Tặng nhà đất cho con có điều kiện: Rủi ro thường gặp và cách phòng tránh

Tặng nhà đất cho con có điều kiện: Rủi ro thường gặp và cách phòng tránh
Lập hợp đồng tặng cho (HĐTC) nhà đất có điều kiện là một quyết định quan trọng, thường xuất phát từ mong muốn được con cái phụng dưỡng khi về già. Tuy nhiên, đằng sau ý định tốt đẹp đó là những rủi ro pháp lý tiềm ẩn có thể khiến bạn mất cả tài sản lẫn niềm tin. Bài viết này sẽ đi sâu phân tích những rủi ro pháp lý phổ biến nhất và cung cấp cho bạn lời khuyên để bạn tự bảo vệ mình.
1. Các rủi ro phổ biến:
a) Tài sản bị bán cho người thứ ba ngay tình trước khi cha mẹ khởi kiện:
Người mua này hoàn toàn không biết về “điều kiện” giữa các bên và đã trả đủ tiền, hoàn tất thủ tục đăng ký. Trong trường hợp này, bạn không thể đòi lại nhà từ người mua này. Bởi vì họ được pháp luật bảo vệ.[1] Tòa án sẽ không buộc họ phải trả lại tài sản cho bạn. Lúc này, bạn chỉ có thể khởi kiện chính người con để đòi bồi thường thiệt hại. Khoản bồi thường này sẽ tương đương với giá trị của căn nhà tại thời điểm xét xử. Tuy nhiên, việc đòi được tiền bồi thường có thể kéo dài và gian truân nếu người con cố tình tẩu tán tài sản.
Do đó, ngay từ khi phát hiện dấu hiệu vi phạm điều kiện hợp đồng, bạn phải nhanh chóng yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (như “phong tỏa tài sản”)[2], ngăn chặn việc mua bán, chuyển nhượng.
b) Điều kiện tặng cho trái luật, trái đạo đức:[3]
Không phải bất cứ điều kiện nào bạn đặt ra cũng được pháp luật công nhận. Ví dụ về các điều kiện “trái luật, trái đạo đức”: “Con phải theo tôn giáo X của gia đình”, “con không được kết hôn với cô Y”, “con phải từ bỏ quyền làm mẹ/cha với đứa con riêng.”
Những điều kiện này bị xem là vô hiệu vì chúng vi phạm nghiêm trọng các quyền con người đã được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ (quyền tự do tín ngưỡng, quyền tự do kết hôn, quyền của cha mẹ đối với con…).
Khi một điều kiện trong hợp đồng bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu, có hai khả năng xảy ra:
i) Vô hiệu toàn bộ: Nếu điều kiện đó là mục đích chính, không có nó thì việc tặng cho sẽ không diễn ra.
ii) Vô hiệu một phần: Tòa án sẽ loại bỏ điều kiện trái luật đó ra khỏi hợp đồng. Khi đó, HĐTC có điều kiện của bạn sẽ mặc nhiên trở thành HĐTC không có điều kiện.
3. Lời khuyên:
Để tránh mọi tranh cãi sau này, nguyên tắc vàng là phải cụ thể và lượng hóa được các điều kiện khi soạn thảo HĐTC có điều kiện
Không nên ghi (Mơ hồ, khó chứng minh, trái luật, trái đạo đức) | Nên ghi (Rõ ràng, cụ thể, có thể đo lường) |
“Phải có hiếu, phụng dưỡng cha mẹ.” | “Phải chung sống tại căn nhà này để tiện chăm sóc sinh hoạt hàng ngày cho bên tặng cho.” |
“Phải lo cho cha mẹ.” | “Hàng tháng phải chu cấp cho bên tặng cho chi phí sinh hoạt là 7.000.000 VNĐ, chuyển vào tài khoản số X trước ngày 5 hàng tháng.” |
“Phải chăm sóc khi cha mẹ ốm.” | “Chịu trách nhiệm đưa bên tặng cho đi khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm tại bệnh viện Y, chi trả toàn bộ viện phí, chi phí thuốc men theo chỉ định của bác sĩ.” |
HĐTC tài sản có điều kiện là một công cụ pháp lý hữu hiệu để bạn an hưởng tuổi già. Tuy nhiên, để công cụ này thực sự phát huy tác dụng, bạn cần một bản hợp đồng chặt chẽ, các điều khoản rõ ràng và một sự hiểu biết về các rủi ro tiềm ẩn.
Trên đây là nội dung tư vấn về: “Tặng nhà đất cho con có điều kiện: Rủi ro thường gặp và cách phòng tránh”.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Minh Hoàng
Người kiểm duyệt: Nguyễn Linh Chi
[1] Điều 133 Bộ luật Dân sự 2015.
[2] Điều 114 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
[3] Điều 462.1, 123 Bộ luật Dân sự 2015.
Views: 1