Thủ tục thành lập trung tâm ngoại ngữ, tin học
Thủ tục thành lập trung tâm đào tạo ngoại ngữ
Hỏi:
Do nhu cầu học ngoại ngữ ngày càng cao, công ty tôi muốn mở một trung tâm ngoại ngữ dạy tiếng anh do tôi làm giám đốc trung tâm. Vậy Luật sư cho công ty tôi hỏi những thủ tục và yêu cầu gì khi thành lập trung tâm đào tạo ngoại ngữ?
Cuộc sống là kết nối, bạn sẽ luôn luôn phải giao tiếp với tất cả mọi người và gần như sẽ có không dưới một vài lần bạn được tiếp cận với những người nước ngoài. Đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày nay, việc đi lại giữa các quốc gia ngày càng dễ dàng thì nhu cầu học, biết, hiểu và giao tiếp giỏi nhiều ngôn ngữ đang được chú trọng. Ngoài ra, trong hoạt động kinh doanh, phía bên doanh nghiệp thường đánh giá cao những ứng viên biết hơn 2 thứ tiếng, giỏi tin học. Bên cạnh đó, người lao động khi có kiến thức về tin học và giao tiếp tốt nhiều ngôn ngữ thường sẽ hưởng được mức lương khá cao. Chính vì nhu cầu học ngoại ngữ, tin học ngày càng cao mà hiện nay nhiều trung tâm giảng dạy đã ra đời, đặc biệt là các trung tâm dạy tiếng Anh.
Tuy nhiên, để mở một trung tâm ngoại ngữ, tin học không phải là đơn giản bởi pháp luật còn đưa ra nhiều quy định về điều kiện, thủ tục mà bên có nhu cầu mở trung tâm phải thực hiện. Như thông tin thu thập được, thì gần đây chỉ tính trong năm 2019 nước ta có hơn 600 trung tâm ngoại ngữ, tin học được cấp phép[1]. Bên cạnh đó, cũng tồn tại nhiều trung tâm hoạt động mà chưa được cấp phép hoạt động giáo dục và hết hạn cho phép hoạt động giáo dục đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Theo như Sở GD-ĐT TP.HCM ngày 11.1.2021 công bố danh sách thì có gần 500 trung tâm ngoại ngữ và tin học đang hoạt động trái phép như thế.
Đối với hành vi thành lập mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì mức phạt tiền sẽ từ 20 – 40 triệu đồng.[2]
Trong bài viết này, Luật Nghiệp Thành sẽ cung cấp đến bạn đọc những thông tin liên quan như sau:
Một yếu tố quan trọng trước khi thành lập Trung tâm ngoại ngữ, tin học là các bạn cần phải có công ty chủ quản của trung tâm đó. Do đó, bước đầu tiên bạn cần phải làm là thành lập công ty.
Hiện nay, có 02 loại hình doanh nghiệp phù hợp là Công ty Cổ Phần và Công ty TNHH hai thành viên trở lên. Mỗi một loại hình doanh nghiệp thì đều có những ưu khuyết điểm, bạn nên lựa chọn loại hình phù hợp để có thể phát triển công ty tốt nhất.
Các bạn có thể tham khảo các bài viết liên quan sau:
- Phân biệt các loại hình doanh nghiệp.
- Những điểm mới về loại hình công ty TNHH tại Luật doanh nghiệp 2020.
- Những điểm mới về loại hình công ty Cổ phần tại Luật doanh nghiệp 2020.
Ngoài ra, để thành lập và hoạt động trung tâm giảng dạy ngoại ngữ, tin học bạn phải thực hiện những thủ tục và đáp ứng các điều kiện sau:
- Thành lập trung tâm ngoại ngữ, tin học:
* Điều kiện thành lập trung tâm ngoại ngữ, tin học:[3]
Khi thành lập trung tâm ngoại ngữ, tin học thì các cá nhân, tổ chức cần đáp ứng các điều kiện sau:[4]
(1) Phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Điều kiện này yêu cầu người thành lập trung tâm ngoại ngữ phải thực hiện thủ tục xin xác nhận của UBND cấp xã về việc hoạt động dạy ngoại ngữ tại địa bàn là phù hợp với quy hoạch giáo dục của địa phương.
