Tình huống: Tôi là người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại cộng hòa Séc. Tôi đã thôi quốc tịch Việt Nam khi nhập quốc tịch CH Séc. Do tôi nhập quốc tịch CH Séc từ lâu nên không còn lưu giữ giấy khai sinh Việt Nam. Nay tôi cần trích lục giấy khai sinh để làm thủ tục sang tên căn nhà được cha mẹ ở Việt Nam tặng cho. Tôi sinh ra và làm giấy khai sinh ở phường A, Hà Nội nhưng không chắc hiện tại vẫn còn Phường A này do Hà Nội đã nhiều lần thay đổi địa giới hành chính. Vậy tôi phải làm gì để trích lục được giấy khai sinh ở Việt Nam.
Nội dung tư vấn:
Về nguyên tắc cá nhân không phụ thuộc vào nơi cư trú có quyền yêu cầu trích lục giấy khai sinh tại cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch. Nên bạn có quyền gửi hồ sơ yêu cầu trích lục khai sinh đến cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch mà không phụ thuộc vào việc bạn đã thôi quốc tịch Việt Nam và đang định cư tại CH Séc. Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch bao gồm: cơ quan đăng ký hộ tịch, Bộ ngoại giao, Bộ tư pháp[1]. Cơ quan đăng ký hộ tịch bao gồm UBND xã/phường, UBND quận/huyện; Đại sứ quán và Lãnh sự Lãnh sự quán Việt Nam là nơi tiến hành đăng ký hộ tịch cho công dân Việt Nam ở nước ngoài[2]. Sau khi Đại sứ quán và Lãnh sự quán đăng ký hộ tịch cho công dân Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiến hành tổng hợp gửi về Bộ ngoại giao ở Việt Nam quản lý hồ sơ hộ tịch[3].
Trường hợp của bạn có thể chia làm hai cách để trích lục giấy khai sinh. Cách thứ nhất để thuận tiện bạn có thể đến Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Việt Nam ở CH Séc để nộp hồ sơ yêu cầu trích lục giấy khai sinh. Cách thứ hai nếu bạn có thể về Việt Nam để nộp hồ sơ yêu cầu trích lục giấy khai sinh thì bạn nộp hồ sơ trực tiếp tại UBND phường A, Hà Nội nơi nơi làm giấy khai sinh của bạn. Trường hợp không nhớ được nơi bạn đã làm giấy khai sinh thì bạn có thể nộp hồ sơ đến hai cơ quan còn lại đang quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch đó là Bộ tư pháp, Bộ ngoại giao Việt Nam. Nếu cũng có thể ủy quyền một người ở Việt Nam thay mặt bạn tiến hành nộp hồ sơ trích lục giấy khai sinh. Việc làm giấy ủy quyền tại nước ngoài bạn có thể tham khảo bài viết Người Việt Nam ở nước ngoài ủy quyền thực hiện giao dịch dân sự.
Sau khi hoàn tất việc làm giấy ủy quyền ở nước ngoài gửi về Việt Nam, người nhận ủy quyền đã có thể thay mặt bạn tiến hành nộp hồ sơ yêu cầu trích lục giấy khai sinh. Thành phần hồ sơ bao gồm:
- Đơn yêu cầu trích lục giấy khai sinh;
- Giấy tờ chứng minh là người gốc Việt Nam;
- Hộ chiếu sao y bản chính;
- Thông tin cha, mẹ trên giấy khai sinh;
- Giấy ủy quyền người nộp hồ sơ.
- CMND/CCCD người nộp hồ sơ bản sao kèm bản chính đối chiếu.
Nộp hồ sơ tại UBND phường A, Hà Nội (nơi bạn đăng ký khai sinh lần đầu) hoặc Bộ tư pháp/Bộ ngoại giao. Phí không quá 3.000 đồng/lần trích lục giấy khai sinh.
Trên đây là chia sẻ của Luật Nghiệp Thành về việc trích lục khai sinh bị mất cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Xem thêm bài viết liên quan tại đây.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Minh Cơ
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.
[1] Điều 63 Luật hộ tịch 2014
[2] Điều 3.1, 3.5 Luật hộ tịch 2014
[3] Điều 12 NĐ 123/2015