Thủ tục thành lập hộ kinh doanh
Theo thống kê ở nước ta, hộ kinh doanh chiếm một số lượng vô cùng đông đảo có số lượng gấp 10 lần so với số lượng doanh nghiệp. Hộ kinh doanh xuất hiện rải rác khắp các tuyến đường, ngõ hẻm trên đất nước, điển hình là kinh doanh shop, quán ăn, café, cửa hàng tạp hóa, sửa xe, v.v… và có số lượng đăng ký ngày một gia tăng trong những năm gần đây. Vậy hiện tại thủ tục thành lập hộ kinh doanh được quy định như thế nào? Đối tượng nào thì mới được đăng ký thành lập? v.v…. Luật Nghiệp Thành sẽ tư vấn giúp bạn đọc những vấn đề xung quanh việc thành lập hộ kinh doanh tại bài viết dưới đây.
- Những đối tượng không được đăng ký hộ kinh doanh
Đó là:
– Người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
– Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;
– Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Tóm lại, ngoài việc chưa đủ 18 tuổi, không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, thì những đối tượng đang bị truy cứu TNHS, tạm giam, chấp hành hình phạt tù, v.v…. đều sẽ không được phép thành lập hộ kinh doanh là quy định được bổ sung thêm.
– Và cá nhân, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh phải không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh (trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại)
- Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh
Phải có đủ các điều kiện sau:[1]
– Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh[2]
– Tên của hộ kinh doanh[3]
Gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:
+ “Hộ kinh doanh” và Tên riêng của hộ kinh doanh
Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, có thể kèm theo chữ số, ký hiệu.
+ Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc để đặt tên riêng cho hộ kinh doanh.
+ Không được sử dụng các cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp” để đặt tên hộ kinh doanh.
+ Tên riêng hộ kinh doanh không được trùng với tên riêng của hộ kinh doanh đã đăng ký trong phạm vi cấp huyện/quận.
– Có hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh hợp lệ
– Nộp đủ lệ phí theo quy định
- Đối tượng thành lập hộ kinh doanh và thành phần hồ sơ
Hiện nay, quy định tại Nghị định 01/2021 đã loại bỏ đối tượng thành lập hộ kinh doanh là nhóm cá nhân và thay bằng hộ gia đình. Nghĩa là những đối tượng được phép đăng ký thành lập chỉ còn lại cá nhân và hộ gia đình.
Các thành viên hộ gia đình sẽ ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh, gọi là chủ hộ. Giống với cá nhân, các thành viên hộ gia đình sẽ đều phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ.[4]
Thế thì thành phần hồ sơ sẽ bao gồm những gì?
Hộ gia đình muốn thành lập hộ kinh doanh thì vẫn sẽ nộp hồ sơ tương tự như với cá nhân thành lập hộ kinh doanh.
Hồ sơ đăng ký thành lập như sau:[5]
Cá nhân | Thành viên hộ gia đình |
1. Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh; | 1. Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh; |
2. Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh; | 2. Giấy tờ pháp lý của cá nhân của thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh; |
3. Tờ khai đăng ký thuế Mẫu số 03-ĐK-TCT[6] | 3. Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh; |
4. Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh; | |
5. Tờ khai đăng ký thuế Mẫu số 03-ĐK-TCT. |
Trường hợp bạn muốn ủy quyền cho người khác thành lập hộ kinh doanh thì phải kèm theo Giấy ủy quyền.[7]
Nộp hồ sơ tại: Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh.
Thời gian giải quyết hồ sơ: 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ.
- Quyền lợi và nghĩa vụ của hộ kinh doanh
– Chủ hộ kinh doanh và cách thành viên hộ gia đình sẽ được quyền góp vốn, mua cổ phần trong doanh nghiệp với tư cách cá nhân. Hiện nay còn có quyền mua phần vốn góp trong doanh nghiệp.
– Chủ hộ kinh doanh có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ về thuế, nghĩa vụ tài chính và các hoạt động kinh doanh của hộ theo quy định.
– Chủ hộ kinh doanh đại diện cho hộ kinh doanh với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác.
– Có quyền thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của hộ. Tuy nhiên, người chịu trách nhiệm về khoản nợ và nghĩa vụ tài sản có phát sinh từ hoạt động kinh doanh vẫn là do chủ hộ kinh doanh.
– Và đương nhiên mọi trách nhiệm đối với hoạt động kinh doanh của hộ sẽ do chủ hộ và các thành viên của hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Thủ tục thành lập hộ kinh doanh”
Nếu các bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Thủ tục thành lập hộ kinh doanh nhìn chung khá đơn giản và dễ dàng thực hiện. Tuy nhiên, nếu các bạn không có thời gian hoặc e ngại thủ tục hành chính, Luật Nghiệp Thành sẵn sàng nhận dịch vụ Tư vấn Thành lập Hộ kinh doanh. Các bạn có thể liên hệ qua số điện thoại 034 8457888 (Nguyễn Linh Chi-Trợ lý luật sư) để biết thêm chi tiết thủ tục.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Linh Chi
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận
[1] Điều 82 Nghị định 01/2021
[2] Điều 6 Luật Đầu tư 2020
[3] Điều 88 Nghị định 01/2021
[4] Điều 79 Nghị định 01/2021
[5] Điều 87.2 Nghị định 01/2021
[6] Tham khảo mẫu tờ khai tại Thông tư 105/2020/TT-BTC
[7] Điều 84.4 Nghị định 01/2021