(2) Điều kiện về cơ sở vật chất: Cụ thể, đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo và đáp ứng các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật, có đủ phòng, lớp học có chức năng phù hợp, có diện tích tối thiểu bảo đảm 1,5m2/học viên/ca học.
(3) Điều kiện về đặt tên: Trung tâm ngoại ngữ + Tên riêng. Trong đó tên riêng không được trùng với tên của trung tâm ngoại ngữ đã được thành lập trước đó, không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.
(4) Điều kiện của Giám đốc trung tâm ngoại ngữ: là người trực tiếp quản lý, điều hành tổ chức, bộ máy, chịu trách nhiệm trước pháp luật và các cơ quan quản lý cấp trên về mọi hoạt động của trung tâm. Giám đốc phải đáp ứng các tiêu chuẩn như: có nhân thân tốt, có năng lực quản lý, tốt nghiệp đại học ngoại ngữ và có chứng chỉ ngoại ngữ tối thiểu bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ bậc 6 dùng cho Việt Nam hoặc tương được, có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
(5) Điều kiện về giáo viên: Giáo viên của trung tâm ngoại ngữ, tin học là người làm nhiệm vụ giảng dạy, hướng dẫn thực hành, gồm giáo viên cơ hữu, giáo viên hợp đồng giáo viên là người Việt Nam, giáo viên là người bản ngữ (đối với từng ngoại ngữ cụ thể), người nước ngoài.
* Hồ sơ gồm[5]:
Bạn đọc cần chuẩn bị những hồ sơ sau:
– Tờ trình đề nghị thành lập trung tâm ngoại ngữ, tin học.
– Đề án thành lập trung tâm ngoại ngữ, tin học gồm các nội dung: Tên trung tâm, địa điểm đặt trung tâm, sự cần thiết và cơ sở pháp lý của việc thành lập trung tâm; mục tiêu, nhiệm vụ của trung tâm; chương trình giảng dạy, quy mô đào tạo; cơ sở vật chất của trung tâm; cơ cấu tổ chức của trung tâm, sơ yếu lý lịch của người dự kiến làm Giám đốc trung tâm.
– Dự thảo nội quy tổ chức hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học.
*Thẩm quyền cấp phép hoạt động trung tâm ngoại ngữ: Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, người đứng đầu tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp….[6]
- Để trung tâm ngoại ngữ, tin học hoạt động giáo dục:[7]
Sau khi thành lập trung tâm thì để có thể hoạt động giảng dạy bạn đọc cần thực hiện thủ tục đề nghị cấp phép hoạt động giáo dục, trước hết cần đáp ứng các điều kiện sau:
– Có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đạt chuẩn theo quy định, đáp ứng yêu cầu hoạt động của trung tâm.
– Có cơ sở vật chất, trang thiết bị, chương trình, tài liệu dạy học, nguồn kinh phí phù hợp, bảo đảm chất lượng giáo dục theo kế hoạch xây dựng, phát triển và quy mô hoạt động của trung tâm.
* Hồ sơ đề nghị cấp phép gồm:
– Tờ trình đề nghị cấp phép hoạt động giáo dục.
– Bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu quyết định thành lập trung tâm do người có thẩm quyền cấp.
– Nội quy hoạt động giáo dục của trung tâm.
– Báo cáo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, chương trình, tài liệu dạy học; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; văn bản chứng minh về quyền sử dụng hợp pháp đất, nhà; nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động của trung tâm.
