Hỏi:
Công ty tôi cho NLĐ ngừng việc 2 tháng thì có phải trả lương cho NLĐ hay không?
Trả lời:
Chào bạn, dựa trên thông tin mà bạn cung cấp, Luật Nghiệp Thành xin được tư vấn như sau:
Theo quy định của pháp luật, căn cứ vào lỗi để xác định trách nhiệm trả tiền lương làm việc cho NLĐ[1].
- Nếu việc ngừng là do lỗi của NSDLĐ thì NLĐ được trả đủ tiền lương.
- Nếu do lỗi của NLĐ thì bản thân người đó không được trả lương trong thời gian ngừng việc. Những NLĐ khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc được trả lương theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;
- Nếu sự cố về mạng lưới điện, nước mà không do lỗi của NSDLĐ, NLĐ hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Do đó, cần xác định xem nguyên nhân nào dẫn tới ngừng việc? Do lỗi NSDLĐ, NLĐ hay một nguyên nhân khách quan khác. Từ đó, mới xác định được trách nhiệm trả lương cho NLĐ của công ty trong khoảng thời gian ngừng việc.
Cần lưu ý:
- Nếu ngừng việc do lỗi NSDLĐ thì người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động[2] .
- Giả sử theo HĐLĐ, công ty bạn trả lương 5tr/tháng. Nếu bạn cho NLĐ ngừng việc 2 tháng thì mức lương công ty phải trả 2 tháng ngừng việc cho NLĐ là 5,000,000 x 2 = 10,000,000 đồng. Nếu thuộc trường hợp lương do 2 bên thỏa thuận thì lương đó phải cao hơn mức lương tối thiểu vùng[3].
Giả sử công ty bạn (quận 1, TP.HCM) cho NLĐ ngừng việc 2 tháng vì lý do hỏa hoạn thì lương trong thời gian ngừng việc do công ty và NLĐ thỏa thuận nhưng phải cao hơn mức lương tối thiểu vùng là 4.420.000 đồng (giả sử NLĐ chưa qua học nghề).
Nếu như NSDLĐ trả không đủ tiền lương ngừng việc cho NLĐ tại Điều 99 BLLĐ 2019 mà bị khiếu nại có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp cá nhân vi phạm[4]. Trường hợp tổ chức vi phạm thì mức phạt gấp 02 lần mức phạt đối với cá nhân[5]. Đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc NSDLĐ phải trả đủ tiền lương cho NLĐ cộng với lãi suất số tiền lương chậm trả[6].
Thẩm quyền xử phạt thuộc về Chủ tịch UBND các cấp, Thanh tra lao động[7]
Trên đây là nội dung tư vấn về “Tiền lương ngừng việc cho người lao động”
Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Nguồn: Tổng hợp
Cập nhật, bổ sung: ngày 02/11/2021
Người bổ sung: Lê Tuấn Huy
Cập nhật, bổ sung lần 2: ngày 09/02/2022
Người bổ sung lần 2: Bùi Thị Như
[1] Điều 99 Bộ luật Lao động 2019
[2] Điều 99.1 Bộ luật Lao động 2019
[3] Điều 99.2, Điều 98.3 Bộ luật Lao động 2019
[4] Điều 17.2 Nghị định 12/2022/NĐ-CP
[5] Điều 6.3 Nghị định 12/2022/NĐ-CP
[6] Điều 17.5 Nghị định 12/2022/NĐ-CP
[7] Điều 48, 49 Nghị định 12/2022/NĐ-CP