Thỏa thuận bảo mật thông tin trong hợp đồng lao động

Thỏa thuận bảo mật thông tin trong hợp đồng lao động

 

Thỏa thuận bảo mật thông tin là gì?

Thỏa thuận bảo mật thông tin trong hợp đồng lao động

1.Thỏa thuận bảo mật thông tin là gì?

Thực tế không tồn tại một thỏa thuận độc lập với nội dung thỏa thuận không được làm việc cho đối thủ cạnh tranh mà nó được lồng ghép trong thỏa thuận bảo mật và không cạnh tranh (non – disclosure agreement and confidentiality and non – competition), thường gọi là NDA. Về bản chất là một giao dịch dân sự được xác lập như một điều khoản trong hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc một văn bản thỏa thuận, hợp đồng riêng độc lập với HĐLĐ[1].

Thỏa thuận bảo mật thông tin: là biện pháp nhằm bảo vệ Thông tin mật/Bí mật kinh doanh, ngăn cản Người lao động tiết lộ thông tin của Người sử dụng lao động với bất kỳ bên thứ ba nào.

Thỏa thuận Không cạnh tranh: là biện pháp nhằm mục đích ngăn cản Người lao động tiết lộ thông tin mật của Người sử dụng lao động của mình nhưng thường chỉ áp dụng với đối tượng Người sử dụng lao động tiếp theo, và chỉ khi cả hai Người sử dụng lao động trước và sau của Người lao động là đối thủ cạnh tranh trong cùng ngành nghề, lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật.

Một thỏa thuận bảo mật thông tin thường gồm các nội dung chính sau: Thông tin của hai bên giao kết; Định nghĩa thông tin bảo mật; Cam kết bảo mật và không tiết lộ; Cạnh tranh và không lôi kéo; Nghĩa vụ của NLĐ; và Thỏa thuận chung. Toàn bộ cấu thành thỏa thuận bảo mật thông tin chính yếu là để đảm bảo NLĐ không được tiết lộ thông tin bảo mật cũng như quy định chế tài họ sẽ đối mặt nếu vi phạm cả khi đang làm việc hoặc đã nghỉ việc. Thỏa thuận bảo mật thông tin tạm được gọi hoàn chỉnh khi minh định rõ: Thông tin bảo mật là gì? Đối thủ cạnh tranh là ai? Phạm vi cũng như thời gian cam kết bảo mật của NLĐ (được tiết lộ cho ai, khi nào được tiết lộ…); và Hậu quả nếu vi phạm.

Document

2.Tại sao phải có thỏa thuận bảo mật thông tin?

Thỏa thuận bảo mật thông tin ra đời dựa trên nhận thức: khi NLĐ làm việc ít nhiều họ sẽ biết được các thông tin mật của NSDLĐ, nhất là những nhân sự cấp cao được tiếp cận với những thông tin quan trọng, chiến lược kinh doanh của công ty; để hạn chế các thông tin này bị rò rỉ – mà lo ngại nhất là lọt vào tay công ty bị định vị là đối thủ cạnh tranh – NSDLĐ sẽ yêu cầu NLĐ phải ký thỏa thuận bảo mật thông tin trước khi chính thức làm việc cho NSDLĐ.

3.Thỏa thuận bảo mật thông tin có hạn chế quyền tìm việc của NLĐ hay không?

Đứng dưới góc nhìn của NLĐ thì thỏa thuận bảo mật thông tin đã và đang hạn chế quyền tự do lựa chọn việc làm của NLĐ[2]. Nhưng việc ký thỏa thuận bảo mật thông tin của NLĐ và NSDLĐ hoàn toàn tự nguyện nên thỏa thuận này vẫn là thỏa thuận đúng pháp luật và được Tòa án công nhận giá trị pháp lý. Đây là lúc NLĐ ký hợp đồng lao động với NSDLĐ. NLĐ với tâm lý đang là người tìm việc, muốn có việc làm nên thử hỏi ai có thể đủ can đảm để đàm phán, đưa ra ý kiến về việc ký thỏa thuận bảo mật thông tin. NLĐ ở một vị trí yếu thế hơn so với NSDLĐ, không thể không ký thỏa thuận bảo mật thông tin[3].

Vấn đề bảo mật thông tin tại thời điểm NLĐ làm việc tại công ty không có gì đáng nói. Vì nó chỉ phát sinh khi NLĐ nghỉ việc tại công ty. Khi NLĐ nghỉ việc tại công ty và muốn tìm một công việc mới thì thỏa thuận bảo mật thông tin sẽ hạn chế việc NLĐ có thể tìm được một công việc phù hợp với năng lực, trình độ.

 

Pháp luật hiện tại vẫn chưa có một quy định cụ thể nào về việc hướng dẫn thi hành, ký kết thỏa thuận bảo mật thông tin như thế nào thì có lợi cho NSDLĐ và NLĐ. Nên NLĐ  trước khi ký kết hợp đồng lao động cần cân nhắc khi ký thỏa thuận bảo mật thông tin. Vì khi đã ký thỏa thuận bảo mật thông tin thì NLĐ phải thực hiện theo cam kết đã ký với NSDLĐ.

Trên đây là nội dung tư vấn về “Thỏa thuận bảo mật thông tin trong hợp đồng lao động”

Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Nguyễn Minh Cơ

Ngày cập nhập, bổ sung: 14.10.2021

Người bổ sung: Lê Tuấn Huy

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận

[1] Điều 116 Bộ luật dân sự 2015

[2] Điều  35.1 Hiến pháp năm 2013, Điều 5.1 Bộ luật Lao động 2019

[3] Điều  9.6 Luật Việc làm 2013

Document
Categories: Lao động

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*