* Thẩm quyền thực hiện: Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, giám đốc đại học, học viện; hiệu trưởng trường đại học, trường cao đẳng.[8]
- Gia hạn giấy phép hoạt động trung tâm ngoại ngữ, tin học:
Việc hoạt động trung tâm ngoại ngữ, tin học cần phải có giấy phép kinh doanh. Pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về thời hạn giấy phép trung tâm ngoại ngữ, tin học thế nhưng trên thực tế quá trình thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép và quá trình hoạt động thì hiện nay giấy phép trung tâm ngoại ngữ, tin học ở một số tỉnh thành khác chỉ có thời hạn 01 năm hoặc 05 năm, tại Hà Nội thì giấy phép do Sở Giáo dục và đào tạo Thành phố Hà Nội cấp có thời hạn 02 năm kể từ ngày ký.
Khi hoạt động, các bạn nên chú ý thời hạn được ghi trên giấy phép để tránh trường hợp bị xử phạt. Trên thực tế, khi hết hạn giấy phép bạn vẫn được quyền làm thủ tục thành lập mới lại. Tuy nhiên, một số trung tâm vẫn thường áp dụng hình thức xin gia hạn giấy phép, khi đó tên trung tâm vẫn tiếp tục được sử dụng mà không lo ngại phải tìm tên mới, uy tín đã xây dựng trước đó vẫn được giữa nguyên.
Đối với những bạn muốn tiếp tục thực hiện hoạt động trung tâm ngoại ngữ, tin học trong trường hợp hết hạn giấy phép hoạt động các bạn có thể thục hiện thủ tục gia hạn theo hồ như sau:
* Hồ sơ gia hạn bao gồm:[8]
Hồ sơ cơ sở vật chất:
– Giấy chủ quyền nhà, đất hoặc Hợp đồng thuê mặt bằng.
– Phương án phòng cháy chữa cháy được Công an Phòng cháy chữa cháy phê duyệt.
– Những hồ sơ bổ sung thiết bị … (nếu có thay đổi, phát sinh).
Hồ sơ nhân sự:
– Danh sách cán bộ, giáo viên, nhân viên hiện đang làm việc, danh sách trích ngang giáo viên (kèm bằng cấp).
Các văn bản khác có liên quan:
– Công văn báo cáo địa phương nơi đặt địa điểm hoạt động (có xác nhận và được sự đồng ý của UBND phường, xã về môi trường sư phạm, điều kiện trật tự an ninh, vệ sinh môi trường… ).
– Báo cáo tình hình hoạt động của trung tâm.
– Chứng minh thư (Hộ khẩu) của người phụ trách (do người phụ trách trung tâm mang đến).
– Quyết định thành lập cơ quan, đơn vị.
– Đơn xin gia hạn giấy phép hoạt động trung tâm ngoại ngữ, tin học.
– Giấy phép hoạt động hoặc giấy phép gia hạn của lần cấp liền trước (nếu có).
Cơ quan tiếp nhận: Sở giáo dục và đào tạo trực tiếp quản lý.
Trên đây là tư vấn của Luật Nghiệp Thành về “Thành lập trung tâm ngoại ngữ, tin học”.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, chia sẻ và góp ý bổ sung.
Biên tập: Lê Thị Tú Anh.
Ngày cập nhật, bổ sung: 04.02.2021
Người bổ sung: Nguyễn Linh Chi
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.
[1] Tham khảo: Danh sách các Trung tâm Ngoại ngữ – Tin học được cấp phép (cập nhật đến ngày 12/03/2019) của Cổng thông tin điện tử ngành giáo dục đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh.
[2] Điều 5.2 Nghị định 04/2021/NĐ-CP
[3] Điều 1.21 Nghị định 135/2018/NĐ-CP.
[4] Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT
[5] Điều 1.20 Nghị định 135/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 46/2017/NĐ-CP
[6] Điều 1.20 Nghị định 135/2018/NĐ-CP
[7] Điều 1.21 Nghị định 135/2018/NĐ-CP.
[8] Tham khảo hệ thống pháp luật Việt Nam, Thủ tục hành chính: Gia hạn giấy phép dạy học trung tâm (cơ sở) ngoại ngữ tin học, bồi dưỡng văn hoá – TP Hồ Chí Minh; Các văn bản pháp luật liên quan.