dẫn https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/Pages/tra-cuu-dong-bao-hiem.aspx.

Nhập các thông tin cần thiết, lấy mã OTP để kiểm tra thông tin.

Lưu ý: Thông tin “Tỉnh thành” đề cập đến nơi thường trú ghi trong sổ hộ khẩu và CCCD của NLĐ.

*Cách 2: Gửi tin nhắn theo cú pháp:

BH QT <mã số BHXH> gửi 8079

Nếu bạn muốn tra cứu cụ thể thời gian đóng BHXH thì sẽ nhắn tin theo cú pháp:

BH QT <mã số BHXH> <từ tháng-năm> <đến tháng-năm> gửi 8079

Ví dụ: BH QT 11017945 022019 062020

Hoặc BH QT <mã số bảo hiểm xã hội> <từ năm> <đến năm> gửi 8079

Ví dụ: BH QT 11017945 2019 2020

 

Trên đây là nội dung tư vấn về “Vướng mắc sổ bảo hiểm xã hội ở công ty cũ

Nếu bạn cảm thầy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, rất mong nhận được phản hồi và góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Nguyễn Linh Chi

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

Ngày cập nhật, bổ sung: ngày 25/6/2024

Người cập nhật, bổ sung: Quách Gia Hy

 

[1] Điều 21.5 Luật Bảo hiểm xã hội 2014

[2] Điều 21.5 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Điều 22 Thông tư 23/2023/TT-BLĐTBXH

[3] Điều 48 Nghị định 145/2020/NĐ-CP

[4] Điều 48.3 Bộ luật lao động 2019; Điều 48.2 Nghị định 145/2020/NĐ-CP

[5] Điều 48 Bộ luật lao động 2019

[6] Điều 188 Bộ luật lao động 2019

[7] Điều 46.2 Quyết định 595/QĐ-BHXH

[8] Điều 27 Quyết định 595/QĐ-BHXH và Điều 97.2 Luật BHXH 2014

[9] Điều 31.1 Mục 1.1.c

[10] Điều 29.2 Quyết định 595/QĐ-BHXH

[11] Mục I.5 Văn bản hướng dẫn 3663/BHXH-THU 2014

 

 

 

 

 

 

Document
Categories: Lao động

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*